Trị côn đồ sân cỏ

11/06/2022 08:01 GMT+7

Bóng đá Việt Nam đang nỗ lực từng ngày nhằm tạo dấu ấn tốt đẹp cho người hâm mộ trong nước lẫn quốc tế.

Nhưng chỉ cần một hành vi côn đồ như cầu thủ Ngô Anh Vũ đã làm với trọng tài Trần Ngọc Nhớ trong trận bóng mới đây ở giải hạng Nhì quốc gia có thể sẽ phá hỏng tất cả...

Điểm lại những lần trọng tài bị đuổi đánh gây tai tiếng ở bóng đá Việt Nam

Thành tích bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây có sự thăng tiến đáng kể ở nhiều cấp độ từ lứa U.20, U.23 cho đến đội tuyển quốc gia. Nhưng kèm theo đó là cách chơi bóng và lối hành xử văn minh trên sân cỏ đã giúp bóng đá Việt Nam ngày càng tạo dấu ấn đậm nét trong mắt mọi người.

Biết hành xử chuẩn mực, giữ gìn hình ảnh cho bóng đá nước nhà vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng gầy dựng uy tín cho từng cá nhân cùng tham gia vào "hệ sinh thái" bóng đá mà ngày nay sự hội nhập quốc tế đã rất sâu rộng. Có thể dễ dàng nhận ra sự chuyển biến ngày càng tốt hơn về thành tích của bóng đá Việt Nam là nhờ chúng ta giảm dần, tiến tới từ bỏ lối đá bạo lực đã từng có trước đây.

Trọng tài được xem là “vua sân cỏ” và được trao quyền cao nhất trong khuôn khổ một trận đấu. Điều đó được thừa nhận từ khi luật chơi môn thể thao này ra đời và trải qua nhiều thập kỷ. Trọng tài có thể xử lý đúng hoặc sai và sẽ bị điều chỉnh bởi cấp trên của mình. Nhưng cầu thủ không thể tự ý hành động ngoài luật mà phải biết kiềm chế. Có thể xem kiềm chế sự nóng giận như một thứ năng lực mà cầu thủ phải tự trui rèn.

Ngô Anh Vũ không phải là cầu thủ “trẻ người non dạ” mà đã từng thi đấu cho vài đội bóng chuyên nghiệp ở V-League, hạng Nhất rồi bây giờ là giải hạng Nhì. Xem video clip được cộng đồng mạng chia sẻ, rất dễ nhận ra cầu thủ này luôn chực chờ bùng phát hành vi tiêu cực nếu anh ta tìm được một "cái cớ"! Và khi chiếc thẻ vàng thứ hai được rút ra, đó như là lý do để anh ta đấm vào mặt trọng tài chẳng khác võ sĩ quyền anh.

Sau hành động côn đồ của Ngô Anh Vũ, VFF đương nhiên có biện pháp xử lý thật nghiêm khi treo giò 2 năm. Nhưng vết nhơ côn đồ sân cỏ sẽ lưu lại theo thời gian có thể ảnh hưởng đến hành vi của những cầu thủ trẻ nếu họ không được giáo dục - uốn nắn kịp thời.

Đã từng có định kiến rằng “đá bóng chỉ là trò chơi của những kẻ quần đùi áo số". Nhưng ngày nay, cầu thủ được tạo điều kiện học văn hóa, được đào tạo bài bản về nền nếp, về tính chuyên nghiệp trong thi đấu. Bước vào sân cỏ, đẳng cấp hay trình độ chơi bóng cao vẫn chưa đủ mà thắng thua còn nằm ở lối hành xử cá nhân.

Muốn ngăn chặn côn đồ - bạo lực sân cỏ thì các lò đào tạo, các đội bóng cần phải lấy bài học giáo dục đạo đức cầu thủ làm tiêu chí bắt buộc. Đạo đức ở đây trước hết phải biết tôn trọng luật chơi, chấp nhận quyết định của trọng tài. Trị côn đồ - bạo lực sân cỏ cũng phải trên cơ sở “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bằng biện pháp giáo dục nhận thức ngay từ đầu. Nhận thức đúng, sẽ có ý thức cao. Có ý thức cao, mới hành động chuẩn mực.

Như vậy chúng ta mới không rơi vào cảnh phải chạy theo sự cố và giải quyết hậu quả mà nó để lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.