Triệu chứng cần lưu ý để nhận biết cúm trở nặng

08/02/2025 04:06 GMT+7

Mới đây, hệ thống y tế Medlatec ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A là 3 trẻ trong một gia đình. Trong đó, 2 trẻ có diễn biến nặng do biến chứng viêm phổi.

Cả 3 bệnh nhân nhiễm cúm có các triệu chứng: sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, ho khan nhiều, đau tức ngực trái, nhiều dịch mũi, các triệu chứng diễn biến cấp tính tăng dần. Sau 7 ngày điều trị nội trú, tình trạng sức khỏe của các bé đã ổn định. Hình ảnh chụp CT phổi sau điều trị không còn tổn thương, chức năng hô hấp cải thiện tốt, sức khỏe gần như hồi phục hoàn toàn.

Th.S-BS Trần Thị Kim Ngọc, chuyên khoa nhi, Phòng khám đa khoa Medlatec số 2, thông tin: Cúm A là loại cúm mùa phổ biến nhất, chiếm tới 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người. Các chủng vi rút cúm A thường gặp là H1N1, H3N2. Vi rút cúm lây lan từ người sang người qua đường hô hấp. Khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho, vi rút trong cơ thể phát tán ra ngoài theo tuyến nước bọt với phạm vi lên tới 2 m. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, hoặc trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Vi rút cúm A cũng tồn tại trên các bề mặt như tay nắm cửa, quần áo, điện thoại, bát đũa và các vật dụng hằng ngày. Vi rút này có thể sống sót trên các bề mặt đến 48 giờ, tạo điều kiện cho sự lây lan trong cộng đồng.

Triệu chứng cần lưu ý để nhận biết cúm trở nặng- Ảnh 1.

Một bệnh nhân cúm A biến chứng nặng cần can thiệp ECMO

ẢNH: THANH ĐẶNG

Không tự mua kháng sinh để điều trị

Về các triệu chứng cần lưu ý để nhận biết cúm trở nặng, PGS-TS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho hay phần lớn chúng ta đều đã từng mắc cúm, hầu hết nhẹ, nhưng có tỷ lệ nhỏ diễn biến nặng, tỷ lệ nhỏ có viêm phổi tổn thương đa cơ quan, và tỷ lệ rất nhỏ có tử vong.

Do đó, khi có diễn biến nặng hơn, như sốt cao liên tục không thể hạ sốt khi dùng thuốc hạ sốt; đau đầu, đau cơ nhiều, đặc biệt tức ngực khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế, không tự mua kháng sinh để điều trị vì cúm bội nhiễm diễn biến cấp, gây viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng rất nhanh.

Chủng mới độc lực mạnh hơn

Chia sẻ về các chủng cúm gây dịch, theo Th.S Đồng Phú Khiêm, Phó giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, phân loại cúm A, B… là dựa trên cấu trúc của vi rút cúm; hoặc cúm mùa là các chủng vi rút đã lưu hành rộng trong cộng đồng. Khi xuất hiện lần đầu, nó từng gây đại dịch, từng có độc lực mạnh. Cúm A/H3N2, A/H1N1 thì không nhất thiết gây bệnh nặng hơn mà cũng như cúm B, nhưng cúm A chủng mới như A/H5N1 thì độc lực mạnh hơn. Do đó, khi nhiễm cúm, cần lưu ý theo dõi để đánh giá diễn biến bệnh.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo phòng chống dịch cúm mùa

Ngày 7.2, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ký văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm mùa. Tại TP.HCM, theo thống kê, báo cáo, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm. Tuy nhiên, thời tiết hiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan. Vì vậy, TP.HCM chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của dịch bệnh.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người.

Sở Y tế TP.HCM giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM chủ trì, phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức thực hiện giám sát các trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do vi rút (SVP) trên địa bàn; tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập báo cáo các ca bệnh hoặc nghi ngờ bệnh viêm phổi do vi rút, cúm về trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.