Khổ nỗi, từng lời kinh ấy cứ như oán than, hờn trách mà không hề mang đến sự bình an cho anh: Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người. Này em xin cứ phụ người…(*)
Anh cũng không nhớ rõ đây đã là lần thứ mấy mình cứ nghe đi nghe lại bài hát này. Chắc cũng vài ngàn lần kể từ khi anh chọn nó làm bài nhạc hiệu cho cuộc đời mình sau biến cố ấy. Nghe nhiều đến nỗi không chỉ thuộc từng lời ca, từng nốt nhạc mà anh còn nhớ cả từng thời điểm lấy hơi, cách nhả chữ của ca sĩ. Để rồi không ngờ bài hát ấy lại gắn chặt vào anh như một định mệnh xót xa.
Anh gặp cô lần đầu khi được phân công dựng clip ca nhạc. Phiếu công tác ghi rõ buổi làm việc sẽ bắt đầu lúc 14h00 nhưng 30 phút trôi qua mà cô vẫn chưa có mặt tại phòng dựng phim. Trong khi ban thư ký biên tập cho biết cô đã ra khỏi phòng làm việc từ lâu. Anh gọi vào số điện thoại của cô thì chập chờn lúc được, lúc mất rồi lại ò í e ngoài vùng phủ sóng. Một lát sau, cô gọi lại xin lỗi anh vì thang máy đang hư nên không sử dụng được. Anh điên tiết hét vào điện thoại bảo cô không có chân để đi bộ xuống hay sao? Cô im lặng hồi lâu rồi lại tắt máy. Điều đó càng làm anh thêm bực bội vì anh đoán chắc cô thuộc kiểu người lười vận động. Đi mấy bước cũng leo lên xe, di chuyển mỗi tầng cũng phải chờ thang máy… Đến khi cô bước vào phòng khập khiễng trên đôi nạn với đôi chân teo tóp được cố định trong khung inox và khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi thì cũng là lúc anh “đứng hình” vì sự hối lỗi trong lòng đã dâng đến tột cùng. Anh lí nhí xin lỗi cô rồi cả hai bắt đầu làm việc. Anh được phân công dựng clip ca nhạc do cô biên tập về phố núi vào mùa dã quỳ bừng nở óng ả trong mỗi khung hình, nơi từng góc máy. Thú vị ở chỗ, cô làm biên tập nhưng lại chưa một lần tận mắt ngắm nhìn những bông hoa dã quỳ giừa núi rừng cao nguyên. Trong khi đó lại là thứ hoa mà anh yêu thích. Nên anh đã kể cho cô nghe về loài hoa như những mặt trời nhỏ bé mang sức sống và sưởi ấm núi rừng khi những cơn gió đầu đông ùa về.
Ảnh minh họa |
shutterstock |
Cũng từ ngày đó, anh quan tâm đặc biệt đến cô hơn. Bởi dường như tính cách và nghị lực của cô có những nét giống như những bông hoa dã quỳ, tuy bình dị nhưng luôn ẩn chứa một sức sống mãnh liệt. Theo thời gian anh và cô càng gắn bó hơn với những ước mơ như bao đôi lứa. Cô ước mong được một lần về quê anh để tận mắt ngắm nhìn cái sắc vàng óng ả của dã quỳ ở khắp mọi nơi như lời anh kể. Còn anh thì bảo nhất định ngày cưới của họ cũng sẽ ngập tràn những bông hoa tươi xinh ấy. Từ cổng hoa, hoa trang trí, hoa cài trên áo cho đến vòng hoa trên đầu, hoa cầm tay cho cô dâu.
Này em xin cứ phụ tôi, đời sống quanh đây có vạn lời mời, đời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào. Đời đã quen với những kiếp xa nhau…
Những lời ca trầm buồn vẫn cứ vang vọng. Anh đang ngồi đây, âm thầm một mình trong căn nhà gỗ bên sườn dốc. Tất cả đã đổi thay đến không thể nào ngờ trong vòng 6 tháng qua. Ban đầu chỉ với vết xước nhỏ sau một lần quẹt xe trên đường. Vết thương đã không lành như mọi khi mà ngày một lan rộng hơn. Sau đó là những cơn đau âm ỉ, nhức buốt. Kết quả chẳng khác nào một cái án tử sau hàng loạt những lần thăm khám, chẩn đoán, xét nghiệm… Anh bị ung thư xương, cần phải tháo khớp sớm. Bác sĩ khuyên anh cứ làm việc bình thường, nếu sức khỏe cho phép. Bởi được gặp gỡ, chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp sẽ giúp anh phần nào quên đi căn bệnh của mình và sống lạc quan hơn.
Nhưng anh đã làm ngược lại. Lặng lẽ nghỉ việc, lánh xa bạn bè, cắt đứt mọi liên lạc, kể cả cô, rồi âm thầm về quê. Anh không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Để cô khỏi phí hoài tình yêu và thanh xuân của mình vì anh. Thành phố này đã không còn là khung trời mơ ước, là chốn cưu mang những ngày tháng đẹp nhất của đời anh. Tất cả chỉ còn lại sự ngột ngạt đến khó thở của những tất bật, ồn ào thâu đêm suốt sáng; của những ánh mắt hiếu kỳ, thương hại khi người ta nhìn thấy bộ dạng của anh.
Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người. Này em có nhớ cuộc đời.
Này em có biết loài người. Này em có nhớ gì tôi...
Phải chăng vì cùng yêu sắc hương mộc mạc, thanh khiết của loài hoa dã quỳ mà mối tình của anh và cô cũng trải qua lắm trắc trở, nhiều bi ai chẳng khác gì truyền thuyết về mối tình giữa K’lang và H’limh nơi vùng đất đại ngàn. Lần đầu gặp bạn gái của con mình, mẹ anh đã tỏ vẻ không vui vì cô không thể có được những bước đi bình thường, lành lặn như bao người. Mặc cha con anh thuyết phục cỡ nào thì bà vẫn một mực phản đối. Bà lo sợ cô sẽ là một gánh nặng để anh phải gồng gánh suốt cả một đời. Đến lúc phát hiện anh mang bệnh thì lại đến lượt bố mẹ cô chuyển sang phản đối dù trước đó hoàn toàn ủng hộ. Họ không muốn đứa con gái đã chịu đựng nhiều thiệt thòi của mình sẽ đứng trước một tương lai mịt mờ khi tiếp tục yêu thương và gắn bó cùng anh.
Với người tin Chúa thì bệnh tật là mầu nhiệm của sự đau khổ. Mà đã là mầu nhiệm thì con người chẳng thể nào thấu hiểu hơn là chấp nhận. Chấp nhận như thánh giá của cuộc đời mình để mai sau được hưởng phúc thiên đàng. Còn theo thuyết nhà Phật thì đó là “quả” ta phải gánh chịu vì “nhân” mình đã gieo ở kiếp trước. Cho nên, chẳng thể mang bất kỳ lý do nào để có thể gọi là giải thích một cách thuyết phục nhất về án tử mà chính anh chứ không phải một ai khác phải gánh chịu. Từ lúc trở về quê anh chỉ muốn ở một mình trong phòng để gặm nhấm những nỗi buồn tủi, cô đơn của căn bệnh bỗng dưng giáng xuống cuộc đời mình. Vậy mà hôm qua, thằng bạn thân đã bất ngờ ghé thăm anh rồi lại tiếp tục những hành trình xuôi ngược của nó. Một thằng bạn tốt đến nỗi chẳng hề hỏi thăm về sức khỏe, bệnh tình của bạn mình ra sao mà chỉ huyên thuyên với những dự án thiện nguyện còn dở dang của nó. Mà cũng đúng thôi, vì cả nó và anh cùng một thứ bệnh nên có hỏi thăm cũng chỉ bằng thừa. Quan trọng hơn là nó đã khiến anh thấy vui và lạc quan hơn với những câu chuyện thú vị, những điều nó sẻ chia. Có lẽ nó nói đúng, dù hạnh phúc hay khổ đau thì thời gian vẫn cứ trôi và cuộc sống vẫn luôn nối tiếp…
Anh chậm rãi lật từng trang tờ báo ảnh mà nó đã tặng. Trong muôn vàn những tấm ảnh nhà lầu, xe hơi lẫn gái đẹp, anh vẫn nhận ra một bức ảnh thật đẹp chụp những bông hoa dã quỳ khoe sắc giữa núi rừng cao nguyên. Như chợt nhớ điều gì, anh mở rộng khung cửa sổ làm cả căn phòng chan hòa những tia nắng ấm.Trước mắt anh những bông hoa dã quỳ đang bừng nở giữa cái lạnh của những ngày cuối năm. Những cánh hoa mộc mạc, thanh khiết và rực rỡ như tâm hồn người dân phố núi. Màu hoa như gom hết màu nắng trong năm để khoe sắc một lần. Hoa nở ra, in trên nền một khoảng không xanh thắm, vời vợi. Dã quỳ là vậy, không ai trồng, không ai chăm sóc mà hoa cứ vươn lên đến mãnh liệt. Bất chợt anh nhận ra bóng dáng ai đó đang bước đi trên con dốc rẽ vào nhà. Là một cô gái với từng bước chân chậm rãi, khập khiễng có vẻ quen quen. Anh với tay lấy cặp nạn di chuyển ra cửa cũng là lúc người ấy đang đứng trước sân. Trời ơi là cô, cô gái của anh với vòng hoa dã quỳ xinh xắn trên đầu đang nhoẻn miệng cười:
- Cô dâu của anh xinh chứ?
Anh như vỡ òa trong hạnh phúc, luống cuống lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt cô:
- Sao nhóc tìm ra được chỗ này, hay vậy?
Cô tỏ vẻ tinh nghịch:
- Ai mà như anh, đi trốn người ta mà lại ở trong căn nhà gỗ giữa những bông hoa dã quỳ thơ mộng như thế này!
Anh mỉm cười thích thú rồi xoa đầu cô như một đứa trẻ. Ngoài kia những bông hoa dã quỳ rực rỡ khẽ đung đưa trong gió. Đâu đó bài hát vẫn văng vẳng ngân nga:
Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người. Này em xin cứu một người. Này em hãy đến tìm tôi. Vì những con sông đã cạn nguồn rồi, vì gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời.Về cùng tôi đứng bên âu lo này...
--------
(*) Lời bài hát Này em có nhớcủa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Bình luận (0)