Nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 2/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Xin ông phân tích rõ hơn về "bức tranh" này, đặc biệt là sự khác biệt về nhu cầu vàng giữa các nước phương Đông và phương Tây?
Ông Shaokai Fan: Quý 2/2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.258 tấn, đánh dấu quý 2 tăng mạnh nhất theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới. Điều này được thúc đẩy bởi các giao dịch phi tập trung (OTC) sôi động và nhu cầu liên tục của khối ngân hàng T.Ư.
Nhu cầu đầu tư vàng nói chung vẫn giữ vững ở mức 254 tấn trong quý 2, mặc dù có những xu hướng khác nhau về nhu cầu và thị trường trên thế giới. Các ngân hàng T.Ư và các tổ chức thuộc chính phủ nắm giữ 183 tấn vàng trên toàn cầu, mức tăng chậm lại so với quý 1 nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong quý 2/2024, đầu tư vàng miếng và vàng xu giảm 5%, xuống còn 261 tấn, thể hiện nhu cầu đối lập giữa các thị trường phương Đông và phương Tây.
Cụ thể, tại Trung Quốc, nhu cầu vàng tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái lên 80 tấn (quý 2 cao nhất kể từ năm 2013); tại Ấn Độ, nhu cầu tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái lên 43 tấn.
Trong khi đó, tại châu Âu, nhu cầu vàng trong khu vực giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11 tấn; phần lớn bị chi phối bởi các quốc gia Đức, Áo và Thụy Sỹ.
Quý 2 năm nay, nhu cầu vàng trang sức toàn cầu giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái do giá cao kỷ lục. Nhu cầu vàng trang sức về giá trị so với khối lượng giảm không đáng kể, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu vàng của các quốc gia ASEAN mà Hội đồng Vàng thế giới theo dõi riêng trong xu hướng nhu cầu vàng vẫn tích cực, tất cả đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là do tiền mất giá.
Với riêng thị trường Việt Nam thì sao, thưa ông?
Nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý 2/2024 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014. Nguyên nhân là do đồng nội tệ sụt giảm, sự gia tăng của lạm phát, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước.
Giá vàng cao kỷ lục đã kìm hãm khối lượng vàng trang sức trên thế giới. Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý 2/2024 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3 tấn. Sự sụt giảm chủ yếu do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua.
Năm ngoái, các ngân hàng T.Ư đã mua vào khối lượng vàng khá lớn, con số mua vào trong nửa đầu năm nay cũng lên tới gần 500 tấn. Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu mua vàng của các ngân hàng T.Ư từ nay tới hết năm?
Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, các ngân hàng T.Ư giữ vai trò lớn trong thị trường vàng. Năm ngoái, lượng mua vàng của khối này là 1.000 tấn và nửa đầu năm nay lượng mua cũng khá cao là gần 500 tấn.
Thực tế là khá khó để dự báo nhu cầu mua vàng của các ngân hàng T.Ư. Họ mua vàng không chỉ vì giá cả, nhìn nhận ở góc độ tài chính mà họ còn quan tâm tới góc độ chính trị, chiến lược quốc gia. Tuy nhiên nhìn chung, lượng mua vàng của các ngân hàng T.Ư trong năm nay sẽ tăng. Dự báo, cả năm nay các ngân hàng T.Ư có thể sẽ mua vào khoảng 1.000 tấn.
Riêng trường hợp ngân hàng T.Ư Trung Quốc, họ đã có báo cáo về việc mua vàng liên tục trong 18 tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5 - 7 vừa qua, họ không mua vàng.
Trong lịch sử ngân hàng T.Ư Trung Quốc, có những giai đoạn họ mua vàng, sau đó báo cáo việc tạm ngừng mua vàng, tiếp đó lại báo cáo mua thêm số lượng lớn. Tôi không biết kế hoạch của họ như thế nào, tuy nhiên trong tương lai có thể họ sẽ báo cáo mua vàng trở lại với số lượng lớn.
Theo tôi được biết, ngân hàng T.Ư Trung Quốc hiện còn nhiều room để tăng lượng dự trữ vàng. Hiện tại, lượng dự trữ vàng của họ chỉ chiếm 5% tổng lượng dự trữ, có thể họ sẽ mở rộng, đa dạng hóa hơn, nắm giữ nhiều vàng hơn.
Ông nhìn nhận ra sao về triển vọng kênh đầu tư vào vàng từ nay tới cuối năm?
Vàng có hiệu suất lợi nhuận rất tốt trong năm 2024, giá vàng đã tăng 12% trong nửa đầu năm 2024, vượt trội so với hầu hết các loại tài sản khác. Nhìn chung, triển vọng của vàng từ nay đến cuối năm tương đối lạc quan.
Khi đồng USD đang mạnh cũng như lãi suất của đồng USD đang tốt, giá vàng sẽ nằm ở mức thấp. Thời điểm hiện tại, có không ít yếu tố bất ổn, biến động. Người Mỹ đang lo lắng về tương lai bầu cử của Mỹ. Điều đó có thể ảnh, hưởng dẫn đến việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, điều đó có lợi cho tăng trưởng của vàng.
Nhìn chung trong thời gian tới, vàng và nền kinh tế toàn cầu có thể đang chờ đợi một chất xúc tác. Đối với vàng, chất xúc tác này có thể đến từ sự kết hợp giữa lãi suất giảm, "bong bóng" kinh tế và rủi ro địa chính trị, giúp thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ phương Tây.
Tuy nhiên, cũng có khả năng nếu nhu cầu vàng của khối ngân hàng T.Ư giảm mạnh hoặc hoạt động chốt lời rộng khắp từ các nhà đầu tư châu Á có thể làm giảm hiệu suất của vàng.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)