Triệu người miền Tây chờ đợi gì từ 'siêu' cống thủy lợi 3.300 tỉ, lớn nhất Việt Nam?

05/01/2022 13:17 GMT+7

Sau 24 tháng thi công xuyên dịch Covid-19 , 'siêu’ cống Cái Lớn - Cái Bé đã chính thức đi vào vận hành. Dự án xây dựng tại tỉnh Kiên Giang nhưng có thể tác động đến sinh kế hàng triệu người dân ở 5 tỉnh miền Tây.

Cũng vì vùng ảnh hưởng rộng nên 'siêu’ công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé từng nhận nhiều ý kiến phản biện, lo ngại tác động tiêu cực đến hệ sinh thái miền Tây. Sau cùng, bằng những đánh giá giữa mặt lợi và hại cũng như tiếp thu các ý kiến của giới chuyên gia, công trình đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt và khởi công xây dựng vào tháng 11.2019.

Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư có dự án hơn 3.309 tỉ đồng, vùng tác động rộng tới 384.120 ha, trong đó có tới 346.241 ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản của người dân 5 tỉnh miền Tây gồm: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Đây cũng được xem là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam, một dấu ấn của ĐBSCL năm 2021.

Công trình cống thủy lợi Cái Lớn trên sông Cái Lớn là công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam do người Việt Nam thiết kế, thi công và quản lý.

ĐÌNH TUYỂN

“Đổi đời” vùng trồng khóm Tắc Cậu

Những ngày cuối năm 2021, con đường mới mở từ QL61 đưa tới công trình cống Cái Lớn - Cái Bé (thuộc địa bàn 2 huyện An Biên và Châu Thành, Kiên Giang) luôn tấp nập xe cộ. Rất nhiều người dân, nhiều nhất là giới trẻ từ khắp nơi đổ về để chiêm ngưỡng, check in tại siêu cống thủy lợi vừa hoàn thành. Công trình nối liền hai bờ sông Cái Lớn, cách cửa biển hơn 10 km trông như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang con sông. Điểm nhấn của công trình là kiến trúc độc đáo của 12 trụ cống cao sừng sững, phía dưới là 11 cửa van thép “khủng”, bên trên là đường giao thông 2 làn xe ô tô.

Điểm nhấn của công trình là kiến trúc độc đáo của 12 trụ cống cao sừng sững, phía dưới là 11 cửa van thép “khủng”, bên trên là đường giao thông 2 làn xe ô tô

ĐÌNH TUYỂN

Nhiều bạn trẻ tranh thủ tham quan, check in tại siêu cống thủy lợi Cái Lớn

ĐÌNH TUYỂN

“Suốt từ hôm hoàn thành đến nay, công trình lúc nào cũng nườm nượp người đến chụp ảnh, tham quan, anh em thi công công trình ai cũng vui, tự hào vì mình làm được một công trình đẹp cho địa phương. Hy vọng tới đây nó sẽ phát huy hiệu quả đúng như kỳ vọng”, ông Nguyễn Hồng Hưng, Phó ban Điều hành dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, nói.

Nhiều người dân từ khắp nơi đổ về để chiêm ngưỡng siêu cống thủy lợi vừa hoàn thành

ĐÌNH TUYỂN

Thăm vườn khóm trồng xen tán dừa cách cống Cái Lớn chưa đến 1 km, ông Đồ Văn Thành (76 tuổi, ấp An Thành, xã Bình An, H.Châu Thành, Kiên Giang) phấn khởi cho hay, công trình Cái Lớn - Cái Bé đã làm thay đổi diện mạo cả vùng lân cận, nơi nổi danh với đặc sản khóm Tắc Cậu.

Gia đình ông Thành có 6 ha đất trồng khóm, dừa, cau nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án cống Cái Lớn - Cái Bé. Sống bằng nghề trồng rẫy nên ông Thành rất thấm nỗi vất vả khi phải chống chọi với thời tiết và con nước thất thường. Có những năm, vào cao điểm mùa khô, khóm thiếu nước nhưng ngoài sông mặn bủa vây, ông Thành đành nhìn vườn khóm chịu trận. “Thú thật, lúc đầu nghe dự án thu hồi đất cũng lo lắm nhưng tới giờ không tiếc chút nào. Người dân ai cũng mừng khi tới đây khỏi lo bị mặn hay triều cường tấn công nữa rồi”, ông Thành nói.

Người dân như ông Đồ Văn Thành rất phấn khởi khi sản xuất, vận chuyển nông sản như dừa, khóm thuận lợi hơn

ĐÌNH TUYỂN

Với người trồng khóm, dừa, cau như ông Thành, việc chủ động được nguồn nước ngọt vào mùa mặn hay ngăn được triều cường dâng quá cao là điều kiện sản xuất không thể lý tưởng hơn. Một thay đổi nhìn thấy khác là giao thông đi lại ở vùng lân cận dự án cống Cái Lớn - Cái Bé; giá trị đất đai, vườn tược của người dân cũng tăng 4 - 5 lần. Đặc biệt, cũng nhờ có đường giao thông, việc vận chuyển nông sản của người dân không còn vất vả như xưa.

Một thay đổi nhìn thấy khác là giao thông đi lại ở vùng lân cận dự án cống Cái Lớn – Cái Bé

ĐÌNH TUYỂN

“Trước đây, đường lộ đan nhỏ xíu xe đâu vô được, tới vụ thu hoạch khóm, dừa phải thuê người gánh xuống ghe. Cứ mỗi thiên (1.000 trái - PV) cũng tốn hết vài trăm ngàn đồng. Bây giờ, có lộ lớn rồi, xe tải vô tận nơi mua, đỡ lắm”, bà Lê Thị Lệ Hoa (53 tuổi, ngụ ấp An Thành, xã Bình An, Châu Thành) nói.

Tác động rộng lớn vùng bán đảo Cà Mau

Ngay từ những ngày đầu triển khai, Bộ NN-PTNT đã đưa ra nhiệm vụ chính của Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gồm kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi.

Cùng với đó là kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng. Một nhiệm vụ nữa là góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt 2 huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang) vào những năm mưa ít; tiêu thoát, giảm ngập úng cho vùng hưởng lợi của hệ thống (thuộc 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Cuối cùng là kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Theo Bộ NN-PTNT, sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha

ĐÌNH TUYỂN

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Hậu Giang, nhận định Hậu Giang là địa phương hưởng lợi rất lớn từ công trình. Bộ NN-PTNT đã giao cho Hậu Giang xây dựng nhiều mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện vận hành của cống Cái Lớn - Cái Bé như khóm - thủy sản ở TP.Vị Thanh; mãng cầu, tôm - lúa, lúa - rau màu ở H.Long Mỹ. “Mô hình nào hiệu quả sẽ được nhân rộng để làm sao tăng lợi nhuận cho người dân. Kỳ vọng xa hơn là công trình sẽ giúp cho Hậu Giang hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất cũng như chủ động trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, ông Toàn nói.

Trước đó, đầu tháng 2.2021, một hợp phần của dự án là cống Cái Bé đã vượt tiến độ đưa vào vận hành sớm hơn một mùa khô

ĐÌNH TUYỂN

Trước đó, đầu tháng 2.2021, một hợp phần của dự án là cống Cái Bé đã vượt tiến độ đưa vào vận hành sớm hơn một mùa khô. Nhờ đó đã kịp thời bảo vệ cho khoảng 20.000 ha đất sản xuất của 2 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, giúp Kiên Giang tiết kiệm hàng chục tỉ đồng nhờ không phải đắp hơn 130 đập tạm…

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát mặn, phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của Kiên Giang; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ổn định chứ không ngăn chặn

Theo Bộ NN-PTNT, công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ được vận hành thử nghiệm trong 2 năm, sau đó sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình vận hành chính thức. Nguyên tắc vận hành của công trình gồm: thống nhất trong toàn bộ hệ thống, không chia cắt theo địa giới hành chính; bảo đảm an toàn, hài hoà lợi ích giữa các nhu cầu sử dụng nước, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của công trình thủy lợi; không làm thay đổi nguồn nước của các hệ sinh thái hiện tại (ngọt, mặn- lợ, ngọt- lợ luân phiên); không để xảy ra tranh chấp về nguồn nước cũng như hạn chế tác động bất lợi đến các vùng liên quan...

Bản chất của công trình là giữ sự ổn định cho vùng sản xuất vốn có 3 hệ nước gồm: nước lợ, nước mặn và nước ngọt.

ĐÌNH TUYỂN

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10, thuộc Bộ NN-PTNT (chủ đầu tư dự án) cho biết, vùng tác động của dự án rất lớn và cũng là khu vực nhạy cảm, nguồn nước có sự giao thoa mặn - ngọt. Sẽ có những mâu thuẫn cục bộ bởi thực tế sản xuất của người dân còn phân tán, bên này trồng lúa, bên kia nuôi thủy sản, người cần ngọt, người lại cần mặn. Để công trình phát huy hiệu quả thì việc quản lý, vận hành, khai thác rất quan trọng, trong đó cần làm thế nào có sự hài hòa giữa các hệ nước.

Cống Cái Lớn có 11 cửa van và âu thuyền rộng 15m, mỗi cửa van rộng 40 m và nặng 203 tấn.

ĐÌNH TUYỂN

“Công trình không phải là ngăn chặn, làm thay đổi hẳn vùng dự án. Bản chất của công trình là giữ sự ổn định cho vùng sản xuất vốn có 3 hệ nước gồm: nước lợ, nước mặn và nước ngọt”, ông Linh nói và giải thích: “Chẳng hạn, hàng năm, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng 30 km thì việc vận hành sẽ làm sao để nước mặn chỉ vào sâu 30 km hoặc có biến động không đáng kể. Sẽ không để xảy ra tình trạng có năm xâm nhập mặn 20 km, rồi năm sau lại vào tới 70 km khiến người dân không kịp trở tay”, ông Linh nói.

Công trình nối liền hai bờ sông Cái Lớn, cách cửa biển hơn 10km trông hệt như một bức tường thành khổng lồ chắn ngang con sông.

ĐÌNH TUYỂN

Cũng theo ông Linh, trên cơ sở vận hành điều tiết ổn định của công trình, các địa phương sẽ có quy hoạch sử dụng nước hợp lý, lựa chọn những mô hình sản xuất hiệu quả, giúp người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nhất để phát triển bền vững.

Sớm tiến độ vì… dịch Covid-19

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT), cho biết trong 24 tháng thi công dự án thì có đến 8 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng nhờ công nhân phải hạn chế đi lại, công trình phải khoanh kín để tập trung cho thi công xuyên xuyên dịch, nhờ đó tiến độ được rút ngắn đáng kể. Ngoài ra, một áp lực rất lớn khác là từ đầu năm 2021, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhưng các nhà thầu đã chủ động, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. “May mắn là từ năm 2020 công trình đã đẩy nhanh tiến độ nên ít bị tác động trượt giá. Nếu giờ này mới quyết định đầu tư có lẽ nguồn vốn sẽ tăng gấp 1,5 lần”, ông Linh nói.

Dự án 'siêu' công trình thủy lợi của miền Tây bao gồm các hạng mục: cống Cái Lớn có 11 cửa van và âu thuyền rộng 15 m, mỗi cửa van rộng 40 m và nặng 203 tấn; còn cống Cái Bé cũng có 2 cửa van rộng 35 m và âu thuyền. Ngoài 2 công chính trên, giai đoạn 1 còn có các hạng mục khác như cống Xẻo Rô và 8 cống dọc tuyến An Minh - An Biên; đê nối cống Cái Lớn - Cái Bé với QL61 (dài khoảng 5,7 km) và hợp phần các mô hình sinh kế và hoạt động phi công trình trên địa bàn Kiên Giang, Hậu Giang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.