Triệt phá rừng thông để trồng... keo

02/05/2015 11:00 GMT+7

Nếu không kịp thời ngăn chặn tình trạng chặt hạ rừng thông dầu tại thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, H.Núi Thành, Quảng Nam), nhiều diện tích đất sẽ tiếp tục bị người dân chiếm dụng để trồng keo.

Nếu không kịp thời ngăn chặn tình trạng chặt hạ rừng thông dầu tại thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, H.Núi Thành, Quảng Nam), nhiều diện tích đất sẽ tiếp tục bị người dân chiếm dụng để trồng keo.

Một “hầm” gỗ thông được “lâm tặc” cất giấu bị lực lượng chức năng phát hiện Một “hầm” gỗ thông được “lâm tặc” cất giấu bị lực lượng chức năng phát hiện - Ảnh: Hoàng Sơn

Chủ rừng sợ... lâm tặc

Trung tuần tháng 4, chúng tôi được một cán bộ Xí nghiệp lâm nghiệp Quảng Nam (đơn vị chủ rừng) dẫn vào khoảnh 9 (tiểu khu 592, tại thôn Thạch Kiều) để tận mắt chứng kiến cảnh rừng thông bị đốn hạ. Giữa trưa nắng, hàng chục cây thông 30 tuổi bị chặt ngang gốc tươm dầu lênh láng. Cạnh đó, những thân cây dài khoảng 20m, đường kính thân rộng 40cm nằm chỏng chơ. Tại một khu vực khác, nhiều ngọn thông héo vàng còn sót lại sau khi phần thân bị lâm tặc cưa ngắn đem bán. “Khu rừng này bị người dân địa phương chặt phá liên tục. Đặc biệt từ sau tết đến nay, tình trạng phá rừng diễn ra ngày càng phức tạp”, cán bộ này cho biết.

Liên tục xảy ra tranh chấp đất rừng
Đây không phải là lần đầu tiên tại thôn Thạch Kiều xảy ra xô xát giữa lực lượng chức năng với người dân. Trước đó, vào tháng 3.2014, tổ công tác xử lý lấn chiếm đất rừng vào khu vực tiểu khu 592 để cưỡng chế, dọn dẹp cây trồng trái phép trên diện tích hơn 17ha đã bị người dân chống đối, xô xát. Lực lượng công an phải rút súng bắn chỉ thiên mới thoát khỏi “vòng vây”. Tháng 10.2013, cũng tại thôn này, 2 hộ dân đã giải quyết tranh chấp 50m2 đất rừng bằng... dao khiến 1 chết, 5 người bị thương.

Tiếp tục đến một khu vực rừng trồng keo sát cầu Máng (thuộc thôn Thạch Kiều), đập vào mắt chúng tôi là cả chục khối gỗ thông nằm gọn trong một cái hồ lớn đã cạn nước. Theo vị cán bộ dẫn đường, sau khi chặt trộm thông xong, “lâm tặc” đã đem vùi số thông dưới hồ nước để qua mặt lực lượng tuần tra, chờ thời cơ đem đi tiêu thụ.

Ông Bùi Văn Sâm, Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng (thuộc Xí nghiệp lâm nghiệp Quảng Nam) cho biết qua kiểm đếm, trong khoảng vài tháng trở đây, số cây thông bị chặt trộm khoảng 60 cây, khối lượng gỗ gần 20m3.

Theo ông Sâm, khu vực rừng bị phá trước đây thuộc rừng phòng hộ, sau đó được quy hoạch thành rừng sản xuất. Dù vậy, theo chủ trương của tỉnh Quảng Nam diện tích rừng này phải được bảo vệ và chỉ được khai thác nhựa.

Ông Mai Đình Thanh, Trưởng công an xã Tam Xuân 2 thông tin thêm những “lâm tặc” chặt hạ rừng thông được xác định là những người dân trú tại thôn Thạch Kiều. Trước đây, người dân trộm thông bằng cách cắt vỏ cây để thông chết dần dần rồi triệt hạ. Nhưng từ sau tết đến nay, rừng thông bị chặt hạ một cách trắng trợn.

“Trước tình trạng này, chúng tôi đã thành lập tổ tuần tra liên ngành để kiểm tra. Nhưng khi vào đến thực địa thì đoàn công tác bị “lâm tặc” dùng đá để ném trả quyết liệt, buộc chúng tôi phải ẩn nấp. Có đêm, khi vào đến khu vực rừng bị phá, nghe tiếng cưa máy nhưng không ai dám vào, có súng nhưng vẫn sợ. Vì họ ở trong rừng, mình vào họ ném đá trúng thì cũng chết...”, ông Thanh lo lắng.

Ngang nhiên lấn chiếm đất rừng

Theo Xí nghiệp lâm nghiệp Quảng Nam, đơn vị hiện đang quản lý 200ha rừng thông dầu tại xã Tam Xuân 2, tình trạng chặt hạ thông chỉ xảy ra tại điểm “nóng” về lấn chiếm đất rừng Thạch Kiều. Theo số liệu do ông Sâm cung cấp, hiện diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm để trồng keo đã lên đến 150ha. Khi tổ kiểm tra liên ngành gồm kiểm lâm, chủ rừng, công an địa phương... hoạt động, đã tiến hành bắt giữ 3 vụ chặt trộm thông và “lâm tặc” cũng chính là người dân thôn Thạch Kiều. “Người dân chặt trộm gỗ thông để bán chỉ là một trong những mục đích. Mục đích lớn nhất của họ là để lấn chiếm đất của xí nghiệp, lấy đất trồng keo”, ông Sâm nói.

Công an xã Tam Xuân 2 cũng xác nhận thực trạng này và cho biết, rạng sáng 15.4, tổ công tác kiểm tra tại khu vực đã nêu thì bị nhóm người đang vận chuyển 2,4m3 gỗ thông chống trả. Hậu quả, một kiểm lâm viên bị Huỳnh Xuân Sỹ (45 tuổi, trú thôn Thạch Kiều) tấn công dẫn đến bị thương. Cầm đầu vụ việc này theo lực lượng công an là Huỳnh Xuân Thạch (35 tuổi, trú cùng thôn).

Sáng cùng ngày, khi lực lượng công an đến hiện trường để xử lý vụ việc thì bị hàng chục người dân ngăn cản, Công an H.Núi Thành phải tăng cường lực lượng 3 lần với 12 cán bộ, chiến sĩ đến mới vãn hồi trật tự. Thiếu tá Phạm Minh Quang, Phó trưởng Công an H.Núi Thành khẳng định trong vụ việc này, dấu hiệu phạm tội trộm cắp đã có và sẽ tiếp tục làm việc với ông Thạch.

Ông Đinh Duy Toản, Giám đốc Xí nghiệp lâm nghiệp Quảng Nam cho biết có 3 dạng xâm lấn đất rừng của đơn vị. Trong đó, dạng thứ nhất người dân tự phát đốt diện tích vùng đệm để trồng keo; dạng thứ 2 người dân bất chấp ngăn cản vẫn trồng rừng trên đất của đơn vị quản lý và dạng thứ 3 là phá rừng thông để lấn chiếm.

“Nếu rừng thông bị chặt hết cây thì chắc chắn sẽ mất đất. Cho nên, chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng tuần tra, kiểm tra nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn...”, ông Toản nói.

Liên quan đến tình trạng này, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo UBND H.Núi Thành và các ngành liên quan xử lý sự việc. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu công an phải điều tra, làm rõ hành vi và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm nhằm giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm đất rừng.

Công an H.Núi Thành phối hợp với kiểm lâm điều tra, xử lý những đối tượng quá kích, lôi kéo, kích động người dân ngang nhiên phát quang lấn chiếm đất rừng để trồng rừng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.