Tréo ngoe biên chế giáo dục: Sức ỳ từ sự ổn định

Thay đổi tư duy “biên chế là mặc nhiên được làm việc nhà nước đến tuổi về hưu, kể cả với lãnh đạo của một đơn vị giáo dục” sẽ tạo ra môi trường năng động, giảm sức ỳ của đội ngũ.

Ký hợp đồng có thời hạn
Theo các quy định hiện hành, hằng năm vẫn có việc đánh giá, phân loại viên chức để đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy nếu áp dụng đúng luật viên chức thì một giáo viên (GV) biên chế không có nghĩa là mặc nhiên được làm việc nhà nước đến hết tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, một khi GV đã vào được biên chế là có thể yên tâm không bị loại.
Thực tế này là nguyên nhân cơ bản tạo sức ỳ lớn trong đội ngũ GV hiện nay. Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá năng lực Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nếu cứ duy trì cơ chế làm việc đến tuổi hưu với lương thấp để thu hút người lao động thì có khả năng sẽ chỉ thu hút được những người không đủ năng lực.
Đồng tình quan điểm trên, ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), cho biết ủng hộ giải pháp mà Nghị quyết 19 đưa ra là “thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)”.
Theo ông Hà, giải pháp nào cũng có 2 mặt nhưng việc ký hợp đồng có thời hạn với GV phổ thông sẽ có tác động tích cực tới việc nâng cao mặt bằng chất lượng đội ngũ ở từng cơ sở giáo dục.

tin liên quan

Tréo ngoe biên chế giáo dục
Việc giao chỉ tiêu biên chế 'một cục' từ trên xuống, không chủ động trong việc tuyển dụng đội ngũ đang khiến nhiều trường gặp khó trong hoạt động. Tăng tự chủ nhân sự được coi là lời giải bài toán về quản lý biên chế ngành giáo dục.  
Thuê hiệu trưởng ?
Khi các GV, giảng viên chuyển sang hợp đồng viên chức có thời hạn, vấn đề nhiều người băn khoăn nhất chính là kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng để tránh lộng quyền.
Theo nhiều chuyên gia, với khối ĐH, lộ trình có vẻ khá rõ ràng khi việc thực hiện tự chủ của các trường ĐH gắn liền với sự nâng cao vai trò của hội đồng trường. Vì thế trong rất nhiều hội thảo, vai trò của hội đồng trường luôn là chủ đề nóng.
Trước thực tế hiện nay hội đồng trường giống như bộ máy quản lý mở rộng, ông Dương Đắc Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Hải Phòng, bức xúc: “Hội đồng trường được xác định là tổ chức quyền lực nhà nước cao nhất (đại diện quyền sở hữu), nhưng đại diện quyền sở hữu cái gì trong khi luật quy định đại diện nhà trường trước pháp luật là hiệu trưởng, chủ tài khoản cũng là hiệu trưởng. Là chủ sở hữu mà quyền và tiền đều không có thì anh đại diện quyền sở hữu cái gì?”. Một cán bộ quản lý Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng nêu ý kiến: “Với các trường ĐH công lập, hội đồng trường phải thực sự là hội đồng quyền lực chứ không phải hội đồng tư vấn”.
Với giáo dục phổ thông, vấn đề tự chủ càng nan giải hơn. Nhiều hiệu trưởng trường phổ thông khi nói đến cơ chế tự chủ đều tỏ ra e dè.

tin liên quan

Nếu hiệu trưởng là 'Lý Thông'
Việc hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên sẽ khiền nhiều người lo lắng. Bởi khi nói đến dân chủ trong trường học hiện nay, nhiều người đã có chung nhận xét: các trường học có dân chủ thật sự như… lá mùa thu.
Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly, với giáo dục phổ thông, nếu cơ chế cấp ngân sách và bổ nhiệm hiệu trưởng vẫn như hiện nay thì những lo ngại về việc trao quá nhiều quyền cho hiệu trưởng là có lý. Việc trao quyền chủ động nhiều hơn cho hiệu trưởng là một xu hướng đúng đắn và đáng khuyến khích, nhưng phải đi cùng một điều kiện tiên quyết: cơ chế lựa chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng phải bảo đảm được tiếng nói và lợi ích của các bên cũng như việc thực hiện các mục tiêu giáo dục mà nhà nước đã tuyên bố trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Chính vì thế, cải cách chế độ làm việc (trong đó có thu nhập) của GV phải gắn liền với chế độ bổ nhiệm hiệu trưởng, dựa vào hội đồng trường, hội đồng sư phạm và hội đồng phụ huynh, nhằm cân bằng tiếng nói và hài hòa lợi ích của các bên. Quyền lực của hiệu trưởng và GV phải được cân bằng, thông qua hội đồng sư phạm do GV bầu chọn. Hội đồng sư phạm cần có tiếng nói trong việc đánh giá và lựa chọn hiệu trưởng, cùng với hội đồng trường, hội đồng phụ huynh và cơ quan cấp trên.
Bên cạnh đó, nhiều người ủng hộ phương thức thi tuyển hiệu trưởng. Ông Lưu Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đường (Đồng Nai), nói: “Thi tuyển hiệu trưởng là biện pháp tích cực”. Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), thì dè dặt hơn: “Làm quy trình rồi bổ nhiệm hay tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm, mỗi cái đều có mặt mạnh riêng, quan trọng là cơ chế đi kèm thế nào. Nếu tổ chức thi hoặc thuê hiệu trưởng thì phải đẩy mạnh tác dụng của hội đồng trường. Hội đồng trường sẽ là đơn vị quyết định tuyển dụng hiệu trưởng, khi trúng tuyển thì hiệu trưởng chỉ đóng vai trò điều hành. Nhưng trường tư thì có hội đồng quản trị. Còn trường công lập thì ai là người đứng ra thay thế chức năng giống như hội đồng quản trị của trường tư?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.