Trong hai tháng vừa qua, đã có 4 vụ trọng án xảy ra ở 4 tỉnh Bình Phước, Nghệ An, Quảng Trị và Yên Bái. Nạn nhân bị giết hại trong cả bốn vụ là người trong cùng gia đình; có nơi cả gia đình bị đuổi tận, diệt tuyệt nên báo chí gọi là thảm án. Các vụ án ấy làm dư luận xã hội xôn xao, làm dấy lên trong nhân dân thái độ phẫn nộ và căm thù đối với hành vi gây án và những kẻ gây án.
Trong tình hình ấy, cán bộ, chiến sĩ ngành cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc Bộ Công an và các tỉnh đã nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ của mình, phối hợp với cơ quan công an các địa phương, lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, tổ chức truy bắt ngay được những kẻ gây án. Nhân dân cả nước thực sự phấn khởi, vui mừng khi nghe được thông tin kẻ gây án đã bị bắt, quan tâm theo dõi những cuộc họp báo của ngành công an sau đó nói rõ về nhân thân kẻ gây án và những lời nhận tội ban đầu.
Điểm đặc biệt ở cả bốn vụ án là ngành CSĐT đã truy bắt đúng người, đúng tội; không có một bị can nào bị bắt tạm giam mà dư luận suy nghĩ là có sự oan sai. Và khi đã nhận định có dấu hiệu của việc oan sai, CSĐT đã trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Trường hợp chị N.T.H trong vụ án mới xảy ra ở Yên Bái là một thí dụ cụ thể. Chị đã bị kẻ gây án buộc phải đi theo và bản thân chị không hề liên hệ gì đến hành vi gây án man rợ của nghi phạm.
Quả thật, người cán bộ, chiến sĩ CSĐT đang là những con người đi đầu trên mặt trận chống tội phạm. Bắt giữ kẻ gây án, điều tra làm rõ hành vi gây án, thu giữ vật chứng, tổ chức giám định pháp y, lấy lời khai nhân chứng, tái nghiệm hiện trường... để có một bản kết luận điều tra và hồ sơ vụ án đầy đủ, minh bạch là nhiệm vụ của các anh. Ở hai vụ án diễn ra trong rừng sâu, núi cao như Nghệ An và Yên Bái, người CSĐT đã phải chống gậy, trèo non, lội suối, làm lán tạm ở tại hiện trường để đánh án. Sự hy sinh thầm lặng của các anh xứng đáng được nhân dân ghi nhận, biểu dương, biết ơn.
Ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến khảo sát hiện trường vụ án tại Bình Phước và chỉ đạo cho cán bộ, chiến sĩ CSĐT hoàn thành nhiệm vụ.
Các vị giám đốc hoặc phó giám đốc công an ba tỉnh còn lại cũng đã đến hiện trường với cán bộ, chiến sĩ của mình. Sự có mặt kịp thời của các lãnh đạo ngành công an ở trung ương và địa phương nói lên tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; có sức động viên, thuyết phục lớn giúp người CSĐT có thêm quyết tâm vượt qua gian khổ, thực hiện tốt nhiệm vụ.
Nhưng công bằng mà nói, ở nhiều địa phương tình hình an ninh vẫn còn bất ổn; trộm cắp tràn lan khiến người dân nông thôn, trong đó đặc biệt là những người chăn nuôi, làm vườn lo lắng, không an tâm sản xuất. Nhân dân rất mong lãnh đạo ngành công an các địa phương này cũng nhanh chóng đến với hiện trường, với các cán bộ, chiến sĩ CSĐT khi địa bàn trách nhiệm của mình “hữu sự”. Chia sẻ gian khổ với cấp thừa hành, gặp gỡ động viên nhân dân an tâm, nêu rõ quyết tâm đánh án phá án nhanh - chỉ chừng ấy thôi cũng khiến hình ảnh người lãnh đạo ngành công an địa phương đẹp thêm trong mắt nhân dân.
Bình luận (0)