Gắn liền với chiến tranh là hình ảnh người lính, là tình đồng chí, đồng đội. Tuy nhiên, trong tâp truyện ngắn Trên núi Tưk-cot, chiến tranh và hình ảnh người lính được Hồ Kiên Giang khai thác dưới góc nhìn mới. Anh không chú trọng nhiều để khai thác vẻ đẹp oai hùng, lẫm liệt hay miêu tả kỹ các trận đánh mà cái anh quan tâm nhất đó là tình người, là những phẩm chất cao đẹp, là ký ức về cuộc chiến qua những nhân chứng sống. Điều này làm cho tác phẩm có chiều sâu tâm trạng, mang giá trị nhân văn cao.
Gió bấc qua đồng, Thước phim đời người, Người con gái trên đồi sim, Trên núi Tưk- cot, Những giấc mơ biên thùy là những truyện viết chắc tay về đề tài chiến tranh cách mạng và chiến tranh biên giới. Những câu chuyện được kể lại bằng chính người trong cuộc, nên tác phẩm có độ xác tín cao.
Hoàn cảnh chiến tranh và bao biến cố thời cuộc nên không có điều kiện để người lính năm nào thực hiện hết những ước nguyện với đồng đội của mình. Chính vì thế làm cho họ cảm thấy xót xa, day dứt và đau đáu hơn. Khi có điều kiện, người lính ấy sẵn sàng cất công đi tìm hài cốt đồng đội còn thất lạc. Đó không chỉ là trách nhiệm mà là nghĩa cử, phẩm chất cao đẹp của những người lính Cụ Hồ. Được sự phân công của tổ chức, anh Thanh cùng đội trưởng Phấn (Những giấc mơ biên thùy) đã trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Cuộc kiếm tìm với nhiều trở ngại bởi nơi đồng đội các anh nằm đã có nhiều thay đổi. Đi qua nhiều nơi, từ núi Sam-ki-ri Mil-chi về phía ngã ba sông Sà-kai. Được sự trợ giúp của chú Thạch Nhol, tổ công tác cử người ngược đường lên Nam Vang tìm Tùa Hảo, lên Xiêm-riệp vào chùa Stung-hau hỏi thăm Chao Ót. Chao Ót là người biết rõ nhất nơi các đồng chí ta nằm. Nhưng đáng tiếc là ông vừa mất tuần trước. Vì thế việc kiếm tìm hài cốt sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Vượt lên tất cả, tổ công tác kiên trì đào hết bãi sông dài, đào trước khoảng sân nhà chú Thạch Nhol. Trong quá trình tìm hài cốt đồng đội, Thanh đã có những giấc mơ, trong giấc mơ nửa hư nửa thực lần lượt hiện về hình ảnh của Nghĩa, Chiến. Họ chuyện trò với nhau, rồi hình ảnh Nghĩa đưa tay tháo băng ga-rô trên đầu để khoe phần vẹt khuyết một mảng đầu đỏ au bên phải giống như trái dưa hấu bị vạt mất một phần ba... Và rồi hôm sau tổ đã hoàn thành nhiệm vụ với nỗi vui mừng khôn xiết khi đã tìm được hài cốt của đồng chí mình.
Ở Thước phim đời người, Hồ Kiên Giang tạo dựng nên tình huống bất ngờ từ đầu đến cuối truyện. Ông tham gia phim Thước phim đời người là để nhớ, để tri ân những người đồng chí, đồng đội một thời đã sát cánh cùng ông nhưng họ đã ngã xuống U Minh khói lửa trong chiến tranh. Điều bất ngờ là sau khi nhận giải thưởng, ông có cuộc hẹn với một cô phóng viên trẻ tên Hòa để trả lời phỏng vấn. Cuộc gặp gỡ này đã “hóa giải” bao day dứt mà mấy chục năm qua ông không biết phải làm thế nào. Cô phóng viên Hòa (con gái của Hoa) là đầu mối giúp ông Kiên gặp lại được Hoa, Hải - những người đồng chí, đồng đội của mình sau mấy mươi năm bặt vô âm tín.
Xuyên suốt tập truyện Trên núi Tưk-cot nhà văn Hồ Kiên Giang tập trung vào số phận con người và những bi kịch, đó là bi kịch giữa khát vọng và thực tại, giữa sự cố gắng vươn lên và sự bị kìm hãm, giữa nhân bản và phi nhân bản. Chiến tranh dù ở phía nào cũng đều tổn thương, nhất là những người dân lành vô tội. Không chỉ ở Việt Nam mà những người dân Campuchia trong cuộc chiến chống Pol Pốt cũng gánh phải những hậu quả như vậy. Dì Tư (Gò cao vùng lũ) phải gánh chịu mất mát dồn dập khi nhiều người thân trong gia đình bị bọn Khơ-me đỏ tràn qua biên giới tàn hại dã man. Thằng Tí và con Sửu em ruột dì bị bọn chúng dùng mác đâm lòi ruột, ba dì thì bị bắn mấy vết đạn. Mẹ dì Tư choáng váng, bà chết điếng rồi sau đó nằm liệt giường, hơn nửa tháng sau thì ra đi. Sau đó không lâu, dì Tư nhận tin chồng mình hi sinh ở chiến trường Campuchia... Tác giả đã tạo tình huống để cho nhân vật ông Hai ghe hàng xuất hiện. Sau bao nhiêu lần trò chuyện, hỏi thăm trở thành người khách thân thiết ở quán bánh bò dì Tư, khi đã biết chính xác dì Tư là chị ruột của thằng Tí và con Sửu thì ông Hai đã tự tử. Cái chết đột ngột cùng với lá thư gửi lại: “Nếu tôi có chết, xin chị tha thứ cho tôi. Ký tên Thiện”. Vậy là người tên Thiện lâu nay mà ông Hai kể đã cùng với tên chỉ huy vào giết em dì Tư không ai khác chính là ông Hai.
Thế giới nhân vật trong tập sách Trên núi Tưk-cot phong phú và đa dạng, đủ cả mọi tầng lớp, loại người. Điều đặc biệt trong truyện của Hồ Kiên Giang có kiểu nhân vật tự dằn vặt, ăn năn về những “lỗi lầm” mà họ đã gây ra trong quá khứ. Lỗi lầm đó chủ yếu là do hoàn thúc ép và hạn chế của thời đại. Cái hay là nhà văn không để cảm xúc của mình lấn át mà luôn có thái độ công bằng, phản ánh một cách trung thực, khách quan nhất về nhân vật. Ông Hai (Gò cao vùng lũ) là kiểu nhân vật như thế. Sau khi gây tội ác, ông đã ăn năn, hối hận và cuối cùng chọn lấy cái chết để đền tội.
Những đêm mất ngủ, Lính mới, Mùa này mía chẳng trổ bông là những truyện ngắn nhiều cảm xúc, những trang viết chân thật về người lính trong thời bình. Bạn đọc biết thêm về cuộc sống, sinh hoạt, tính cách cũng như những phẩm chất đáng quý của họ. Câu chuyện về người lính trẻ tên Kha (Lính mới) dành dụm tiền phụ cấp để gửi về cho mẹ. Đó là ý thức của một người con, một người lính trẻ có trách nhiệm. Dù không phải là điều gì to tát, nhưng chỉ bấy nhiêu đó cũng đáng để chúng ta trân trọng.
Anh Khánh (Mùa này mía chẳng trổ bông) cũng là người lính trong thời bình giàu tình cảm, sống chan hòa, biết san sẻ yêu thương và giúp đỡ người khác, có chí cầu tiến. Từ một anh lính, trong môi trường quân ngũ, Khánh tự ý thức việc học tập, rèn luyện và đã thi đậu vào trường sĩ quan Lục quân. Cũng nhờ Khánh giúp đỡ, tác động với bố mẹ Lài mà cô được đi học sư phạm trên tỉnh.
Hồ Kiên Giang cũng đã đưa vào tập sách một số truyện phản ánh về cuộc sống cũng như những phẩm chất, tính cách của người dân miền Tây Nam bộ (Út Đẹt, Khách miệt vườn, Đào nhì). Bức tranh đời sống lam lũ, nhọc nhằn nhưng ở họ toát lên sự chân chất, hồn hậu, cởi mở, tình nghĩa, hào sảng, bao dung và nhân ái của người miền Tây sông nước. Tuy vậy, đâu đó vẫn còn những hạn chế nhất định trong lối sống, nếp nghĩ; nhất là vẫn chưa có sự cởi mở để cho con cái có những sự lựa chọn theo cách của riêng mình.
Những đề tài Hồ Kiên Giang đề cập tới trong tập sách Trên núi Tưk-cot không hẳn là những đề tài mới. Tuy nhiên, với sự tinh tế, sắc sảo và nhạy bén, Hồ Kiên Giang đã khai nhiều vấn đề tế nhị, khuất lấp, chưa rõ ràng để đem đến cho độc giả cái nhìn mới, đầy đủ, chân xác hơn, toàn diện hơn về hiện thực cuộc chiến tranh và số phận của con người.
Bình luận (0)