Trị liệu tâm lý bằng việc đi... shopping

12/01/2023 09:00 GMT+7

Nhiều người trẻ chọn cách lượn lờ trong các trung tâm thương mại hoặc chỉ đơn giản là ghé vào siêu thị gần nhà để trị liệu tâm lý giải tỏa âu lo trong cuộc sống.

Hình thức trên được tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe WebMD (Mỹ) định nghĩa bằng tên gọi “trị liệu bằng mua sắm” (tên tiếng Anh: retail therapy). Thuật ngữ này xem hành vi mua sắm vừa là phương pháp để cải thiện tâm lý vừa có tác dụng “kích hoạt” cơ chế tự khen thưởng bản thân.

Như “thần dược”

Đều đặn 2 buổi/tuần, Chu Thị Quỳnh Anh (22 tuổi), sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, lại tạt vào siêu thị trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) để mua đồ gia dụng và nguyên liệu cho bữa ăn. Quỳnh Anh cho hay những gian hàng đầy ắp các loại sản phẩm mới lạ tại siêu thị luôn là “thần dược” giúp cô thoát khỏi cảm giác bức bối khi ở nhà.

Với nữ sinh viên này, không gian rộng rãi, ánh sáng, mùi hương của siêu thị có sức cuốn hút đến lạ kỳ. Vì vậy, cô thường kiếm cớ ghé vào nơi này dù chỉ để mua vài bó rau. “Tôi ưu tiên tìm mua các sản phẩm chăm sóc da và tóc ở siêu thị vì đây là nơi phân phối đầy đủ các mặt hàng ấy. Tiếp đến là quầy thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, mùi thơm lừng từ những chiếc bánh mới ra lò cũng trở thành yếu tố khiến tôi mê mẩn siêu thị”, Quỳnh Anh chia sẻ. Cô bật mí thêm việc lui đến cửa hàng tiện lợi những lúc tối muộn cũng là cách thức “trị liệu” hiệu quả của mình.

Tương tự, Nghị Minh Nguyệt (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cô dành mỗi ngày để đến siêu thị khi còn ở quê. Vốn thích sự gọn gàng, cô đánh giá cao cách bài trí ngăn nắp sản phẩm các ngành hàng trong siêu thị. Ngoài ra, mỗi khi bước chân vào đây, Nguyệt khó lòng rời mắt khỏi quầy bánh kẹo và mỹ phẩm.

Theo Nguyệt, điều đặc biệt ở siêu thị chính là khách hàng có thể tránh khỏi tình trạng bị hét giá. “Mỗi mặt hàng đều được gắn mức giá rõ ràng, vì thế người mua có thể dễ lựa chọn món đồ phù hợp với nhu cầu và ngân sách của bản thân. Hơn nữa, siêu thị còn có chính sách đổi/trả hàng và hoàn tiền nếu sản phẩm bị lỗi, điều mà những nơi như tạp hóa không thể đáp ứng”, Nguyệt nói. Cô cho rằng đi siêu thị là cách giúp mình giải tỏa tâm lý, nâng cao hiệu suất công việc.

Nhiều người trẻ chọn cách vào các trung tâm thương mại để giải tỏa âu lo trong cuộc sống

NHẬT THỊNH

Chỉ ngắm nghía thôi là đã vui !

Từ khi có khả năng tự chủ tài chính, Nguyễn Trọng Tín (23 tuổi), hiện đang làm việc tại một công ty truyền thông ở Q.3 (TP.HCM), thừa nhận tần suất đi siêu thị của anh cũng tăng lên đáng kể, trong đó có thời điểm anh ghé vào nơi này mỗi ngày sau giờ tan ca để giảm stress.

Trọng Tín kể: “Vì sống tự lập và ít có thời gian nấu nướng, các mặt hàng thực phẩm/đồ uống đóng gói tại siêu thị luôn là ưu tiên của tôi. Bên cạnh đó, siêu thị còn có những khu vực vui chơi, giải trí như nhà sách, rạp chiếu phim. Đây cũng là điểm hẹn lý tưởng của tôi với bạn bè”.

Hơn nữa, những khi rỗng ví, Tín luôn dành 2 - 3 tiếng ở siêu thị chỉ để ngắm nghía mọi thứ… cho vui. Ngoài ra, trước kia anh còn thường lui tới những hội chợ mua sắm cuối tuần được tổ chức trong các nhà văn hóa tại TP.HCM. Giá rẻ và không khí nhộn nhịp tại nơi đây là yếu tố hấp dẫn anh hơn bao giờ hết.

Tương tự, Đỗ Ngọc Bảo Khánh (23 tuổi), hiện là du học sinh tại Moscow (Nga), cho rằng số lần đi siêu thị ở xứ người của mình còn nhiều hơn khi ở Việt Nam vì bản thân đã có thể tự làm ra tiền. Đỉnh điểm, có lần cô dành đến 5 ngày/tuần chỉ để lượn lờ trong siêu thị hoặc trung tâm thương mại cho khuây khỏa. “Đây là thói quen tôi đã duy trì từ lúc mới 7 - 8 tuổi. Phải nói, việc đi siêu thị khiến tôi quên đi mọi phiền muộn bên ngoài”, Khánh khẳng định.

Đỗ Ngọc Bảo Khánh có lần dành đến 5 ngày/tuần chỉ để lượn lờ trong siêu thị cho khuây khỏa

NVCC

Dễ phản tác dụng

Nói về sự nở rộ của xu hướng “trị liệu bằng mua sắm”, Nhiêu Quang Thiện Nhân, chuyên viên tâm lý lâm sàng tại Trung tâm y khoa Vạn Hạnh (TP.HCM), cho biết hình thức này giúp gia tăng 2 chất dẫn truyền thần kinh là dopamine và endorphin. “Nếu dopamine là hóa chất của hạnh phúc, giúp tăng cảm giác thích thú khi sở hữu một món hàng thì endorphin là hóa chất giảm đau buồn tự nhiên. Vì vậy, “trị liệu bằng mua sắm” còn mô tả cả một quá trình sinh học - tâm lý giúp tâm trạng trở nên tốt hơn”, Thiện Nhân lý giải.

Tuy nhiên, theo chuyên viên, về lâu về dài, hành vi này chỉ mang đến niềm vui tức thời và dẫn đến nhiều mặt trái. “Đầu tiên, tài chính sẽ bị ảnh hưởng vì bạn có thể chi nhiều hơn số tiền mình có và có khi phải vay nợ. Điều này sẽ gây cảm giác tội lỗi và hối tiếc. Thứ hai, đây chỉ là hình thức né tránh vấn đề của bạn. Mua sắm có thể đem đến hiệu quả nhanh chóng nhưng nỗi buồn thì vẫn còn đó. Để rồi, vấn đề ngày càng lớn dần và khó giải quyết”, chuyên viên này cho hay.

Bản thân Minh Nguyệt tiết lộ cô từng mua những mặt hàng giảm giá mà không cần suy nghĩ để rồi khi mang về lại phát hiện chúng gần hết hạn sử dụng. Về phía Quỳnh Anh, nữ sinh viên này cũng nhận ra việc mua sắm đôi khi còn khiến cô phiền não nếu mua về một món hàng không xứng với mức giá bỏ ra.

“Do đó, để không trở nên nghiện mua sắm, ta cần lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng. Hãy ưu tiên những thứ thực sự cần thiết, chẳng hạn như đồ gia dụng hay đồ vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, ta có thể dành ra khoảng một hoặc hai ngày chờ đợi trước khi mua hàng. Đây là khoảng thời gian vừa đủ giúp ta định vị món đồ mình muốn”, chuyên viên Thiện Nhân nêu.

Đồng thời, chuyên viên chỉ ra thêm một số phương pháp trị liệu tâm lý lành mạnh như: yoga, thiền, nghe nhạc, tập thể dục, thư giãn bằng hương thơm và tránh sử dụng chất gây nghiện. “Lưu ý, nếu việc mua sắm gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, đã đến lúc bạn nên tìm gặp chuyên gia về sức khỏe tinh thần”, chuyên viên nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.