Triệt hát nhép, nhiều ca sĩ phải bỏ nghề

22/06/2012 15:47 GMT+7

Có 70%-80% ca sĩ trẻ chọn hát nhép thay vì hát thật trong các chương trình biểu diễn lâu nay.

Có 70%-80% ca sĩ trẻ chọn hát nhép thay vì hát thật trong các chương trình biểu diễn lâu nay, thế nên nếu hành động này bị cấm, không ít ca sĩ phải bỏ nghề.

Giới chuyên môn cho rằng nếu chỉ thị 65 về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật - thời trang của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) thực hiện triệt để, xóa nạn hát nhép thì không ít ca sĩ, nhất là ca sĩ phía Nam, phải bỏ nghề hát bởi một điều hết sức đơn giản: khả năng hát thật của họ có giới hạn.

Cạnh tranh công bằng

Là một trong những đại biểu phản đối kịch liệt vấn nạn hát nhép hiện nay, ông Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty H.T Production, khẳng định: “Điều tôi nhận thấy là có đến 70% ca sĩ hát nhép. Trong đó có đến 80% ca sĩ trẻ hát nhép trong những buổi biểu diễn ở các sân khấu lớn nhỏ”.

 Triệt hát nhép, nhiều ca sĩ phải bỏ nghề
Hiền Thục (bên phải) bị cho là hát nhép trong chương trình Đêm nhan sắc diễn ra ngày 16-6 tại Trung tâm Ca nhạc Lan Anh - Ảnh: Lê Tuấn

 

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Sự thật là có quá nhiều ca sĩ hiện nay không có khả năng hát live (sống) trên sân khấu. Không ít lần hội đồng kiểm duyệt chương trình phúc khảo đề nghị những ca sĩ hát nhép không được tham gia biểu diễn trong chương trình công diễn”.

Lý giải điều này, giới chuyên môn khẳng định: Công nghệ phòng thu càng hiện đại thì tình trạng ca sĩ hát nhép càng nhiều. Công nghệ phòng thu cũng giúp cho một số người mẫu tự tin ra album ca nhạc của mình.

Tuy nhiên, trong những buổi ra mắt giới truyền thông, các người đẹp lại chọn hát nhép thay vì giới thiệu giọng ca thật. Thậm chí, có người đẹp chỉ đứng nhún nhảy minh họa cho MV (video ca nhạc) của họ phát trên màn hình thay vì phải giới thiệu giọng hát thật như thông lệ.

Sự lăng xê quá đà của một số trang thông tin mạng đã giúp cho một số giọng ca phòng thu nổi lên một cách ồn ào dù chưa ai biết thực lực ca hát của họ đến đâu.

“Ngay chính những người này cũng biết rõ sự yếu kém về thanh nhạc của mình nên chọn giải pháp “hát nhép” mỗi khi xuất hiện trước công chúng cho an toàn ”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Hát riết rồi thành quen, nhiều ca sĩ trẻ không còn thói quen “phải hát thật như một cách rèn luyện chuyên môn cho chính mình nữa” - ca sĩ Đan Trường chia sẻ.

Đáng nói là trong một chương trình có nhiều ca sĩ hát nhép theo âm thanh thu sẵn khiến các ca sĩ khác cũng chọn hát nhép để không bị lép vế trước khán giả. Những ca sĩ hát thật bằng chính giọng của mình nhiều khi bị thua thiệt vì không phải khán giả nào cũng nhận biết đâu là hát thật, đâu là hát nhép. Vì vậy, triệt hát nhép là lập lại sự công bằng trong biểu diễn nghệ thuật.

Kêu gọi lòng tự trọng: không đủ

Khi hỏi về một giải pháp triệt để đủ mạnh để nạn hát nhép không còn tồn tại ở các sân khấu ca nhạc, các nhà tổ chức và nhiều ca sĩ đều lắc đầu. Bởi lẽ “phần mềm nâng giọng hát hiện nay quá rẻ, chỉ vài trăm USD là sắm được nên bất cứ phòng thu nào (lớn hay nhỏ) đều có thể cho ra những sản phẩm âm thanh chất lượng. Hệ quả là ai cũng làm ca sĩ được, bất kể năng lực chẳng đến đâu”.

Vì thế, việc cấm hát nhép để loại bỏ khỏi thị trường ca nhạc những giọng ca không đáng gọi là ca sĩ xem ra không đơn giản.

“Thậm chí sẽ có cách làm tinh vi hơn như không hát nhép hoàn toàn mà hát chồng lên bản thu giọng hát của chính họ hay một cách nào đó mà chúng ta còn chưa tưởng tượng ra” - nhiều người am hiểu nhận định.

Ca sĩ nào hát nhép chỉ có nhà tổ chức và ê kíp thực hiện chương trình là biết rõ. Nếu nhà tổ chức chương trình thỏa hiệp thì khó ai có thể phát hiện. Vì vậy, có ý kiến đề xuất nhà tổ chức và ê kíp thực hiện chương trình phải chịu trách nhiệm nếu ca sĩ tham gia trong chương trình bị phát hiện hát nhép.

Lập đường dây nóng

Để xử lý những ca sĩ hát nhép trên sân khấu biểu diễn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn cho biết sẽ thành lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin cung cấp các trường hợp ca sĩ hát nhép bị phát hiện.

Một trong những đối tượng có khả năng phát hiện ca sĩ hát nhép chính xác nhất chính là đội ngũ kỹ thuật viên chuyên chỉnh âm thanh tại các chương trình. Để dẹp bỏ vấn nạn hát nhép cần sự hỗ trợ của đội ngũ này.

 

 

 

 

 

 

 

Theo Thùy Trang / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.