Triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
30/11/2018 08:00 GMT+7
Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước cơ hội “ngàn năm có một” để đạt đến hòa bình luôn tìm kiếm lâu nay, và quá trình này cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, bao gồm ASEAN.
Tự động phát
Bầu không khí lạc quan đang lan tỏa trên bán đảo Triều Tiên, sau các nỗ lực và thành quả đạt được giữa hai miền từ đầu năm đến nay nhằm tiến đến mục tiêu hòa bình và cùng phát triển thịnh vượng. Có thể dễ dàng nhận thấy tâm lý nhẹ nhõm hơn tại Seoul, nơi hơn 11 triệu người đang sinh sống. Ông Kim Il-bum, một công chức 45 tuổi ở thủ đô Hàn Quốc, cho hay cách đây một năm hầu như ai cũng sống trong sự lo sợ thường trực vì nguy cơ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên, nhất là khi năm 2017 chứng kiến sự gia tăng chưa từng có về quy mô và mức độ các vụ thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân. Thế nhưng hiện người dân đã thoải mái vì những diễn biến khả quan đang được thúc đẩy giữa hai miền.
Tạo dựng niềm tin
|
Quan chức này cho hay hiến pháp Hàn Quốc có điều khoản thể hiện hết sức rõ ràng khát vọng thống nhất hai miền, “sẽ hình thành và thực hiện chính sách thống nhất hòa bình dựa trên nguyên tắc tự do và dân chủ”. Mỗi đời tổng thống Hàn Quốc khi tuyên thệ nhậm chức đều cam kết theo đuổi nỗ lực thống nhất trong hòa bình, và Ban Thống nhất quốc gia (tiền thân của Bộ Thống nhất) đã được thành lập dưới thời Tổng thống Park Chung-hee vào năm 1969, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi liên Triều. Kể từ khi đắc cử, đương kim Tổng thống Moon Jae-in luôn đặt mục tiêu thống nhất làm nghị trình ưu tiên. Chủ tịch quốc hội Moon He-sang cũng đã bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt về vấn đề thống nhất hai miền. Và trên hết, điều cần thiết là phải gầy dựng và bồi đắp niềm tin giữa hai bên.
[VIDEO] Binh lính Hàn - Triều bắt tay xây đường nối liền 2 miền
|
Khi tiếp xúc với đoàn nhà báo, đại diện Bộ Thống nhất tại Seoul cho hay chính phủ Hàn Quốc dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Moon Jae-in tuân thủ lập trường dựa trên nguyên tắc “3 không”, trong đó không mưu cầu thống nhất mang tính ngụy tạo hoặc dựa trên cơ sở xóa sổ hay sáp nhập Triều Tiên. Thay vào đó, Hàn Quốc xem Triều Tiên là đối tượng để hợp tác, hòa giải, hướng tới thống nhất hòa bình trên cơ sở đàm phán cuối cùng giữa Seoul - Bình Nhưỡng. Đây cũng là cách tiếp cận giúp xây dựng niềm tin đối với Triều Tiên, góp phần vào những diễn biến thuận lợi hơn giữa hai miền trong thời gian qua.
Nỗ lực hợp tác kinh tế
Trong vòng 5 tháng đã diễn ra 3 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in. Bộ Thống nhất cũng đang bận rộn chuẩn bị cho những nghị trình sắp tới để tiếp Kim Jong-un tại Seoul. Đại diện Quốc hội Hàn Quốc cho biết sẽ mời nhà lãnh đạo Triều Tiên phát biểu trước 300 nghị sĩ của nước này sau khi ông Moon Jae-in trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên phát biểu trước 150.000 người dân Triều Tiên trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 9.
Bên cạnh đó, Bộ Thống nhất cũng tích cực triển khai kế hoạch kiến tạo 3 vành đai kinh tế lớn trên bán đảo Triều Tiên, với mục tiêu tạo ra trật tự kinh tế mới vượt ngoài lãnh thổ liên Triều. Bước đi cụ thể là sẽ làm lễ động thổ dự án đường sắt và đường bộ nối liền hai miền trong năm nay.
[VIDEO] Lãnh đạo Kim Jong-un hồi sinh giấc mơ nối đường sắt Triều Tiên ra khu vực
|
Vào ngày 30.11, Seoul và Bình Nhưỡng bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát kéo dài 18 ngày dọc theo các tuyến đường sắt phía tây và phía đông trên địa phận miền Bắc. Vài ngày trước, HĐBA LHQ cũng đã phê chuẩn miễn cấm vận cho công tác khảo sát tuyến đường sắt này.
Để duy trì xung lượng tích cực cho quá trình hòa bình, các quan chức Quốc hội và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc kêu gọi sự góp sức của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN với những thành viên có quan hệ hữu nghị lâu đời với Triều Tiên. Theo quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, việc ASEAN đồng thuận về nỗ lực thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên tác động lớn đến quá trình giải giới hạt nhân và tiến đến ký kết hiệp định hòa bình giữa hai miền.
3 vành đai kinh tế lớn
Thứ nhất là Vành đai Đông Hải, vành đai năng lượng - tài nguyên kết nối Wonsan, Hamheung, Dancheon, Naseon, Nga. Kế đến là Vành đai Tây Hải, giao thông - vận tải - công nghiệp kết nối Seoul, Gaesung, Haeju, Bình Nhưỡng, Nampo, Sinujiu, Trung Quốc. Cuối cùng là Vành đai tiếp giáp đảm bảo nhiệm vụ về môi trường - du lịch, kết nối với Khu du lịch sinh thái - an ninh hòa bình DMZ, Đặc khu kinh tế thống nhất.
|
Bình luận (0)