Nhiều mẫu phác thảo quốc huy của cố họa sĩ Bùi Trang Chước được trưng bày trong triển lãm Phác thảo mẫu quốc huy Việt Nam do Cục Văn thư lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức từ 25.8 - 6.9.
Nhiều biểu tượng góp thành biểu tượng của dân tộc
Ban tổ chức triển lãm cho biết: “Bộ Ngoại giao có công văn gửi Ban Thường vụ Quốc hội về việc làm quốc huy, quốc ấn. Cuộc thi sáng tác quốc huy được phát động năm 1951. Họa sĩ Bùi Trang Chước có 112 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và bản vẽ chi tiết. Trong đó, có 15 bản phác thảo mẫu quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của họa sĩ Bùi Trang Chước được Ban Mỹ thuật ngành văn nghệ T.Ư chọn gửi Bộ Tuyên truyền để trình Thủ tướng Chính phủ tháng 10.1954”.
Bản thân cố họa sĩ Bùi Trang Chước cũng bắt đầu vẽ các phác thảo từ năm 1953, theo yêu cầu công việc. “Năm 1953, nhân dịp nhà in Bộ Tài chính biệt phái tôi một thời gian để vẽ mẫu bằng và huân chương cho Chính phủ, đồng chí Trịnh Xuân Côn, Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng phụ trách bộ phận huân chương, đã đưa cho tôi một số mẫu quốc huy của các nước xã hội chủ nghĩa làm tài liệu tham khảo để tôi phác thảo mẫu quốc huy của ta. Qua nghiên cứu quốc huy của bạn, đều dùng những bông lúa hoặc liềm, búa hay bánh xe để tượng trưng cho công - nông nghiệp. Về nội dung bên trong dùng hình tượng mang đặc điểm của đất nước, dân tộc mình”, cố họa sĩ chia sẻ trong bản viết tay Tôi vẽ mẫu quốc huy. Bản gốc bản viết tay này cũng được trưng bày tại triển lãm.
Trong các mẫu phác thảo được trưng bày, người xem có thể thấy sự lặp lại của nhiều biểu tượng. Chẳng hạn ngôi sao vàng năm cánh được dùng ở rất nhiều mẫu phác thảo. Một số biểu tượng khác cũng được sử dụng như: tháp Rùa bên hồ Gươm, cánh cửa đền Quang Trung với cây cổ thụ tỏa bóng, dải lụa đỏ uốn quanh những bông lúa chín vàng, cái đe/bánh xe thể hiện công - nông nghiệp. “Tôi phác một số mẫu về hình dáng khác nhau, cũng dùng những bông lúa Việt Nam và cái đe hoặc bánh xe tượng trưng cho công - nông nghiệp. Về nội dung bên trong, tôi dùng hình tượng cây tre hoặc con trâu… Tôi lại dùng địa danh lịch sử như đền Hùng, gò Đống Đa, Khuê Văn Các, chùa Một Cột, tháp Rùa…”, tư liệu của cố họa sĩ Bùi Trang Chước cho biết.
Trưng bày có những mẫu phác thảo quốc huy vẽ màu, có mẫu vẽ chì, có mẫu vẽ cỡ lớn, có mẫu vẽ cỡ rất nhỏ, có mẫu vẽ toàn bộ, có mẫu chỉ vẽ từng chi tiết trên quốc huy. Tại triển lãm, Sắc lệnh số 254-SL ngày 14.1.1956 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc ban bố mẫu quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được trưng bày. Kèm theo đó là Phụ lục số 1, 2 in mẫu vẽ quốc huy có tô màu vàng kim nhũ và quốc huy không tô màu. Mẫu quốc huy so với phác thảo có một số thay đổi nhỏ. Theo tư liệu của cụ Chước, đó là thêm nhiều bông lúa có nhiều hạt, bánh xe nhích cao lên và có gờ, dải lụa toàn đường cong có thêm góc cạnh.
|
Cuộc đời sáng tạo nhiều dấu ấn, không danh hiệu
Ông Đặng Thanh Tùng, cho biết: “Nếu như chúng ta nhìn tài liệu lưu trữ quốc gia từ giá trị nghệ thuật, sẽ thấy những mẫu phác thảo quốc huy không chỉ có giá trị thông tin mà còn giàu giá trị mỹ thuật và nghệ thuật. Những mẫu quốc huy này đều đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 3. Một phần tư liệu do Trung tâm lưu giữ từ trước, một phần do gia đình họa sĩ hiến tặng”.
Tại trưng bày, công chúng cũng được xem những tác phẩm sáng tạo khác của họa sĩ Bùi Trang Chước như các mẫu tiền giấy, mẫu bằng khen. Đáng tiếc, trong trưng bày không có mẫu sáng tác có hình Bác Hồ tương tự như bản mà ông Phạm Tuân đã mang lên vũ trụ. Họa sĩ Lê Lai, con rể của cụ Bùi Trang Chước, chia sẻ: “Lúc về làm con rể, tôi chỉ biết thời kỳ cụ vẽ mẫu hình ảnh Bác Hồ để đưa Phạm Tuân mang lên vũ trụ. Hình ảnh Bác có dạng huy hiệu, Xí nghiệp 347 bên ngân hàng đúc vàng để đưa lên. Đặc biệt, cụ luôn vẽ tác phẩm ở tỷ lệ 1:1, nhiều tác phẩm rất nhỏ. Khi vẽ cụ dùng kính lúp đeo vào mắt”.
Trưng bày với bài viết về quá trình sáng tạo cũng như các mẫu phác thảo cũng khẳng định cố họa sĩ Bùi Trang Chước chính là tác giả của quốc huy. Mặc dù vậy, họa sĩ Bùi Trang Chước không may mắn khi tên tác giả được công bố đầu tiên lại là ông Trần Văn Cẩn. Cũng do việc công nhận ông là tác giả quốc huy bị chậm trễ mà cho tới nay theo gia đình cố họa sĩ, ông vẫn chưa được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như Giải thưởng Nhà nước. Về điều này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình cố họa sĩ sẽ tiến hành làm hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)