Trí tuệ nhân tạo 'tấn công' hội họa

09/11/2018 05:59 GMT+7

Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ sáng tác âm nhạc, phim ảnh mà còn... trở thành họa sĩ.

Việc một trong những tác phẩm hội họa do AI sáng tác lên sàn đấu giá và bán được với mức giá kỷ lục khiến giới hội họa kinh ngạc.
Tranh của trí tuệ nhân tạo làm nóng sàn đấu giá
Bức tranh này chỉ có giá trị về văn minh tiến bộ và kỹ thuật. Đây chỉ là một cách mô phỏng sự sáng tạo của con người mà thôi
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim - Khôi
Từ năm 2015, Robbie Bart, Mario Klingemann, Anna Ridler là những nghệ sĩ tiên phong trong việc dùng AI để sáng tác mỹ thuật. Đã từng có một số tác phẩm của AI được bán với giá 10.000 - 15.000 USD (khoảng 233 - 350 triệu đồng). Nhưng phải đến khi bức tranh Edmond de Belamy (Chân dung Edmond de Belamy) được bán với giá kỷ lục 432.500 USD (10 tỉ đồng) trong phiên đấu giá của Christie’s, New York, Mỹ ngày 25.10 vừa qua thì một cột mốc mới cho các tác phẩm do AI sáng tác mới khiến người ta giật mình.
Đây là lần đầu tiên một tác phẩm hội họa do AI sáng tác được lên sàn đấu giá. Bức tranh in trên vải canvas mô tả chân dung người đàn ông mặc lễ phục với đường nét mờ ảo, trưng bày trong khung gỗ mạ vàng đã được một người ẩn danh mua lại. Với bức tranh này, một nghệ sĩ có cái tên rất đặc biệt là: min G max D Ex [log (D (x))] + Ez [log (1-D (G (z)))] đã chính thức gia nhập vào thế giới hội họa.
11 bức chân dung La famille de Belamy (Gia đình Belamy) do trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tác
11 bức chân dung La famille de Belamy (Gia đình Belamy) do trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tác
Chân dung Edmond de Belamy là một sản phẩm trí tuệ của Obvious - công ty nghệ thuật tại Pháp, được thành lập bởi ba thành viên là Hugo Caselles-Dupre, Pierre Fautrel và Gauthier Vernier. Họ sử dụng thuật toán GAN (Generative Adversarial Network) để tạo nên bức tranh thông qua việc tập hợp, phân tích nguồn dữ liệu gồm 15.000 bức chân dung vẽ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20. Bức tranh này nằm trong chuỗi 11 bức chân dung La famille de Belamy (Gia đình Belamy). Trước khi khiến cả thế giới kinh ngạc với việc mang một tác phẩm hội họa không phải do con người tạo nên lên sàn đấu giá thì hồi tháng 2, Obvious đã bán sản phẩm đầu tiên mang tên Le Comte de Belamy cho nhà sưu tầm Nicolas Laugero-Lasserre ở Paris, Pháp với giá 11.430 USD (266 triệu đồng).
[VIDEO] Trí tuệ nhân tạo đã vẽ và bán được tranh, họa sĩ có lo ngại?
AI sẽ tác động lớn đến thị trường nghệ thuật?
Ông Richard Lloyd - chuyên gia của Hãng đấu giá Christie’s, nhận định: “Trong tương lai, AI sẽ có tác động lớn đến thị trường nghệ thuật. Mặc dù còn quá sớm để có thể dự đoán về sự thay đổi này, nhưng thật thú vị nếu được chứng kiến cuộc cách mạng mà AI đang phát động trong thế giới hội họa”.
Nói về các tác phẩm của AI, nghệ sĩ Ưu Đàm (UuDam Tran Nguyen) - người nổi tiếng với các tác phẩm ở nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau từ video, sắp đặt, robot điều khiển vẽ từ xa nêu vấn đề: “Nhiều câu hỏi được đặt ra về bản quyền tác giả của người tạo ra AI và những tác phẩm nghệ thuật do AI sáng tác. Có những cuộc tranh cãi kịch liệt trên Twitter giữa các nghệ sĩ của nhóm Obvious và Robbie Bart về vấn đề bản quyền của tác phẩm vừa qua và việc phải dùng phần mềm này như thế nào cho hợp lý, cho công bằng với người sáng tạo ra (code) phần mềm”.
Một họa sĩ giấu tên cho biết: “Với tôi, nghệ thuật là không nên ràng buộc với bất kể hình thức nào, kể cả là tác phẩm do trí tuệ nhân tạo sáng tác. Bởi nghệ thuật phải có cái nhìn mới, cái nhìn khác biệt. Tuy bức tranh Chân dung Edmond de Belamy được ký là min G max D Ex [log (D (x))] + Ez [log (1-D (G(z)))], nhưng đứng đằng sau cái tên này chính là Công ty nghệ thuật Obvious với sự chi phối và điều hành của 3 nghệ sĩ Hugo Caselles-Dupre, Pierre Fautrel và Gauthier Vernier”.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim - Khôi lại cho rằng: “Bức tranh Chân dung Edmond de Belamy, dù chỉ qua hình ảnh, tôi không tìm thấy cảm xúc như trước một bức tranh do con người vẽ và không tìm thấy được giá trị nghệ thuật của nó. Bức tranh này chỉ có giá trị về văn minh tiến bộ và kỹ thuật. Đây chỉ là một cách mô phỏng sự sáng tạo của con người mà thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.