Triển lãm ảo, lợi ích thật

02/06/2022 06:22 GMT+7

Những trưng bày triển lãm ảo ngày càng nhiều hơn, góp phần đưa các giá trị mỹ thuật, di sản tới công chúng mà không bị phụ thuộc vào khoảng cách địa lý.

Đủ tiếng, đủ hình

Màn hình của trang https://archives.org.vn/chohanoixua dần dần hiện ra những hình ảnh khác nhau xung quanh chợ phố Hàng Tre. Ở đó có tờ sức ngày 29.3.1888 của Tổng đốc Hà An về việc đo đạc và chuyển các gia đình trong khu đất lập chợ tại phố Hàng Tre. Kèm theo đó là một bản đồ chỉ rõ khu đất dự kiến mở chợ bán tre mới. Đó đều là tư liệu của Trung tâm lưu trữ quốc gia I trong triển lãm ảo Ký ức chợ xưa. Trung tâm cũng giới thiệu luôn hình ảnh chợ bán tre nứa bên sông Hồng xưa, cũng như chợ trên phố Hàng Tre sau khi được quy hoạch.

Phố Hàng Tre sau khi được người Pháp quy hoạch và mở chợ

Không chỉ có vậy, chợ bán tre trên phố Hàng Tre được đặt trong câu chuyện hình thành các phố, các chợ tại Hà Nội. Những thông tin này được công bố dưới dạng file tiếng, và mỗi khi khách vào xem triển lãm ảo Ký ức chợ xưa đều có thể nghe. Theo đó, khi người Pháp tới Hà Nội, toàn thành chưa hề có một khu chợ nào có mái che. Người Pháp mau chóng xác định việc cần quy hoạch chợ để đảm bảo an toàn, đảm bảo kinh tế, nhất là bảo đảm nguồn thu cho ngân sách từ thuế. Từ đó, các chợ ở Hà Nội dần dần được quy hoạch, ra đời.

Ký ức chợ xưa, triển lãm ảo khai trương hồi tháng 4.2022, không phải là triển lãm ảo duy nhất trong 3 năm vừa qua. Bị ảnh hưởng bởi dịch và việc cách ly, các triển lãm ảo đã xuất hiện nhiều hơn. Ưu điểm của nó là có thể công bố nhiều nội dung trưng bày mà không bị ảnh hưởng của khoảng cách địa lý.

Trước đó, Trung tâm lưu trữ quốc gia I cũng có trưng bày ảo có tên Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại. Tại triển lãm, các tài liệu từ Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn cho thấy các hoạt động thi cử trong xã hội thời Nguyễn và cách thức chiêu hiền đãi sĩ, khuyến học, khuyến tài. Trưng bày cũng cho thấy sự nghiêm minh trong khoa cử, cách rèn luyện tinh thần học tập, cách tu dưỡng đạo đức nhân cách, hun đúc khí tiết cho con người.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng có trưng bày ảo Tranh sơn mài Việt Nam với ngôn ngữ tiếng Anh, Việt. Triển lãm giới thiệu 50 tác phẩm sơn mài tiêu biểu của các danh họa Việt qua nhiều thời kỳ. Trong số này, có bảo vật quốc gia Bình phong của danh họa Nguyễn Gia Trí. Trưng bày cũng có phim tư liệu giới thiệu lịch sử phát triển và các kỹ thuật chế tác tranh sơn mài. Đây cũng là hoạt động thuộc chương trình ngoại giao văn hóa mà bảo tàng kết hợp thực hiện cùng Bộ Ngoại giao.

Chợ bán tre ở Hà Nội khi chưa có chợ ở phố Hàng Tre

chụp màn hình

Mở kho làm cần câu

Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam là đơn vị đã làm trưng bày ảo từ lâu, có thể nói là đầu tiên trong các bảo tàng Việt Nam. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện cũng đang có trưng bày ảo các tác phẩm mà bảo tàng sở hữu. Đây đều là phần “ảo” của những trưng bày cố định của bảo tàng. Bên cạnh đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lại có thêm các trưng bày ảo chuyên đề mà Tranh sơn mài Việt Nam là một ví dụ.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Việc tham quan trực tuyến bằng công nghệ số không thay thế hình thức tham quan trực tiếp. Tuy nhiên, các sản phẩm ứng dụng công nghệ số của bảo tàng đã đạt được mong muốn là công cụ để truyền cảm hứng/tạo hứng khởi để người xem đến với bảo tàng để tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật, lắng nghe và cảm nhận những thông điệp của tác giả, cảm nhận những chuyển động của thời gian”.

Hình ảnh bảo vật quốc gia Bình phong trong triển lãm ảo

chụp màn hình

Ông Minh cũng cho biết điểm đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, tham quan bảo tàng bằng công nghệ số là sự lựa chọn thú vị và nhận được những phản hồi tích cực, những góp ý quý báu từ phía các đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu và khách tham quan. “Thực tế cho thấy, lượng khách đến với bảo tàng ngày càng tăng, đặc biệt là các bạn trẻ. Tháng 4.2022, bảo tàng đón 10.000 khách người Việt. Đây là một con số ấn tượng đối với bảo tàng”, ông Minh nói.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cũng đánh giá cao những trải nghiệm video clip mới của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo bà, với video về Bình phong của danh họa Nguyễn Gia Trí, người xem hiểu giá trị mỹ thuật, lịch sử của tranh và cả giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nghề sơn mài hiện đang phát triển ở Việt Nam. Những điều đó được tóm lược diễn giải một cách sinh động kết hợp với kỹ thuật quay và giọng đọc truyền cảm. “Tôi thích cách giới thiệu các hiện vật bảo tàng nói chung và các kiệt tác nghệ thuật nói riêng kiểu thế này. Vừa là giải trí vừa có cơ hội học hỏi nhiều điều bổ ích”, TS Lý nói.

Hơn thế nữa, việc “mở kho” các tư liệu lưu trữ của bảo tàng, trung tâm lưu trữ quốc gia, cũng giúp công chúng tiếp cận tư liệu, hiểu về văn hóa tốt hơn. “Đây chính là cách làm khiến di sản trở nên sống động, đến được với người dân. Tôi mong là triển lãm ảo ngày càng đẹp và nhiều thông tin thuyết minh, câu chuyện hơn. Nó cũng phải đa phương tiện nữa”, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.