Trị bạo lực học đường: Buộc ngừng học có còn là biện pháp đủ mạnh thời 4.0?

24/11/2024 13:54 GMT+7

Từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường làm xã hội hết sức lo ngại, trăn trở, bức xúc.


Liên tiếp các vụ bạo lực học đường

Ngày 12.11 báo chí đưa tin tại Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông), sau buổi chào cờ sáng 11.11 tại trường này, do mâu thuẫn, 2 nam sinh đâm 2 nữ sinh trọng thương phải nhập viện cấp cứu.

Trị bạo lực học đường: Buộc ngừng học có còn là biện pháp đủ mạnh thời 4.0?- Ảnh 1.

Nhiều vụ việc học sinh đánh nhau từ những nguyên nhân rất đơn giản

ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Chiều 20.10, nữ sinh lớp 7/3 Trường THCS Ngô Gia Tự (xã An Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) bị nhóm bạn cùng trường dẫn ra cánh đồng sau trường, vùi em xuống đất đánh đập tập thể, quay video lột đồ. Chiều hôm sau 21.10, nhóm này chờ em ra vị trí cũ, tiếp tục đánh đập, vùi xuống bùn đất, giựt tóc, lột quần áo của em.

Tối 19.10, do mâu thuẫn từ trước, một nam sinh của Trường THCS Anh Xuân (Huyện Nam Đàn, Nghệ An) bị bạn cùng trường ép ngồi xuống bốc đất bỏ vào miệng, sau khi ăn hết nắm đất đầu tiên, nam sinh này bị bắt tiếp tục hút thuốc lá.

Sáng 17.10 tại Trường THPT An Thới (Huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre), một nam lớp 10 bị đánh hội đồng ngay trong lớp phải nhập viện.

Ngày 12.10, tại Trường THCS và THPT Bắc Sơn (Tuyên Hóa, Quảng Bình), một nam sinh bị hai bạn cùng trường đánh ngay tại lớp học phải nhập viện…

Và chắc còn nhiều vụ khác nhưng các trường giải quyết "nội bộ". Có thể thấy, bạo lực học đường ngày càng tăng về số lượng, tính chất manh động, tàn nhẫn.

Ngừng học là… nghỉ học có lý do chính đáng!

Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, trước hết là của ngành giáo dục.

Đối với học sinh THCS, THPT hình thức kỷ luật cao nhất theo quy định hiện nay là "buộc ngừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT".

Trước đây, học sinh bị đuổi học, các em nhận thức sự nặng nề, áp lực, cô đơn khi không được đến trường cùng bạn bè. Bây giờ, tuy phải tạm thời ngừng học ở trường nhưng điện thoại di động trong tay, học sinh bị kỷ luật vẫn kết nối với "chiến hữu", vẫn games… Những em lười học coi thời gian bị đuổi học là… nghỉ học có lý do chính đáng!?

Một số trường yêu cầu trong thời gian kỷ luật, học sinh đến trường lao động vệ sinh trường lớp, đọc sách… Với học sinh "cá tính", biện pháp đó không hiệu quả mấy, học sinh đối phó, nên sau thời gian chịu kỷ luật, chứng nào tật ấy.

Trị bạo lực học đường: Buộc ngừng học có còn là biện pháp đủ mạnh thời 4.0?- Ảnh 2.

Cần những giải pháp mạnh mẽ, đột phá, nghiêm khắc từ ngành giáo dục để trị bạo lực học đường

ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Cần giải pháp căn cơ, mạnh mẽ trị bạo lực học đường

Thực trạng này đòi hỏi giải pháp căn cơ, mạnh mẽ, đột phá, nghiêm khắc từ ngành giáo dục, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, địa phương, các bộ, ngành chức năng.

Với vụ việc nghiêm trọng, không dừng ở đuổi học mà có thể đưa các học sinh này vào trường giáo dưỡng, quản chế chặt chẽ, cứng rắn, linh hoạt, mới có thể thay đổi. Phạt nặng và nghiêm, cảnh tỉnh học sinh ương bướng, cả với phụ huynh, nhà trường. "Mạnh tay" một vài trường hợp để hàng các học sinh khác biết sợ mà không dám làm.

Triệt để giảm tải chương trình học, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng nhẹ nhàng, xóa bằng được dạy thêm, học thêm tràn lan, triệt tiêu lạm thu tiền trường. Xây học đường vui - khỏe - nhân văn - tiến bộ. Chú trọng hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách, rèn kỹ năng sống; đặc biệt, rèn học sinh đức tính lễ phép, thân thiện, bao dung. Phát triển văn hóa học đường có tiêu chí cụ thể, nội dung giáo dục sống động, thực tế, không sáo rỗng, không hình thức, càng không nặng nề thi đua, điểm số, thi cử.

Giáo dục học sinh bằng nêu gương từ thầy cô. Trui rèn đạo đức nhà giáo phải là quyết sách hàng đầu của giáo dục. Thầy cô tốt, ắt có học sinh ngoan. Mỗi bài giảng là tiếng lòng của giáo viên giúp học sinh nên người chứ không nặng nề thêm - bớt kiến thức.

Tất nhiên, nhà trường trong hành trình này luôn cần sự phối hợp của phụ huynh, sự chung tay của xã hội. Gia đình nền nếp, yêu thương, trách nhiệm cùng thầy cô bảo ban con em mình.

Truyền thông, giải trí có trách nhiệm khi chia sẻ thông tin, sản xuất phim, ảnh, truyện… Làm sao những sản phẩm ra đời có nội dung giáo dục, hạn chế bạo lực.

Ngành giáo dục đột phá với chức năng quản lý nhà nước của mình cùng với giám sát, thanh tra, kiểm tra, sâu sát cơ sở, thấu cảm với thầy cô, học sinh, phụ huynh, lắng nghe ý kiến của mọi người với tinh thần cầu thị mới có thể trị bạo lực học đường.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.