Luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Volodin đánh giá cao chuyến thăm này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; khẳng định, Liên bang Nga luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác gần gũi. Đồng thời nêu rõ, Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga ủng hộ tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với Liên bang Nga trên tất cả các kênh, trong đó có kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, thủy chung; trân trọng sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà nhân dân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay dành cho Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao thành quả đạt được sau 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (16.6.1994 - 16.6.2024), hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (30.1.1950 - 30.1.2025). Quan hệ hai nước tiếp tục được đẩy mạnh thông qua các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao từ cả hai phía.
Thúc đẩy hợp tác song phương
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã trao đổi, thống nhất các biện pháp nhằm đẩy mạnh và mở rộng hợp tác tương xứng với truyền thống và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga; phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga ngay sau chuyến thăm này của đoàn, hai bên sẽ cùng rà soát về tình hình và thống nhất về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trong từng lĩnh vực cụ thể.
Với vai trò là cơ quan lập pháp, hai Chủ tịch quốc hội thống nhất cùng phối hợp, giám sát, đôn đốc, thúc đẩy, tạo điều kiện pháp lý để cơ quan hành pháp của hai nước phối hợp, triển khai các hoạt động hợp tác song phương trên các lĩnh vực.
Về hợp tác giữa các địa phương của hai nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện đã có 20 cặp quan hệ giữa các địa phương của Việt Nam và Liên bang Nga được thiết lập; đề nghị các địa phương của hai nước tiếp tục thúc đẩy các hoạt động giao lưu thực chất và thường xuyên hơn.
Cũng tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Quốc hội và Chính phủ Liên bang Nga quan tâm tạo điều kiện và bảo đảm an ninh cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn và học tập ổn định tại Nga, hòa nhập vào sở tại, góp phần là cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc. Hai bên cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác lao động và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên sớm thống nhất, ký kết các thỏa thuận để thu hút lao động Việt Nam sang làm việc tại Nga và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại, giao lưu của công dân hai nước.
Nghiên cứu các cơ chế hợp tác mới
Về hợp tác liên Nghị viện, hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng trong các kênh hợp tác song phương, hợp tác liên Nghị viện là một trụ cột rất quan trọng, đang không ngừng được củng cố, phát triển tốt đẹp; hai bên thường xuyên tham vấn, phối hợp, tích cực ủng hộ nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng vai trò của Duma Quốc gia Nga, đánh giá cao vai trò cá nhân của ông Volodin, trên cương vị Chủ tịch Duma Quốc gia, đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có hợp tác giữa Quốc hội hai nước.
Hai bên nhất trí cho rằng, hiện nay cơ chế hợp tác của Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga là cơ chế hợp tác đầu tiên và cao nhất của Quốc hội Việt Nam với một cơ quan lập pháp của một quốc gia khác. Hai bên đã tổ chức thành công 2 phiên họp. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, hai bên sẽ cùng chủ trì phiên họp lần thứ ba, nhằm rà soát, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy quan hệ hợp tác này phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trong tình hình mới. Cùng với cơ chế hợp tác liên Nghị viện hiện có giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga, Chủ tịch Duma Quốc gia Volodin đề nghị, hai bên cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng và thiết lập các cơ chế hợp tác mới, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Liên bang Nga - Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao của lãnh đạo quốc hội, các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan của quốc hội, nhóm nghị sĩ hữu nghị, nhóm nghị sĩ trẻ, nhóm nữ nghị sĩ, các đại biểu Quốc hội của hai nước; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, cập nhật thông tin về hoạt động nghị viện của mỗi nước; tăng cường phối hợp giám sát và đôn đốc thực hiện các thỏa thuận hợp tác mà chính phủ hai nước đã ký kết; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, ủng hộ chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga V.V Volodin đã đồng chủ trì phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội cho biết, kể từ khi thành lập Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Quốc hội Việt Nam - Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga đến nay, đã có 2 phiên họp rất hiệu quả, thiết thực để nâng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, làm sâu sắc, thiết thực hợp tác về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và các hợp tác quan trọng của hai nước.
Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên trao đổi và thảo luận về các lĩnh vực hợp tác triển vọng trong thời gian tới như: xuất khẩu nông sản, vận tải hàng không, kinh tế số, quản lý không gian mạng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu người dùng, công nghệ thông tin, số hóa hành chính công, truyền thông đa phương tiện, thể thao trí tuệ, giáo dục số, năng lượng sạch..
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên họp này sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận, đánh giá tình hình hợp tác, xác định những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy triển khai hiệu quả và thực chất các văn kiện hợp tác, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Bình luận (0)