Là con nhà nòi, từ hai tuổi, Vũ đã được ba mẹ đưa anh vào rừng. Chơi trong rừng, giao tiếp với rừng, trong tâm trí non nớt của anh luôn là hình ảnh, âm thanh rừng với những đàn thú hoang dã, là bạt ngàn màu xanh của cây và màu đồng phục xanh pha ánh vàng của cán bộ kiểm lâm. Hiểu hết cực nhọc của nghề, Vũ theo học luật. Ra trường, định bụng tìm một công việc liên quan đến chuyên ngành nhưng rồi “tiếng gọi nơi hoang dã” cứ thôi thúc, kéo anh đến với rừng.
Bữa cơm đồng đội trong rừng |
tgcc |
Phụ trách công tác Pháp chế của Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai – đơn vị được giao quản lý 67 ngàn ha rừng, trong đó có Chiến khu D và 32.400 ngàn ha mặt nước hồ Trị An - nhưng công việc bàn giấy dường như làm anh bí bách. Vũ học thêm kiểm lâm để được ra … sống trong rừng; năm 2017 anh được bổ nhiệm làm Trưởng trạm kiểm lâm Khu ủy miền Đông. Cùng nhiệm vụ bảo vệ rừng, 5 anh em ở trạm của Vũ còn có nhiệm vụ giới thiệu về các di tích. Bởi lẽ, đây là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại – vùng đất Trung ương Cục miền Nam đóng chân trong 2 năm 1961-1962.
Nói về rừng ở Đồng Nai, từ năm 1997, Đồng Nai đã đi trước cả nước 20 năm với quyết định đóng cửa rừng tự nhiên. Chủ trương đúng cần có những người thi hành đúng; và Vũ cùng đồng đội là những người đó. Anh nói với tôi rằng, quản lý nhà nước đối với rừng là bỏ giày đen, mang giày bố đi lội rừng. Ở Khu Bảo tồn này, mỗi Kiểm lâm viên chịu trách nhiệm bảo vệ… 500 ha rừng, vậy mà họ vẫn nhớ từng tiểu khu với những gốc cây, ụ đất và bền bỉ tuần tra hàng đêm để bảo vệ tán rừng một thuở đã từng “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”; càng mưa gió càng phải tăng cường bởi đó là thời điểm kẻ xấu dễ lợi dụng nhất.
Ngoài việc tuần tra thường xuyên, cứ 15 ngày có các đoàn tuần tra kết hợp. Mỗi chuyến đi sẽ kéo dài 5 ngày. Năm ngày đó, họ bí mật rời các trạm, mang theo tư trang, thực phẩm, thuốc men, máy móc để lội rừng. Hành trình ấy, gặp lâm tặc, họ có trách nhiệm xử lý; cũng có khi Vũ là người đưa anh em đi bệnh viện cấp cứu. Gặp cây gỗ lớn có đường kính từ 40 cm trở lên, khi tháo bẫy thú, lúc gặp con suối lớn hay một thân cây đẹp đều được Vũ và đồng đội thống kê bằng phương pháp bắn định vị và chụp hình. Thông tin định vị được báo cáo về văn phòng Bảo tồn, từ đó lên được bản đồ khu vực, đánh dấu được nơi nào có bẫy thú, nơi nào rừng có khả năng bị xâm hại để tăng cường bảo vệ rừng và phát triển du lịch. Như suối Nứa, một con suối dài và đẹp đã được phát hiện và mở ra một tuyến du lịch mới cho Khu bảo tồn.
Rừng chiến khu D là ngôi nhà chung cho có 1.552 loài thực vật và 1.781 loài động vật với nhiều loài quý, hiếm, đặc hữu thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn. Hỏi về những hiểm nguy trong rừng, Vũ kể ra vô số. Rắn rết là chuyện không thể coi thường bởi rắn Hổ chúa nhiều vô kể, có khi còn vào nằm chơi trong… nhà tắm nên anh em đùa, không chừng đi tắm cũng thành … liệt sĩ! Thú rừng thì nhiều mà giáp mặt chúng cũng là mối hiểm nguy.
Đi tuần tra, gặp bầy heo non, kinh nghiệm dạy Vũ phải sớm tìm cách tránh. Thiên chức làm bố, làm mẹ sẽ biến những con heo rừng vài chục ký vốn hiền lành trở thành kẻ có sức mạnh cuồng điên, tấn công quyết liệt và là một mối nguy hiểm bất thình lình. Nơi đây có hàng trăm cá thể Bò Tót mà theo Vũ là tài sản quý nhất. Những con vật dũng mãnh với thân hình cao lớn, cặp sừng cong, đốm lông trắng trên đầu và ánh mắt nhìn rực lửa. Vũ nói với tôi rằng, hình ảnh những đàn Bò Tót đối với anh đã thân quen nhưng cảm xúc giữa một đêm tĩnh mịch, chạm vào những ánh mắt sáng rực như mắt của rừng ấy thì lần nào, với anh cảm giác diệu kỳ cũng như lần đầu. Bò Tót được Lâm tặc quan tâm “chăm sóc” bậc nhất còn người dân, có một dạo, nhiều nhà thả bò nhà vào rừng để lai tạo giống. Nhưng điều đó vô tình có thể kéo theo nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Bởi vậy lại phải vận động, thuyết phục, năn nỉ và thành công.
Với đàn Voi trên 10 con là niềm tự hào của Vũ, của anh em Kiểm Lâm và của cả người dân xứ Đồng Nai này. Đàn voi thuần chủng Việt Nam và là một nguồn gen quý hiếm. Vũ kể tôi nghe chuyện chàng kiểm lâm trẻ Sùng A Tú người dân tộc Tày từ Lạng Sơn vào đầu quân cho Bảo tồn ao ước được gặp Voi. Cầu được, ước thấy, xẩm tối, Tú chạy xe máy, ánh đèn xe làm Ông Bồ tức giận… cũng may chạy thoát thân nhưng chiếc xe máy trở thành mớ phế liệu. Vũ bảo, chẳng hiểu sao trong bàn cờ tướng, Tượng không qua sông nhưng thực tế thì…Voi ở Bảo tồn bơi sông phà phà.
Nói về giá trị của rừng, Vũ chỉ tôi thấy một phép tính: Mỗi năm, người dân Đồng Nai làm ra năm, sáu chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách. Số tiền ấy rất lớn và ý nghĩa nhưng nó chỉ là mồ hôi, công sức của một năm. Còn để có được một cây gỗ vài người ôm, một đàn bò Tót, đàn voi hay một cánh rừng già thì phải cần đến một trăm năm, hai trăm năm và còn nhiều hơn thế nữa. Nói thế để biết rằng, từ lâu rồi người Đồng Nai đã rất biết cách giữ gìn “những gì mà ta yêu quý”, không chỉ cho hiện tại mà cho mãi mãi về sau. Để giữ và điều tiết nguồn nước cho Tua-bin của Thủy điện Trị An quay đều; để dưới kia, Biên Hòa, TP.HCM hàng đêm sáng trắng ánh đèn. Và, cũng thấy rằng nhiệm vụ của các anh lớn lao biết chừng nào.
Phạm Ngọc Vũ kể chuyện rừng tại trạm Trung ương Cục miền Nam |
TGCC |
Nhưng di sản quý hiếm đó đã từng có lúc đứng trước nguy cơ "biến dạng" bởi chủ trương xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A; tuyến quốc lộ 13C và cầu Mã Đà, hay như hiện nay là Nghị định số 01/2019/NĐ-CP về viên chức kiểm lâm của Khu bảo tồn sẽ chuyển thành lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Những khi ấy, Vũ đứng ngồi không yên. Một mặt anh tham mưu cho lãnh đạo Khu bảo tồn có ý kiến với tư cách người trong cuộc rồi tranh thủ tất cả các mối quen biết mình có để khẩn khoản nói về công cuộc phải giữ lấy rừng; một mặt lại động viên, truyền cảm hứng cho anh em trong các trạm giữ vững tinh thần yên tâm công tác.
Trên các trang cá nhân của anh, chỉ thấy chuyện rừng, cây cối và muông thú, rất ít thông tin về gia đình. Vũ kể tôi nghe, đau lòng lắm khi hai năm qua, nhiều anh em kiểm lâm nghỉ không cần viết đơn bởi bị tác động từ Nghị định số 01/2019/NĐ-CP. 167 Kiểm lâm của Bảo tồn chỉ có 5 người là dân Đồng Nai và được bố trí ở trạm Trung ương cục này để kết nối lịch sử. Còn lại đều là người từ miền Bắc, miền Trung; người địa phương như Vũ là hàng độc rồi; chẳng còn ai mặn mà dấn thân vào rừng, để mỗi tháng chỉ có 04 ngày về thăm nhà rồi nhận vài triệu tiền lương “không chết đói nhưng đói đến chết”. Có những người mỏi chân chùn bước nhưng với người trạm trưởng này, bởi lỡ yêu “viên ngọc quý của thiên nhiên” rồi nên đành; hơn nữa anh có hậu phương vững vàng, có đất đai, nhà cửa từ bao đời ông bà để lại nên có thể yên tâm. Mà tình yêu rừng lạ lắm, xa rừng là thấy người bâng khuâng và nhớ rừng, nhớ tiếng đàn những đêm khuya anh em hòa giọng hát, cùng động viên nhau.
Hơn ba mươi năm gắn bó với rừng, anh tổng kết những đặc điểm chính của bản thân: “Ăn như lợn (dễ ăn mới tồn tại); nhanh như ngựa; khoẻ như lừa; dậy sớm như gà và ngủ như cave (phải thường thức đêm)”. Tôi nghe và hiểu, nếu như mình yêu rừng một thì Vũ yêu một trăm. Bởi có như vậy anh và đồng đội mới chấp nhận gian khổ, thậm chí hy sinh để ngày đêm gắn bó với rừng.
Trên trang thông tin cá nhân, Vũ đăng lá thư của con gái nhỏ, nét bút chì, run run: “Ba ơi, con nhớ ba nhiều lắm. Ba ơi, chừng nào ba về với con?”. Lại nhớ câu nói của Vũ: “Lấy chồng Kiểm lâm, một người phụ nữ sẽ biến thành đàn ông”.
Tháng tư ở Chiến khu D là mùa hoa Thành Ngạnh nở. Những đóa hoa tít trên cao, trắng như sao thắp sáng cả rừng già. Ai đó nói rằng Kiểm lâm thì giàu, rất giàu nhưng có lẽ đó là câu chuyện ở đâu đó hay từ thời nào đó. Chỉ thấy mỗi khi gặp những người lính áo xanh nơi này là một lần thấy bùi ngùi. Và khi xa thì lòng cứ nhớ, tình cứ thương.
Và tôi biết, mình có hẹn với Chiến khu D vào một ngày hoa Thành Ngạnh nở.
Bình luận (0)