Báo cáo trên đánh giá quý 4 năm ngoái là quý tăng trưởng thấp nhất gần đây ở khu vực. Thương mại toàn cầu đã giảm. Giá dầu thô Brent đã giảm xuống còn khoảng 85 USD/thùng từ mức đỉnh 120 USD vào tháng 6. Kể từ giữa tháng 3, với tâm lý toàn cầu giảm sút về hệ thống tài chính, giá dầu Brent đã giảm xuống gần 70 USD.
Số liệu tăng trưởng GDP trong quý 4/2022 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của 14 nền kinh tế lớn hơn ở APAC. Một nửa trong số các nền kinh tế ở khu vực này, bao gồm cả Trung Quốc đại lục, bị đình trệ hoặc suy giảm.
Vẫn còn suy yếu
Cũng theo báo cáo trên, ở quý 1/2023, tình hình kinh tế khu vực vẫn còn dấu hiệu suy yếu, đặc biệt là về thương mại. Tính đến tháng 2, giá trị xuất khẩu của các nền kinh tế trong khu vực đã giảm từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái, với sự sụt giảm lớn nhất trong số các nhà xuất khẩu có giá trị cao là Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan.
Đặc biệt với Trung Quốc đại lục là nền kinh tế lớn nhất và là động lực cho APAC thì qua dữ liệu tổng hợp tháng 1 và 2, vẫn còn sự sụt giảm về xuất khẩu và nhập khẩu. Quý 2/2023 sẽ đánh dấu khởi đầu của sự phục hồi trong nền kinh tế khu vực, dẫn đầu là các nền kinh tế Trung Quốc đại lục và Hồng Kông mở cửa trở lại. Dữ liệu gần đây về sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đều cho thấy sự tăng trưởng dù còn ở mức khiêm tốn. Trong đó, mạnh nhất là chi tiêu cho đầu tư và tập trung nhiều ở khu vực nhà nước, vốn có động lực từ các gói hỗ trợ tài chính để kích thích nền kinh tế. Tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân chậm lại một chút trong giai đoạn tháng 1 và 2 khi giảm xuống chỉ còn 0,8%, so với mức 0,9% của cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán lẻ ở Trung Quốc đã phục hồi tốt trong giai đoạn tháng 1 và 2, đặc biệt là đối với các dịch vụ như ăn uống, giải trí và vận tải. Đây là đặc điểm chung khi các nền kinh tế mở cửa lại sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chi tiêu cho hàng hóa khác vẫn ở mức thấp. Điển hình, doanh số bán ô tô đã giảm mạnh mà trong đó có một phần nguyên nhân là do Trung Quốc kết thúc chương trình trợ cấp cho xe điện.
Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ không chuyển biến nhanh, do sự tăng tốc chậm của chi tiêu tiêu dùng và đầu tư được xem là có vai trò dẫn đầu. Thị trường bất động sản có thể khởi sắc hơn vào nửa cuối năm, khi các chương trình hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản phát huy hiệu quả, giúp các dự án bị đình trệ có thể hoạt động lại. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn là yếu tố then chốt quyết định triển vọng phục hồi của Trung Quốc, nhưng xuất khẩu của nước này lại phụ thuộc vào nhu cầu từ các thị trường bắc Mỹ và châu Âu.
Một rủi ro mới đã xuất hiện là sự sụp đổ của một số ngân hàng tại Mỹ. Dù Mỹ đã hạn chế hậu quả và Ủy ban Thị trường mở liên bang có thể tạm dừng tăng lãi suất sẽ giúp các ngân hàng trung ương ở APAC giảm bớt áp lực tăng lãi suất cơ bản, nhưng đó mới chỉ là kịch bản trong ngắn hạn, về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đáng lo, đặc biệt đối với các nước APAC chưa kiểm soát hiệu quả lạm phát.
Triển vọng tăng trưởng GDP thực tế trong năm nay trên khắp APAC là 3,8%, giảm chỉ 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo tháng 2 mà Công ty phân tích Moody's đã đưa ra.
Hạ triển vọng một số nước Đông Nam Á
Trong đó, triển vọng tăng trưởng GDP của một số nước Đông Nam Á bị điều chỉnh giảm, theo báo cáo trên. Điển hình, dự báo tăng trưởng của Philippines giảm từ mức khoảng 7% xuống còn 5,8% do lạm phát trong những tháng đầu năm 2023 vượt mức dự kiến, nên ngân hàng trung ương nước này có thể tăng cường thắt chặt tiền tệ và xuất khẩu cũng đang có xu thế giảm.
Hay Thái Lan cũng bị hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2023 từ mức xấp xỉ 3,9% theo dự báo hồi tháng 2, xuống còn khoảng 3,5%. Một trong các nguyên nhân là tình hình thời tiết nóng nực hơn, khói mù bao phủ nhiều khu vực Thái Lan gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và du lịch do du khách có thể hạn chế đến nước này.
Đặc biệt, Malaysia bị giảm mức dự báo tăng trưởng từ 4,1% xuống còn 2,9%. Nguyên nhân là vì sự sụt giảm trong tiêu dùng cá nhân và chi tiêu chính phủ, dù xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tương đối mạnh. Bên cạnh đó, VN cũng bị hạ mức dự báo nhưng vẫn được dự báo đạt mức tăng trưởng trên 5% và một trong các nguyên nhân là sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 tháng đầu năm 2023.
Bình luận (0)