Triển vọng vắc xin Covid-19 thế hệ hai

11/11/2021 07:31 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới ( WHO ) đã cung cấp thông tin đầy hứa hẹn về diễn biến liên quan vắc xin phòng Covid-19 thế hệ thứ 2 , theo đó có thể bao gồm dạng uống và dạng xịt.

Một dạng vắc xin xịt theo đường mũi được thử nghiệm ở Pháp

AFP

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Nhà khoa học trưởng của WHO, đang đặt kỳ vọng vào thế hệ thứ hai của vắc xin phòng Covid-19, dự kiến có thể bao gồm các phiên bản đường uống và dạng xịt theo đường mũi. Đây là những loại vắc xin được nhận định mang đến lợi thế hơn hẳn so với vắc xin theo đường tiêm như đời đầu, vốn theo dạng tiêm, thậm chí có thể tự sử dụng, theo Reuters. Bên cạnh vắc xin đường uống và dạng xịt, một số dự án đang thử nghiệm vắc xin dạng miếng dán nano, cho phép chủng ngừa nhưng không gây đau như dùng kim tiêm.

WHO thừa nhận Covid-19 '"sẽ không biến mất"

Một trong những ưu tiên phát triển vắc xin đời kế tiếp là đối phó các biến thể tương lai của SARS-CoV-2. Mọi dòng vắc xin hiện có đều tập trung vào chủng vi rút đời đầu. Dù các vắc xin vẫn có tác dụng bảo vệ trước biến thể Delta, không ít dự án đã được nâng cấp để xử lý biến thể cấp cao hơn của SARS-CoV-2. Ngoài ra, một cách tiếp cận tham vọng hơn cũng đang được nghiên cứu, theo đó các chuyên gia tập trung phát triển dòng vắc xin có thể mang đến sự bảo vệ trước đa số, nếu không muốn nói là toàn bộ, gia đình của vi rút Corona. Dữ liệu ban đầu được cho rất khả quan.

Theo tiến sĩ Swaminathan, hiện có 129 ứng viên vắc xin đạt đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (tức thử nghiệm trên người). Bên cạnh đó, số ứng viên vẫn đang được nghiên cứu ở phòng thí nghiệm là 194 loại. “Giới khoa học đã vận dụng tất cả các công nghệ hiện có để phát triển vắc xin phòng Covid-19 thế hệ mới”, theo Hãng tin AFP dẫn lời bà Swaminathan. Dù thừa nhận không phải vắc xin nào thử nghiệm cũng có thể được cấp phép, nhà khoa học trưởng của WHO tiết lộ một số vắc xin sẽ tiện lợi hơn khi sử dụng so với vắc xin theo đường tiêm như hiện nay. “Điều quan trọng là chúng ta sẽ có thể lựa chọn loại phù hợp nhất cho bản thân trong thời gian tới”, bà cho biết.

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch lan khắp toàn cầu, WHO mới phê chuẩn sử dụng khẩn cấp đối với 7 loại vắc xin, bao gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và tuần trước bổ sung thêm Bharat Biotech của Ấn Độ. Tiến sĩ Swaminathan khẳng định không có vắc xin nào đảm bảo hiệu lực bảo vệ 100%.

Các vắc xin Covid-19 nổi tiếng ở Việt Nam sử dụng công nghệ gì?

Tuy nhiên, cho đến nay, với những loại vắc xin qua được “ải” của WHO, chưa hề có loại vắc xin nào khiến tổ chức này phải đổi ý. Theo số liệu của Our World in Data, tính đến hôm qua, hơn 7,34 tỉ liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm trên toàn cầu, trong đó 28,14 triệu liều được tiêm mỗi ngày.

Trong một diễn biến liên quan, tiến sĩ Krishna Ella, nhà sáng lập Bharat Biotech, hôm qua đã đề cập viễn cảnh tiêm nhắc liều thứ ba bằng vắc xin dạng xịt mũi do hãng này phát triển.

Pfizer đề nghị Mỹ phê chuẩn mũi nhắc

Hôm qua, Pfizer và BioNTech thông báo đã chính thức nộp đơn đề nghị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tiêm mũi nhắc bằng vắc xin của liên danh này cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ, theo AFP. Đây là bước đi kế tiếp sau khi Pfizer và BioNTech cuối tháng 10 công bố kết quả nghiên cứu trên 10.000 người cho thấy hiệu quả bảo vệ trước bệnh Covid-19 đã tăng lên 95,6% nếu tiêm mũi ba bằng vắc xin của họ. Trước đó, FDA đã phê chuẩn tiêm nhắc trong trường hợp khẩn cấp bằng vắc xin Pfizer/BioNTech cho các đối tượng từ 65 tuổi trở lên, cũng như ở những người có nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu nhiễm SARS-CoV-2. Ban đầu, Pfizer đề nghị tiêm nhắc đối với người 16 tuổi trở lên, nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ đề xuất này. Trong một diễn biến khác, hôm qua giới chức y tế Đức khuyến cáo không tiêm vắc xin Moderna cho người dưới 30 tuổi vì nguy cơ xảy ra biến chứng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.