Có đất không thể chia cho con cháu, không thể xây dựng nhà ở, không thể sang nhượng mua bán lấy vốn làm ăn... nỗi khổ của người dân sống trong các vùng quy hoạch treo nói như bà Vũ Thị Thanh Hà (Q.Thủ Đức) tại buổi tọa đàm mới đây do Báo Thanh Niên tổ chức là "kêu trời không thấu".
Thế nhưng nỗi cơ cực này lẽ ra không thể tồn tại và kéo dài nếu các cơ quan có thẩm quyền chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Theo quy định, định kỳ rà soát quy hoạch xây dựng là 10 năm đối với quy hoạch vùng, 5 năm đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, 3 năm đối với quy hoạch chi tiết kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
Chỉ tính riêng QĐ60 về diện tích tách thửa, TP.HCM đã nhiều lần chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương rà soát các quy hoạch trên địa bàn để điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời “xóa treo” các quy hoạch treo (quy hoạch không khả thi). Đây cũng chính là cơ sở pháp lý để giải quyết nhu cầu tách thửa của nhiều hộ gia đình, cá nhân đang bị “treo” quyền lợi.
Thế nhưng tính tới nay đã gần 3 năm kể từ khi QĐ60 có hiệu lực, quy hoạch treo vẫn hoàn quy hoạch treo, những người dân sống trong vùng quy hoạch này vẫn bị đóng băng toàn bộ quyền mua bán, cho tặng, xây dựng nhà cửa trên mảnh đất hợp pháp của mình. Lý do là bởi cơ quan có nhiệm vụ rà soát quy hoạch nào khả thi, cái nào không khả thi để xóa là Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã nói thẳng, họ còn chờ các quận, huyện...
Anh Lê Hoàng Kha, một người dân sống trong tình trạng đường vào nhà xuống cấp không thể sửa vì "khi nào được tách thửa mới được đầu tư đường vào nhà", mà muốn tách thửa thì QĐ60 lại không cho vì đất của nhà anh nằm trong "khu dân cư xây dựng mới" đã phải cay đắng thốt lên: "Kính mong các anh chị đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để biết nỗi khổ của họ như thế nào".
Đúng thế. Không đặt mình vào hoàn cảnh của người dân trong vùng quy hoạch treo thì không thể thấu hiểu nỗi cơ cực, sự thiệt hại... của họ. Nhưng ngay cả nếu không đặt mình vào hoàn cảnh của họ, thì cán bộ các cơ quan công quyền, chỉ cần làm đúng và tròn nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ mà họ đang hưởng lương, từ thuế do người dân đóng thì cũng không để xảy ra tình trạng quyền lợi của người dân bị treo theo quy hoạch không khả thi ở khắp nơi trên địa bàn TP.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, hiện trên địa bàn TP có gần 14.000 ha đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, chủ yếu tập trung trong 310 đồ án quy hoạch được lập, thẩm định và phê duyệt từ năm 2013 đang treo vì QĐ60. Còn hàng loạt các quy hoạch lộ giới treo từ đường vào hẻm, các dự án treo từ trung tâm ra ngoại thành... Nghĩa là hàng vạn, hàng triệu người dân đang bị treo quyền lợi, nhà nước thất thu thuế, vi phạm xây dựng nở rộ, bộ mặt đô thị bị loang lổ...
Không thể cứ vài tháng lại ra một công văn chỉ đạo "quyết liệt, khẩn trương" rồi quy hoạch treo vẫn hoàn treo. Thế nên, để giải quyết và chấm dứt tình trạng này, cách tốt nhất là phải làm rõ và xử lý trách nhiệm của những cán bộ sở, ban, ngành không hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chỉ có như vậy, mới tạo niềm tin cho người dân về một bộ máy hành chính công năng động, hiệu quả, vì dân phục vụ.
Bình luận (0)