Triển lãm nội tạng, cơ thể người: Không thấy bóng dáng nghệ thuật
07/07/2018 13:30 GMT+7
Cuộc triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người - Mystery of Human Body” đang bị nhiều chỉ trích về tính nhân đạo lẫn pháp luật.
Tự động phát
Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người - Mystery of Human Body”, do Công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại Việt Nam) phối hợp với Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức, trưng bày công khai 137 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người) được nhựa hóa bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn xác người. Cuộc triển lãm này đang bị nhiều chỉ trích về tính nhân đạo lẫn mặt pháp luật.
Nghệ thuật hay thương mại?
Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, hiện nay các hình thức triển lãm được pháp luật Việt Nam gọi chung là “triển lãm mỹ thuật” được quy định tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP. Để có thể thực hiện các cuộc triển lãm mỹ thuật này, ban tổ chức cần phải xin được giấy phép của chủ thể có thẩm quyền là Bộ VH-TT-DL hoặc UBND tỉnh, thành.
Bầu chọn
Theo bạn, có nên cho phép những cuộc triển lãm tương tự “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người - Mystery of Human Body” không?
Theo bạn, có nên cho phép những cuộc triển lãm tương tự “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người - Mystery of Human Body” không?
“Từ đó, cơ quan chức năng xem xét sự phù hợp của triển lãm dựa trên chính sách phát triển mỹ thuật hoặc các quy định về những hành vi bị nghiêm cấm để cấp phép. Ngoài ra, triển lãm mỹ thuật phải đáp ứng được các quy định tại mục 2, chương 2 của Nghị định 113/2013/NĐ-CP bao gồm các quy định về địa điểm tổ chức triển lãm, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép triển lãm”, LS Chánh thông tin.
Theo LS Phùng Ngọc Phước (Đoàn LS TP.HCM), mọi triển lãm phải được cơ quan chức năng thẩm tra các mẫu vật trưng bày, sau đó mới có kết luận, công bố, giới thiệu dưới góc độ là tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, cần xác định triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” có phải là một sự kiện triển lãm nghệ thuật hay là một cuộc triển lãm thương mại khác, từ đó mới xác định được văn bản pháp luật áp dụng.
“Như thông tin từ đơn vị tổ chức, mục đích của triển lãm trên nhắm đến là giới thiệu công nghệ tiên tiến trong việc bảo tồn tử thi, cung cấp kiến thức y học, góp phần nâng cao nhận thức và xây dựng lối sống lành mạnh cho cộng đồng… Vì vậy, không thấy bóng dáng của một cuộc triển lãm nghệ thuật ở đây”, LS Phước nhận định.
|
Triển lãm phá hoại thuần phong mỹ tục là hành vi bị cấm
Theo LS Phước, tại Điều 4 Nghị định 113/2013/NĐ-CP quy định trong chính sách phát triển mỹ thuật Việt Nam nêu rõ: Phát triển mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước; bảo tồn và phát huy những giá trị của mỹ thuật truyền thống…
“Tuy nhiên, căn cứ tại Điều 8 của Nghị định, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm cũng đã chỉ rõ, mọi cuộc triển lãm phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam là hành vi bị cấm”, LS Phước nhấn mạnh.
LS Chánh thông tin thêm, đối với hành vi lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại là những hành vi bị nghiêm cấm của luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (khoản 4, điều 11 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người). Ngoài ra, theo nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, không được phép nhằm mục đích thương mại (khoản 3, Điều 4 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác).
“Hành vi lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 đến 30 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản, 2 Điều 11 Nghị định 96/2011/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh”, LS Chánh cho biết.
Bình luận (0)