Laurence Devillairs là một trong những triết gia người Pháp vô cùng nổi tiếng. Cô hiện là giảng viên triết học của Học viện Công giáo Paris. Vào năm 2022, cô được bình chọn là triết gia nổi tiếng nhất nước Pháp với nhiều tác phẩm, bài viết và thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền hình để mang triết học đến gần với độc giả phổ thông. Cùng Frederic Lenoir, cô được đánh giá là một trong những tiếng nói triết học quan trọng nhất đến từ nước Pháp.
Ngay khi ra mắt, Triết lý nhỏ về biển lớn đã lọt vào danh sách bán chạy nhất trên trang web bán lẻ Amazon của Pháp. Tại các hiệu sách địa phương, nó cũng tạo thành một cơn sốt lớn khi được truyền thông chú ý. Riêng tại Hàn Quốc, thị trường ưa chuộng dòng sách triết học phổ thông, nó đã tái bản đến lần thứ 5 và được nhiều người từ giới chuyên môn cho đến độc giả vô cùng yêu thích.
Cuốn sách gồm hơn 20 bài viết ở nhiều đề tài, để từ những hình tượng như mỏ neo, cá mập, muối biển, nàng tiên cá, cướp biển... cũng như từ những tác phẩm có liên quan đến đại dương như Robinson Crusoe (Daniel Defoe), Cá voi trắng (Herman Melville)..., tác giả đã nhìn thấy được những góc nhìn mới, từ đó phản ánh rất nhiều triết lý mà con người có thể áp dụng để vượt qua những khó khăn, để có cuộc sống an yên, hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn.
Vì sao lại là biển cả? Bởi nó có nhiều tương đồng với cuộc sống này. Theo Laurence Devillairs, đứng trước biển cả, ta thấy được sự vô tận, sự cô độc cũng như tính hay thay đổi của cuộc đời này. Đứng trước biển cả, con người dễ bị tổn thương trước những cơn sóng và gió biển - thất thường như áp lực cuộc sống, nhưng không có nghĩa là mọi thứ không thể khác đi, và cuốn sách này sẽ cho thấy điều đó.
Từ cổ chí kim, thiên nhiên đã cho ta thấy tính chất chữa lành của mình, từ nhịp triều lên, triều xuống, màu xanh ở ngoài khơi xa cho đến sự dũng cảm của các thủy thủ, ánh sáng luôn rực rỡ của ngọn hải đăng hay sức mạnh của những con cá mập không ngừng bơi lội... Có thể nói, nếu biết quan sát, thì sự khôn ngoan đến từ biển cả sẽ dạy cho ta rất nhiều triết lý bất ngờ về cuộc sống này, bởi biển là nơi tụ họp của gian khổ và nghịch cảnh nhưng cũng là của niềm vui và hạnh phúc khi đã vượt qua.
Bằng nguồn kiến thức vô cùng phong phú, tác giả đã lần tìm vào những thông điệp sâu sắc mà biển dành cho chúng ta nếu biết lắng nghe. Chẳng hạn với vùng biển Sargasso nơi nổi tiếng nhiều rong đến mức không thể di chuyển, khiến cho con tàu của Christopher Columbus từng phải mắc kẹt trong vòng 2 tuần, đã dạy ta về bài học kiên trì, về bất lợi của người này lại có thể là thuận lợi cho người kia, khi đây cũng chính là nơi mà loài cá chình – được ví như "chén Thánh" của khoa học – đến để sinh sản…
Hay trong bài viết Triết lý của cá mập, từ đặc tính sinh học luôn phải hoạt động của loài cá này, Laurence Devillairs đã cho ta thấy được sự tích cực của việc không ngừng chuyển động, không ngừng làm mới chính bản thân ta để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh đôi khi biến đổi không thể lường trước. Từ đó, hình thành một hòn đảo riêng cho bản thân, nơi ta lánh trú trước những áp lực của cuộc sống này.
Bên cạnh đó, tác giả cũng nói về nhiều khía cạnh khác nhau để trả lời cho câu hỏi tưởng là muôn đời được các triết gia không ngừng khám phá, rằng phải làm sao để được hạnh phúc? Đó không chỉ là kiên nhẫn ở biển Sargasso, không chỉ là luôn hoạt động như cá mập, không chỉ là biết chuẩn bị sẵn khi triều lên triều xuống... mà còn là biết nghỉ ngơi và tận hưởng những giây phút thoải mái để có thời gian cân bằng trong cuộc sống.
Những triết lý trong cuốn sách này không đao to búa lớn, chúng dễ thực hành và dễ áp dụng với bất cứ ai đang là "nạn nhân" của vòng xoáy công việc và cuộc sống. Chúng như những lời ủi an, là sự đồng cảm... để ta sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Với cách viết nhẹ nhàng, đồng cảm, Laurence Devillairs đã rất thành công để gọi tên được những áp lực cuộc sống, từ đó đưa ra cách để vượt qua.
Không chỉ nhẹ nhàng về mặt thông điệp, cuốn sách cũng chứa một nguồn thông tin phong phú từ cổ chí kim về các chủ đề có liên quan đến biển cả, như các huyền thoại về rồng, về nàng tiên cá cũng như giai đoạn khám phá những vùng đất mới với nạn hải tặc và nghề cướp biển đồng hành...; đồng thời độc giả cũng biết những kiến thức mới, về các kiểu kéo cờ hiệu trên biển, về băng vĩnh cửu, về màu của nước vô cùng bất ngờ.
Nói về vị nữ đồng nghiệp, tác giả của Con tim thủy tinh – Frederic Lenoir cho rằng "triết lý của Laurence Devillairs giúp chúng ta sống với sự an yên". Nhận xét về cuốn sách này, giáo sư Choi Jae-cheon (Khoa Khoa học sinh thái, Đại học Ewha Womans, Chủ tịch Quỹ Đa dạng sự sống Hàn Quốc) cho biết: "Triết lý nhỏ về biển lớn đã hướng dẫn con đường để trở thành hòn đảo duy nhất mang tên 'chính mình' trong dòng chảy cuộc sống của con người hiện đại").
Qua những dòng chữ dịu dàng và đầy ủi an, Triết lý nhỏ về biển lớn là một cuốn sách cần thiết cho bất cứ ai. Nó như chiếc neo để người lạc lối có thể bám vào, từ đó vươn mình lên trên mặt biển tìm đến ánh sáng , tiếp thêm năng lượng cho ngày sắp tới.
Laurence Devillairs sinh năm 1969 tại Besancon, Pháp. Cô hiện là Phó Giáo sư và Tiến sĩ Triết học, giảng dạy tại Học viện Công giáo Paris. Cô được đánh giá cao với những tác phẩm kết hợp được tính học thuật và triết học tổng quát, phù hợp cho nhiều đối tượng độc giả. Triết lý nhỏ về biển lớn (dịch giả: Như Phong, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam và Huy Hoàng Books ấn hành) là tác phẩm mới nhất của cô.
Bình luận (0)