Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong mới đây ký báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Trong số này, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng, ban hành mới, hoàn thiện đồng bộ hệ thống các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng để thống nhất thực hiện từ T.Ư đến địa phương.
Cử tri cũng đặt vấn đề cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội nhằm hạn chế sự tác động tiêu cực của nhóm lợi ích, "sân sau", tư duy nhiệm kỳ; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng ra khỏi bộ máy
Trả lời kiến nghị trên, Thanh tra Chính phủ cho biết luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã bổ sung các quy định về kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm của người đứng đầu và người liên đới nếu xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị...
Để hướng dẫn luật này, Chính phủ và bộ, ngành cũng ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các văn bản đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thống nhất thực hiện từ T.Ư đến địa phương; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ khẳng định hệ thống văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng cơ bản đã hoàn thiện và đồng bộ. Dù vậy, để đạt hiệu quả cao hơn nữa, Thanh tra Chính phủ cho rằng cần thực hiện nhiều biện pháp.
Điển hình là rà soát, xác định rõ những khâu, những lĩnh vực còn bị buông lỏng dẫn đến cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất lợi dụng để tham nhũng; nhất là những lĩnh vực thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm lớn như đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý vốn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; quản lý sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước.
Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng đã phát hiện; tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng chính sách minh bạch, không lợi ích nhóm
Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, kiểm soát quyền lực để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò rất quan trọng. Trọng tâm nằm ở khâu xây dựng, hoàn thiện thể chế - một trong những khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Để thực hiện tốt mục tiêu này, Thanh tra Chính phủ cho rằng cơ quan soạn thảo luật cần thực hiện đúng các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tiến hành việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách, đánh giá thủ tục hành chính đầy đủ, có chất lượng.
Cùng với đó là xây dựng chính sách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, đúng thẩm quyền; không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, bảo đảm thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng.
Ngoài ra, cần chú trọng trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tham gia thẩm tra. Những cơ quan này cần phải được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là về số lượng thành viên hoạt động chuyên trách; tăng cường vai trò, trách nhiệm của thường trực các cơ quan này trong công tác thẩm tra, nhất là các bước thẩm tra sơ bộ trước khi thẩm tra chính thức.
Hoạt động thẩm tra cần công khai, huy động sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, sự theo dõi của báo chí, tổ chức xã hội, của nhân dân; qua đó giám sát hoạt động thẩm tra, bảo đảm hoạt động này diễn ra minh bạch, khách quan.
Một biện pháp nữa là tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách và giảm số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp; bảo đảm hoạt động lập pháp chuyên nghiệp, độc lập, khách quan trong việc xem xét, quyết định các chính sách.
Song song với đó là tăng cường các kênh, các hoạt động giám sát đối với hoạt động xây dựng pháp luật như: hoạt động giám sát của Đảng đối với công tác lập pháp; hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc…
Bình luận (0)