(TN Xuân) Ở các đồn biên phòng dọc biên giới phía bắc, có rất nhiều cây hoa đào rừng. Mỗi độ xuân về, hoa đào lại tưng bừng khoe sắc.
Mốc 42 trên đỉnh Pu Si Lung (Pa Vệ Sủ, Mường Tè, Lai Châu) - Ảnh: Ngô Trần Hải An
|
Giữ đào thiêng Lũng Cú
Trạm kiểm soát biên phòng Lũng Cú (thuộc Đồn biên phòng Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) nằm dưới chân Cột cờ quốc gia cao 1.700 m so với mực nước biển. Cứ cuối đông đầu xuân, cả trạm lọt thỏm trong bừng bừng sắc đỏ hoa đào, trắng tinh khiết hoa mận, tinh khôi hoa cải vàng lũng núi và mấy ngày Tết Nguyên đán, trên bàn thờ Tổ quốc trong doanh trại biên phòng, luôn cắm đủ 3 loài hoa đặc trưng: đào - mận - cải tươi roi rói.
Cột cờ Lũng Cú, do Trạm kiểm soát biên phòng Lũng Cú canh gác bảo vệ
|
Thượng úy Nguyễn Vũ Quỳnh quê ở Gia Bình, Hải Dương là trạm trưởng, đã có gần 8 năm gắn bó với mảnh đất địa đầu cực bắc nên rành rọt từng câu chuyện. Ngoài việc quản lý - bảo vệ đường biên, Quỳnh và anh em trong trạm còn có thêm nhiệm vụ “đặc thù, không đâu có”: chăm giữ lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 luôn tung bay trên đỉnh cột Lũng Cú. Quỳnh kể: “Cứ thấy hoa đào sắp nở là anh em thay nhau tăng cường trông cờ” và tỉ mỉ giải thích: càng gần tết, mưa phùn gió bấc càng nhiều, khiến cờ nhanh rách và nhanh bạc màu. Những lúc ấy, cả trạm biên phòng lại xù xì áo bông, trèo lên cột cờ hơn 33 m thay cờ. Ít nhất 3 người lính: 1 điều khiển mô tơ, 2 hỗ trợ luồn cờ nâng cán, trong ù ù gió mạnh đến cấp 6 - 7, lạnh có khi dưới 0 độ, quên không đeo găng có khi da tay dính chặt vào cột thép, phải mang nước ấm gỡ ra là bình thường. Nhiều anh em mới chưa quen việc thay cờ, rất dễ trượt chân ngã hoặc đập đầu, thân mình vào cột thép.
Có điều lạ bao nhiêu năm qua: mấy ngày Tết âm lịch, dù gió mạnh đến đâu, lá cờ thiêng cùng lắm chỉ rách lề chứ không bạc màu. Năm nào hoa đào càng thắm, thì cờ cũng thắm màu nguyên vậy cùng hoa đào.
Nói đến chuyện này, thượng tá Nguyễn Hải Lý, nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú - người đã có gần 20 năm gắn bó với mảnh đất Đồng Văn, bảo: Ở doanh trại của đồn đóng trên xã Ma Lé, có 2 gốc đào cổ thụ cành lá sum suê và chỉ bung nở tầm giữa tháng 2 dương lịch mọi năm, trùng với thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía bắc (2.1979). Đầu năm 2014, khi bắt đầu xây dựng lại doanh trại, Thủ trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Bộ Tư lệnh cũng yêu cầu cố gắng giữ lại mấy gốc đào, bởi đó là cây đào thiêng.
Trên địa đầu cực bắc, cái sự thiêng liêng của màu hoa đỏ không chỉ gìn giữ những gốc cây cũ kỹ mà còn rành rọt việc trồng mới những thân chiết ghép mỗi mùa xuân. Chả thế mà cứ mỗi đầu năm lên Lũng Cú, lại thấy đào rừng thêm bùng nở ven đường đi, bên hông chợ, sau trạm y tế, trong sân trường...
Thượng úy Nguyễn Vũ Quỳnh thành thật: “Tất cả cán bộ, giáo viên, bộ đội trong xã mỗi năm trồng mới ít nhất 5 gốc đào” và cười: “Nếu không, lấy đâu ra hoa đẹp cho các anh chị dưới xuôi lên chụp ảnh, ngắm hoa cỏ biên cương?”.
Hoa đỗ quyên trên đỉnh Pu Si Lung
“Nơi cuối trời Tây Bắc có Lai Châu. Ở cuối trời Lai Châu có Pa Vệ Sủ” - đại tá Phan Hồng Minh, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu, nói vậy với tôi, giữa thập thõm chao lắc thùng xe Uoat chạy nguyên ngày đường rừng gần 300 km từ thị xã Lai Châu lên Pa Vệ Sủ, những ngày cuối năm 2014.
Quân y Đồn biên phòng Tả Gia Khâu khám sức khỏe cho người dân
- Ảnh: Mai Thanh Hải Đại tá Phan Hồng Minh, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Lai Châu, tặng quà
cho học sinh La Hủ có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ (Mường Tè, Lai Châu) nằm cuối đường cụt nối từ thị trấn Mường Tè vào trung tâm xã, có nhiệm vụ quản lý bảo vệ đường biên và mốc giới trên địa bàn. Cột mốc nằm trên đỉnh Pu Si Lung cao hơn 2.856 m so với mực nước biển, luôn mờ mịt sương mây và từ bản dân cư gần nhất (Sín Chải B) ngược lên, bộ đội - dân quân quen đi rừng phải mất 3 ngày đêm vượt suối sâu đèo cao. Những ngày tết, việc tuần tra càng không thể lơ là. “Hàng rào nhà mình, càng dịp vui chơi lễ tết càng phải trông canh cẩn thận, phòng kẻ xấu thừa cơ sơ hở phá hoại”, đại úy Phùng Nhù Giá, chính gốc người Hà Nhì, sinh ra lớn lên ở Mường Tè, đã có 15 năm tuổi quân, đang là Chính trị viên phó Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ bảo vậy.
Phùng Nhù Giá kể, đường tuần tra qua những cánh rừng nguyên sinh với những thân cây mấy người ôm không xuể; những cành lan rừng quý hiếm không biết nổi tên họ, đẹp long lanh giữa đại ngàn; bát ngát rừng phong sáng chiều thay màu lá; cơ man thân đào rừng xù xì, mốc thếch rừng rực bung nụ và hoa đỗ quyên - loài hoa trắng hồng tinh khiết tượng trưng cho sự chung thủy, được người chơi cây cảnh dưới thành phố tỉ mỉ chăm bón, nhưng ở Pa Vệ Sủ lại mọc hoang dại, vô vàn dọc đường tuần tra lên cột mốc xa xôi.
Bao năm, đã thành thói quen: những người lính biên phòng luồn rừng lội suối lên canh mốc đều ngắt chùm hoa đỗ quyên đặt trên bệ mốc, trước khi thực hiện nghi lễ chào cột mốc chủ quyền. Bao năm rồi, vẫn thế...
Tương tự, ở Đồn biên phòng Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai), với trung tá, Chính trị viên Nguyễn Trọng Mạch những ngày tết đến là những ngày đào quanh đồn biên phòng tướp táp vì mưa gió, sương muối. Mạch bảo: “Hoa cũng chịu khổ cùng bộ đội” và cười phà hơi trắng đục trong chiều rét buốt: “Có như vậy mới là biên giới, anh nhỉ?”. Trong nụ cười ấy, có cả nỗi niềm của những người giữ đất, trên những vành mây trắng biên cương...
Bình luận (0)