Triệu con dân đất Việt tri ân, tưởng nhớ các vua Hùng

22/04/2021 06:28 GMT+7

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 , lễ hội đền Hùng 2021 chỉ tổ chức các nội dung phần lễ mà không có phần hội.

Sáng 21.4 (10.3 âm lịch), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo các ban, bộ, ngành và các địa phương tới Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) dâng hương tưởng nhớ 18 vị vua Hùng.
Thay mặt con dân đất Việt, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, đọc chúc văn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và hứa sẽ tiếp nối truyền thống tiên rồng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường để đưa nước ta trở nên giàu mạnh, hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc. Ngay sau khi bài chúc văn kết thúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các đại biểu đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các vị vua Hùng và tiền nhân.
Cùng thời điểm lễ dâng hương các vua Hùng tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, các địa phương ở Phú Thọ đồng loạt tổ chức lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương. Trong ngày chính lễ, hàng vạn người dân có mặt từ sớm, thậm chí ăn ngủ tại Khu di tích lịch sử đền Hùng từ tối hôm trước để đợi dâng hương, tri ân các vị vua Hùng.

Sức mạnh cội nguồn đưa dân tộc Việt Nam vượt qua khó khăn

Ngày 21.4 (10.3 âm lịch), tại Khu tưởng niệm các vua Hùng bên trong Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (TP.Thủ Đức, TP.HCM), lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cùng đại diện nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo và người dân trang trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu nhìn nhận tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức to lớn của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thờ cúng các vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn củng cố tình đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng các dân tộc. “Sức mạnh cội nguồn ấy đã đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển”, bà Châu đánh giá.    
Sỹ Đông
Theo Sở VH-TT-DL Phú Thọ, từ năm 2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã vận động các gia đình trên địa bàn làm mâm cơm tươm tất để dâng cúng tổ tiên và các vua Hùng trong ngày 10.3 âm lịch. Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đã hưởng ứng ý tưởng này.
Để đảm bảo an ninh, trật tự trong ngày giỗ tổ, UBND tỉnh Phú Thọ huy động hơn 700 công an, 1.400 đoàn viên thanh niên... tham gia phân luồng, hướng dẫn người dân. Công an TP.Việt Trì (Phú Thọ) huy động 100% quân số ứng trực phân luồng giao thông. Ngoài 38 chốt cố định, Công an TP.Việt Trì còn bố trí 5 tổ tuần tra trên các tuyến đường để duy trì trật tự giao thông, hỗ trợ người dân về với đất tổ.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử đền Hùng, cho biết từ đầu tháng 3 âm lịch, đền Hùng đón khoảng 400.000 người, trong ngày chính lễ đã có khoảng hơn 150.000 người đến dâng hương. Những năm chưa có dịch Covid-19, cùng thời điểm đền Hùng có thể đón tới 7 triệu người.
Lực lượng chức năng cũng tổ chức phân luồng từ xa, gắn bảng điện tử cập nhật tình hình tại các đền trong khu di tích để người dân không đổ dồn cùng lúc. Người dân cũng thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, phòng dịch.
“Về công tác phòng dịch, cơ bản người dân thực hiện nghiêm túc. Khi qua cổng, tất cả đều đeo khẩu trang, nhưng quá trình lên đền, người dân do nóng bức có kéo khẩu trang để thở thì không kiểm soát được. Tại các điểm thờ tự, người dân chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang”, ông Giang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.