Các dị tật bẩm sinh về vận động thường có thể điều trị theo hai hướng: điều trị bảo tồn (nắn chỉnh, vật lý trị liệu) hoặc can thiệp bằng phẫu thuật. Với một số dị tật đặc trưng như bàn chân khoèo bẩm sinh, chân vòng kiềng, cong vẹo xương, bàn chân bẹt, đầu gối quật ngược, vẹo cổ, mặt lép, trật khớp háng và một số biến dạng khung xương khác, điều trị bảo tồn được xem là phương pháp tối ưu. Tuy nhiên, điều trị bảo tồn chỉ có thể áp dụng trong một vài năm đầu đời hoặc trong giai đoạn sơ sinh, khi cơ thể trẻ còn mềm dẻo và đáp ứng tốt với các kỹ thuật nắn chỉnh.
“Thời gian vàng”
BS Mai Văn Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM, đơn cử trường hợp một bệnh nhi mới 1 tuổi vừa được ông điều trị: “Đứa bé ra đời với đôi chân vòng kiềng khá nặng. Rất may, cha mẹ bé phát hiện sớm và đã nhờ BV can thiệp ngay từ lúc mới sinh. Tôi hướng dẫn gia đình thực hiện một số bài tập nắn chỉnh cho cháu bé.
|
Mới đây, lúc gặp lại bệnh nhi ấy, giờ đã tròn 1 tuổi, đôi chân cháu đã thẳng lại bình thường. Với dị tật chân vòng kiềng, nếu để lớn hơn thì phải can thiệp bằng phẫu thuật. Tuy mổ chân vòng kiềng không quá phức tạp nhưng thường phải để đến khi cháu bé được 5 tuổi mới mổ được, vì mổ sớm quá sẽ ảnh hưởng tới sụn tiếp hợp - tác động đến sự phát triển chiều cao của bé, đồng thời đây là phẫu thuật phải gây mê nên sợ ảnh hưởng đến trí não nếu bé còn quá nhỏ” - BS Thu phân tích.
BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, cho biết: Ba tuần đầu mới sinh được coi là “thời gian vàng” trong điều trị dị tật vận động. Ông lý giải: “Trong 3 tuần đầu, các dây chằng còn mềm, độ co dãn tốt vì cơ thể của bé còn ảnh hưởng bởi estrogen của mẹ chưa kịp đào thải. Do đó, việc nắn chỉnh có hiệu quả rất cao.
Các phương pháp điều trị bảo tồn như trị bàn chân khoèo bẩm sinh bằng phương pháp Ponseti hay trị trật khớp háng bẩm sinh bằng áo nẹp Pavlic, nếu được thực hiện trong giai đoạn sơ sinh thì trẻ có thể phục hồi hoàn toàn. Nếu để quá 2 tuổi, thường không điều trị bảo tồn. Trẻ càng lớn thì việc can thiệp bằng phẫu thuật càng khó và không thể phục hồi hẳn, nhất là bàn chân khoèo, trẻ lớn dù có được mổ thì khớp ở phần cổ chân vẫn bị cứng, việc đi lại vẫn khó khăn”.
|
Phát hiện qua chẩn đoán tiền sản
Theo PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội Chu sinh - Sơ sinh TPHCM, Trưởng Khoa Sơ sinh BV Từ Dũ, nhiều dị tật vận động ở trẻ có thể phát hiện ngay từ trong bụng mẹ, thông qua các chẩn đoán tiền sản. Tại BV Từ Dũ, các dị tật như vẹo bàn chân, cong xương tay, vẹo cổ, mặt lép, một số biến dạng khớp gối… đều có thể điều trị sau sinh.
“Thai phụ nên được theo dõi thai kỳ chặt chẽ. Nếu phát hiện tiền sản các dị tật này, BS sản khoa, BS sơ sinh sẽ phối hợp với các đơn vị vật lý trị liệu, chỉnh hình để điều trị dị tật cho trẻ sớm nhất. Trong 3 tháng đầu sau sinh, nhiều dị tật trông có vẻ nặng nề như đầu gối quật ngược, mặt lép, ngoẹo cổ… có thể điều trị bảo tồn. Qua giai đoạn này, cổ bị ngoẹo mà không được tập thì cơ sẽ co kéo, dẫn đến nhiều biến dạng khác mà dù có phẫu thuật cũng khó phục hồi; một số dị tật khung xương nếu để lớn phẫu thuật sẽ rất phức tạp, tốn kém mà khả năng phục hồi không bao giờ là 100%”.
BS Xuân cũng ví dụ trường hợp một bé gái bị u máu tại cơ ức xương đòn chũm, xuất hiện ngay sau sinh. Lâu ngày, phần u máu bị calci hóa khiến cơ bị co rút lại và ngắn hơn cơ bên đối diện vài cm, gây co kéo và méo hẳn mặt. Khi đi khám, bé gái này đã 10 tuổi nên phải phẫu thuật. Trường hợp này nếu được phát hiện sớm khi trẻ mới ra đời, có thể điều trị bằng vật lý trị liệu, xoa bóp, giúp cơ dần mềm lại và cân bằng, có thể hồi phục hoàn toàn rất lớn.
Theo BS Ánh, nếu dị tật vận động không may mắn được phát hiện trong giai đoạn sơ sinh, cha mẹ nên đưa trẻ đến BV ngay khi nhận biết bất thường ở trẻ. Dị tật vận động có thể được phát hiện qua sự bất bình thường, thiếu cân đối, biểu hiện khó khăn của dáng đứng, dáng đi, cử động khi sinh hoạt… Tùy theo dạng dị tật, trẻ sẽ được điều trị bằng nhiều phương pháp, đương nhiên can thiệp càng sớm thì hiệu quả càng cao.
Theo Anh Thư / Người Lao Động
Bình luận (0)