Cuộc tranh luận "Trí tuệ nhân tạo (AI) có thay thế con người?" tiếp tục nóng hơn khi ChatGPT có thể nhanh chóng tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn và thậm chí còn sáng tác thơ. Quan điểm ChatGPT sẽ thay thế con người vấp phải sự phản đối đến từ luận điểm "ChatGPT còn nhiều lỗ hổng, kiến thức cơ bản sai". Tôi lại thấy việc ChatGPT sai càng làm cho nó có… tính người hơn.
AI cũng sai
Học sinh hoặc người trẻ lâu nay luôn cảm thấy áp lực "phải đúng" trong cuộc sống: Làm sai sẽ bị trừ điểm, nói sai sẽ bị nhắc nhở, trách phạt. Dù mục đích của những hình phạt này nhằm giúp trẻ hoàn thiện hơn, nhưng vẫn có những bạn trẻ ám ảnh với sự cầu toàn, sợ nói, sợ làm vì sợ sai.
AI giống "con nhà người ta" khi trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Tuy nhiên, đôi chỗ vẫn có sai sót, có thể do thu nhận kiến thức từ sai nguồn hoặc kiến thức đó chưa được cập nhật. "AI cũng sai" là một mệnh đề tạo ra sự giáo dục kép cho cả học sinh và giáo viên.
Đối với học sinh, quyền được sai chính là một trong các phương thức nhằm hoàn thiện kiến thức, kỹ năng của bản thân hơn. Do đó, giáo viên có thể mở rộng hướng dẫn học sinh tự đánh giá sự cố gắng, chuyên cần, không bị xao lãng bởi các yếu tố gây nhiễu (điện thoại, ti vi). Kết quả vốn đã nằm trên giấy, nhưng không phản ánh toàn bộ công sức cố gắng của trẻ. Nếu kết quả không như ý muốn thì việc xác định những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong lần kiểm tra sắp tới.
Còn với giáo viên, những gì mình nói trên lớp có thể không là chân lý. Đối với cấp càng lớn, như giai đoạn trung học phổ thông, việc tạo ra môi trường cho học sinh phát triển tư duy phản biện là rất quan trọng. Việc mở rộng nội dung bài giảng, liên kết với các vấn đề cuộc sống để học sinh tập khả năng lập luận, tôn trọng góc nhìn đa chiều, không có đúng sai tuyệt đối sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bậc học cao hơn.
"Thái độ quan trọng hơn trình độ"
Mỗi lần được người dùng nhắc nhở khi đưa ra câu trả lời sai, ChatGPT luôn trả lời: "Xin lỗi, có thể tôi đã nhầm, bạn có thể cung cấp thông tin chính xác cho tôi không?". Câu trả lời này vốn không cảm xúc và đầy máy móc, nhưng đây cũng là điểm sáng của AI khi sai: Không tự ái, không mất mặt, chỉ quan tâm đến việc nâng cấp kiến thức cho bản thân.
Ở một góc độ nào đó, thái độ này thậm chí còn ưu việt hơn người thật, khi thứ chi phối chúng ta còn là cảm xúc, sự nhạy cảm, cái tôi… Trong một số tình huống, chúng ta biết mình sai nhưng không dám thừa nhận. Nếu ai nhắc thì giận lẫy, phủ nhận nhằm bảo vệ danh dự. Chính điều này đã cản trở sự phát triển, cập nhật cái mới của con người. Đặc biệt, khi tuổi càng lớn, kiến thức càng nhiều, vị trí càng cao càng dễ mắc phải sự tự ái này, khiến kiến thức bản thân tụt hậu so với lớp trẻ.
Trong giáo dục, giáo viên có thể tạo ra tình huống để học sinh "bắt bài", phát hiện và thẳng thắn thừa nhận lỗi sai của mình. Từ đó, giáo viên lồng ghép truyền tải thông điệp về "thái độ quan trọng hơn trình độ", nêu bật sự khiêm nhường, liên tục học hỏi điều mới. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm giáo dục "lấy người học làm trung tâm", góp phần tạo ra môi trường giáo dục đa chiều, học tập lẫn nhau giữa người dạy và người học. Trái với quan điểm cho rằng việc người lớn nhận sai sẽ mất mặt với học trò, thẳng thắn đối diện với sai lầm lại là điểm cộng rất lớn nhằm nâng cao sự tôn trọng ở học sinh dành cho người đứng trên bục giảng.
Đối với học sinh, việc chủ động nhận sai, thiếu sót cũng quan trọng không kém. Khi học sinh hiểu rằng chủ động nhận sai không nói lên bản thân yếu kém, thậm chí còn cho thấy sự dũng cảm và tầm nhìn sẽ bao quát hơn. Trong một số trường hợp, thanh thiếu niên vẫn có thể bảo lưu quan điểm của mình, nhưng vẫn thừa nhận sự đa dạng trong cách tiếp cận vấn đề.
Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ [email protected]. Những bài chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn.
Bình luận (0)