Làm giá cổ phiếu lúc công khai, lúc âm thầm
Hôm qua (26.8), chỉ số VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,41% xuống 1.280,02 điểm và HNX-Index giảm 0,46% xuống 238,97 điểm. Thị trường chứng khoán (TTCK) hầu như đi ngang về điểm số trong 3 tháng vừa qua. Nhiều cổ phiếu (CP) cũng chỉ biến động nhẹ, thanh khoản thấp. Nhưng sóng lặng trên thị trường không và chưa bao giờ đồng nghĩa với những hoạt động lôi kéo, lừa đảo nhà đầu tư (NĐT), mạo danh người nổi tiếng hay làm giá CP.
Hàng loạt nhóm kín với hàng trăm người tham gia đang hoạt động rầm rộ, chèo kéo tư vấn mua CP này, bán CP kia, lướt sóng kiếm lãi khủng, phím hàng… So với những năm trước, mức độ nở rộ của các nhóm chứng khoán (CK) trên các mạng xã hội hoặc các phương tiện liên lạc như Zalo, Viber, Facebook, Telegram… mạnh hơn nhưng hoạt động kín hơn. Ngoại trừ có những nhóm NĐT do các nhân viên môi giới chuyên nghiệp thành lập để cung cấp thông tin cho khách hàng, kết nối với các NĐT thân quen, thì cũng không thiếu các "room" lập ra để lôi kéo NĐT, "lùa gà", phím hàng theo đội lái. Những NĐT ít kinh nghiệm hay mới tham gia sẽ dễ dàng sập bẫy.
Anh T.A (Q.Gò Vấp, TP.HCM) tham gia đến mấy nhóm Zalo về đầu tư CK vì muốn học hỏi. Nhóm nào cũng hoạt động rôm rả, có nhiều thông tin chi tiết về hoạt động doanh nghiệp (DN), giao dịch của CP, trao đổi của những thành viên cũ… Thời gian đầu anh cũng thử mua bán theo một số CP được tư vấn đánh giá tốt, lịch sử giao dịch thường xuyên mang lại mức lãi cao và thậm chí nhân viên môi giới là "chủ room" cũng khuyến nghị mua vào. Kết quả anh cũng lãi sau một thời gian ngắn, nhưng chỉ vài tháng sau, có CP từng được "phím" hàng đã lao dốc không phanh, số tiền trong tài khoản bị bào mòn khá nhiều.
"Có nhiều CP dù thấy DN đang thua lỗ nhưng vẫn được khuyến nghị mua vì bảo là sắp hết lỗ, sẽ có báo cáo lãi đột biến hay giá đã giảm quá mạnh thì có thể mua vào chờ hồi phục… Lúc nghe thì thấy cũng có lý, nhưng khi mua vào rồi thì lỗ mình phải chịu. Sau này mình rút ra khỏi các hội nhóm và chỉ còn tham gia 1 nhóm có môi giới của công ty đang giao dịch để trao đổi thông tin. Nghe nhiều quá cũng dễ bị dao động và sẽ bị chạy theo số đông, dễ rơi vào bẫy của ai đó", anh T.A chia sẻ.
Từ các hội nhóm, việc thao túng giá CK trong giao dịch sẽ âm thầm diễn ra với các "kỹ thuật" như sử dụng nhiều tài khoản, đặt mua hay bán ở mức giá khác nhau với khối lượng lớn nhằm tạo ra cung - cầu giả tạo để thu hút sự quan tâm của NĐT. Nhiều vụ án về tội thao túng, làm giá CP đều chỉ ra những thủ đoạn tương tự, và dù đã cũ nhưng vẫn có những nạn nhân mới, nhất là những NĐT thích "lướt sóng", tìm kiếm lợi nhuận nhanh nên dễ bị sập bẫy.
Không chỉ thế, việc các lãnh đạo, cổ đông lớn âm thầm mua bán CP mà không công bố trước theo quy định cũng được xem là một trong những chiêu trò có thể góp phần dẫn đến hành vi thao túng CK. Đình đám nhất là Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, trong vụ án thao túng TTCK và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại FLC và các đơn vị có liên quan vừa bị đưa ra xét xử.
Theo cáo trạng, bị cáo Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa nhân viên, người thân để thành lập công ty, mở tài khoản CK; sau đó thao túng 5 mã CP AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng. Bị cáo Quyết còn chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng FLC Faros, tạo lập hồ sơ để niêm yết 430 triệu CP ROS, bán cho NĐT, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng. Bản thân bị cáo là lãnh đạo cao nhất của FLC nhưng nhiều lần giao dịch số lượng lớn CP này mà không công bố thông tin…
Vì sao "cá mập" dễ thao túng chứng khoán?
Từ đầu năm đến nay, không kể những vụ án hình sự lớn được đưa ra xét xử, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng đã nhiều lần công bố các quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi này. Có thể kể đến như quyết định xử phạt ông Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội) 575 triệu đồng vào cuối tháng 5 do đã có hành vi thao túng TTCK. Trong khoảng thời gian từ ngày 13.12.2019 - 16.7.2020, ông Tùng đã sử dụng 5 tài khoản gồm 1 tài khoản đứng tên mình và 4 tài khoản đứng tên 4 người khác để liên tục thực hiện giao dịch mua, bán CP của CTCP đầu tư xây dựng Hà Nội (mã HCI), giao dịch khớp đối ứng CP HCI giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung - cầu giả tạo, thao túng TTCK đối với CP HCI.
Tương tự, UBCKNN cũng xử phạt ông Giang Tuấn Anh 575 triệu đồng. Cụ thể, từ tháng 2.2020 đến đầu tháng 10.2020, ông Anh đã sử dụng tài khoản CK của mình và 22 tài khoản CK của NĐT khác để giao dịch CP DST của Công ty CP đầu tư Sao Thăng Long với mục đích tạo thanh khoản và cung - cầu giả tạo, thao túng giá CP...
Vì sao hành vi làm giá, thao túng CK vẫn diễn ra? Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing (TP.HCM), hành vi thao túng giá CK đều xuất hiện tại bất kỳ TTCK nào trên thế giới. Nhưng đối với TTCK VN, hành vi này diễn ra nhiều hơn ở các thị trường phát triển lâu đời. Lý do là quy mô của thị trường vẫn còn nhỏ, trong đó có nhiều CP khá cô đặc do một vài cổ đông lớn nắm tỷ lệ chi phối lớn và không giao dịch thường xuyên. Từ đó khiến tỷ lệ CP có thể giao dịch trên thị trường ít càng khiến cho các đội lái dễ dàng thực hiện việc "mua tay trái bán tay phải". Hay với giá trị vốn hóa của nhiều DN thấp, chỉ vài chục tỉ đồng cũng khiến cho những "cá mập" chính là cổ đông lớn, hay một vài lãnh đạo DN có thể thao túng giá CP. Đồng thời, số lượng NĐT cá nhân tham gia trực tiếp trên TTCK vẫn chiếm đa số. Trong đó, số NĐT có tâm lý "lướt sóng", tìm kiếm lợi nhuận cao trong thời gian ngắn, dễ chạy theo đám đông… nên từ đó càng khiến cho các đội nhóm, "tổ lái" dễ lôi kéo.
"Gần đây, sau những đại án về làm giá, thao túng CK bị đưa ra xét xử đã khiến tình trạng thao túng CK lắng xuống so với trước. Nhưng tôi nghĩ trên thị trường này thì các hành vi đó vẫn âm thầm diễn ra. Có thể những chiêu trò sẽ không còn quá táo tợn như trước mà được thực hiện tinh vi, ở một mức độ vừa phải, nên sẽ khó phát hiện hơn. NĐT nên luôn thận trọng bởi nếu chạy theo các "sóng" CP thì phần lớn đều thua lỗ", TS Nguyễn Văn Thuận chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nhận định tỷ lệ NĐT cá nhân tham gia trực tiếp trên TTCK khá lớn là điều khác biệt so với nhiều TTCK khác, chẳng hạn như Mỹ, châu Âu... Các NĐT cá nhân không có khả năng đi sâu phân tích về DN, về từng CP như các quỹ đầu tư, NĐT tổ chức. Trong khi đó NĐT cá nhân lại dễ bị lôi kéo, chạy theo số đông và thêm tâm lý thích đầu tư "một phát ăn ngay", CP này có "sóng" hay không. Chính vì vậy có nhiều đội nhóm hay CP giao dịch bất thường rất dễ phát hiện, nhưng vẫn có người sụp bẫy. Chỉ đến khi bị thua lỗ nặng nề thì họ mới quay sang "oán trách" cơ quan quản lý không cảnh báo… Vì vậy NĐT cá nhân phải tự thay đổi, trưởng thành hơn trong chiến lược đầu tư cũng sẽ góp phần khiến các chiêu trò thao túng giá không còn đất diễn ra.
Hoàn thiện khung pháp lý, xử lý nghiêm
Theo Bộ Tài chính, thông qua công tác giám sát, kiểm tra giao dịch trên TTCK thời gian qua, có những NĐT, nhóm NĐT chỉ giao dịch một hoặc một số ngày (có thể không liên tục) nhưng đó là hành vi cố ý tác động đến giá đóng cửa hoặc mở cửa cho loại CK đó. Vì vậy, cần thiết luật hóa quy định về hành vi thao túng tại Nghị định số 156/2020 để đảm bảo cho phù hợp với các hành vi thực tế diễn ra trên TTCK VN hiện nay. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung theo hướng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo trong hoạt động về CK và TTCK; luật hóa quy định về hành vi thao túng TTCK bao gồm cụ thể các hành vi như mua hoặc bán CK với khối lượng chi phối vào thời điểm mở hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại CK đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại CK trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán CK mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự…
TS Nguyễn Văn Thuận cho rằng việc bổ sung quy định này là cần thiết. Hiện nay sàn HOSE duy trì phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ mở cửa và khớp lệnh đóng cửa, trong khi sàn HNX chỉ áp dụng phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục. Một số TTCK trên thế giới cũng duy trì đợt giao dịch khớp lệnh tương tự HOSE. Tuy nhiên trong 2 phiên khớp lệnh định kỳ này sẽ có nhược điểm là các đội lái dễ thao túng giá CP hơn trong phiên khớp lệnh liên tục. Nhưng quan trọng nhất là cơ quan quản lý có phát hiện được các giao dịch bất thường ở một số CP hay không? Điều này cần có hệ thống phần mềm hiện đại để phát hiện nhanh các giao dịch bất thường, từ đó mới tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có. Bởi có nhiều vụ vi phạm nhưng phát hiện quá chậm, khi UBCKNN công bố xử phạt hành vi thao túng giá CP thì các hành động đó đã xảy ra trong 2 - 3 năm trước khiến hiệu quả răn đe bị giảm đi. Nhiều NĐT là người bị hại nhưng cũng không còn giữ CP đó nên sẽ không quan tâm. Các "cá mập" cũng sẽ bị "nhờn" bởi sau thời gian dài cũng sẽ khó xác định chính xác mức độ thu lợi bất chính từ hành vi này…
Trong khi đó, luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng hiện nay các quy định về tội thao túng CK đã khá rõ ràng. Nếu ở mức độ nhẹ, tội làm giá CP sẽ bị xử phạt hành chính và giao cho UBCKNN thực hiện. Nếu hành vi thu lợi nhiều, có dấu hiệu nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến TTCK và các NĐT thì đã có quy định trong bộ luật Hình sự 2015. Chỉ đến khi nào cần làm mới các luật thì có thể rà soát lại tổng thể, từ xử phạt hành chính đến hình sự để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp thực tế. Quan trọng nhất vẫn là thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định. Nếu phát hiện nhanh các giao dịch đáng ngờ thì cơ quan quản lý trực tiếp phải thông báo công khai, ra quyết định xử phạt hành chính và thậm chí chuyển sang cơ quan công an điều tra nếu có dấu hiệu nghiêm trọng. Trên TTCK, việc phát hiện nhanh các dấu hiệu thao túng giá là quan trọng để ngăn ngừa hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Bên cạnh đó, LS Trương Thanh Đức cho rằng nên xem xét bổ sung tăng thẩm quyền điều tra cho UBCKNN. Vấn đề này đã được nêu ra cách nay gần chục năm nhưng chưa được đưa vào các văn bản pháp lý. "Với những lĩnh vực đặc thù, chuyên sâu như CK hay ngân hàng thì cần xem xét tăng thêm thẩm quyền điều tra cho cơ quan quản lý trực tiếp. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý thực hiện điều tra các vụ thao túng CK nhanh chóng hơn, giúp ngăn ngừa hành vi này mạnh hơn. Tất nhiên trong quá trình đó cũng cần phối hợp với cơ quan công an điều tra thì sẽ mạnh tay xử lý nghiêm minh hơn đối với hành vi này", LS Trương Thanh Đức cho hay.
Việc bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan trong việc giám sát, phát hiện và xử lý hành vi thao túng CK là cần thiết và phải được rà soát, thực hiện liên tục. Trong đó dần dần bổ sung quy định xử lý hành chính như cấm vĩnh viễn cá nhân vi phạm về thao túng CK không còn được hành nghề liên quan (thay vì chỉ cấm có thời hạn như hiện nay). Ví dụ ở Mỹ, các cá nhân sợ bị cấm hành nghề hơn là sợ số tiền bị xử phạt. Đồng thời, bộ máy quản lý nhà nước cũng cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của mình trong quá trình hoạt động, thanh kiểm tra giao dịch trên thị trường. Các NĐT cá nhân cũng phải tự trưởng thành, nâng cao kỹ năng, kiến thức về đầu tư tài chính nói chung hay CK nói riêng; giảm bớt tâm lý "lướt sóng", chỉ muốn có lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Cả ba yếu tố trên đều phải được liên tục thực hiện thì hành vi thao túng CK sẽ dần dần giảm bớt.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển
Mạo danh cơ quan quản lý, công ty chứng khoán
Ngoài các đội nhóm âm thầm hoạt động với nhiều thông tin thực hư, đồn thổi thì tình trạng lừa đảo, mạo danh các DN niêm yết, lãnh đạo công ty CK cũng xảy ra. Mới đây Công ty CP CK SSI cho biết vừa phát hiện một nhóm chat Zalo mạo danh ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty này. Cụ thể, đối tượng lập tài khoản tên Nguyễn Duy Hưng trên Zalo để đưa ra các nhận định, tư vấn. Từ nền tảng Zalo, đối tượng tiếp tục điều hướng vào nhóm kín trên Telegram, sử dụng công nghệ AI tạo hình ảnh, video giả mạo chủ tịch Nguyễn Duy Hưng tư vấn đầu tư CK nhằm dụ dỗ NĐT vào cạm bẫy. Hay Quỹ đầu tư PYN Elite Fund cũng lên tiếng cảnh báo về việc bị nhiều đối tượng lập ra các nhóm chat cộng đồng lấy tên quỹ để huy động mọi người gửi tiền đầu tư. Thậm chí UBCKNN cũng từng bị giả mạo văn bản cấp phép hoạt động cho quỹ đầu tư để lừa đảo…
Bình luận (0)