Triệu phú bán bánh mì Việt Nam trên đất Mỹ

15/05/2006 09:51 GMT+7

Từ một chiếc xe bán bánh mì dạo, gia đình anh Lê Chiêu đã dựng nên chuỗi nhà hàng Lee’s Sandwiches gồm 25 chi nhánh có mặt ở ba tiểu bang ở Mỹ, đội xe giao thức ăn tận nơi gồm 500 chiếc... Ngày nay, Lee’s Sandwiches trở thành thương hiệu quen thuộc với nhiều gia đình trong các cộng đồng khác nhau ở Mỹ khi muốn ra ngoài ăn.

Theo tính toán của Tuần san Người châu Á (Asian Week), số bánh mì hãng Lee’s Sandwiches của gia đình anh Lê Chiêu tặng cho các hội đoàn từ thiện và các trường học, nếu xếp nối đuôi nhau, có thể khép kín một vòng chu vi bang California (Mỹ).

Không chỉ dừng lại như hiện nay, gia đình anh Lê Chiêu đang nỗ lực đưa thương hiệu Lee’s Sandwiches ra toàn nước Mỹ và thế giới bằng hình thức nhượng quyền thương mại (franchising). Câu chuyện Lee’s Sandwiches bắt đầu hơn 25 năm trước…

Gầy dựng từ lòng đồng thuận

Cuối thập niên 70, Lê Chiêu và gia đình định cư ở New Mexico (Mỹ). Lê Chiêu một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, tìm được việc làm trong một tiệm bán thịt. “Lúc đó tôi kiếm được 8 USD/giờ, mức thu nhập quá tốt đối với một người nhập cư như tôi vào thời điểm đó. Ngày nào tôi cũng cố làm thêm giờ để đủ tiền lo cho đứa con trai mới chào đời”, anh nhớ lại.

Năm 1980, gia đình Lê Chiêu rời sang thành phố San Jose bang California và đăng ký học tiếng Anh tại một trường trung học ở đây. Trong lúc đi học anh phát hiện có một xe tải bán đồ ăn di động trong trường của một người Việt, nên anh xin phụ việc. Sau một năm, anh dành dụm mua một chiếc xe bán đồ ăn di động cho riêng mình. Anh còn nhớ lúc đó: “Người bán xe không muốn bán xe cho tôi vì ông ta thấy tôi không biết tiếng và nhìn tôi lúc đó rất lớ ngớ và nghèo nàn”.

Nhờ vợ động viên, anh quyết tâm tiến tới. Không bao lâu sau, vợ chồng anh thuyết phục được vài công ty cho phép anh đậu trong khuôn viên nhà xe của họ để bán thức ăn nhanh cho nhân viên trong giờ giải lao. “Chồng tôi lúc đó đã có thể nhớ vài món ăn phổ biến cho các cộng đồng, chẳng hạn, bán burritos cho dân Mỹ, mì xào và chả giò cho dân Á, và bánh mì cho dân VN. Đến mỗi công ty, chúng tôi dừng khoảng 10-15 phút để bán, sau đó chạy sang công ty khác. Cứ thế mỗi ngày, chúng tôi chạy được ít nhất 10 công ty luân phiên theo các cữ ăn sáng, trưa, xế…” - chị Yến, vợ anh Lê Chiêu cười kể lại.

Năm 1982, Henry Lê, em anh Chiêu, mua thêm một xe và thương hiệu Lee Bros ra đời. Gia đình chọn tên Lee thay cho Le để dân Mỹ dễ gọi. Ông Lê Ba, bố anh Chiêu đẩy công việc kinh doanh của gia đình đi xa hơn. Ông thấy hai chiếc xe của đàn con “ở không” trong mấy ngày cuối tuần, nên ông điều xe đi xuống trung tâm thành phố San Jose bán cho sinh viên Đại học San Jose. Gian hàng di động của ông thành công đến nỗi các nhà hàng quanh đó kiện ông lên hội đồng thành phố.

Không chịu thua, ông mua luôn một vị trí gần đó. Năm 1983, vị trí đó chính thức trở thành nhà hàng Lee’s Sandwiches. Năm năm sau, ông dời tiệm sang vị trí khác to hơn và biến nơi đó thành nhà hàng Lee’s Sandwiches hoàn chỉnh đầu tiên.

Con hơn cha…

Anh Chiêu cho biết, Lee’s Sandwiches phát triển như ngày nay, ngoài công đầu bạo gan mua tiệm của ba anh, còn có công của Minh, con trai cả của anh.

Chính Minh đã đưa ra ý tưởng làm chuỗi nhà hàng tổng hợp thú nhâm nhi cà phê và thưởng thức đồ ăn châu Á. Minh nhận định nhà hàng Lee’s Sandwiches phải có bánh mì thịt ổ kiểu Việt Nam, bánh mì mềm kẹp thịt kiểu u Mỹ, và các loại thức uống trong đó có món cà phê sữa đá nổi tiếng của VN.

Minh rất thích nhìn lên cái máy tính treo trên trần chi chít những dòng lệnh đặt hàng của khách nhảy tăng liên hồi. Minh đã nhìn thấy tương lai xa, nếu Lee’s Sandwiches phát triển theo kiểu kết hợp VN - u - Mỹ, những dòng lệnh ấy sẽ còn nhảy tăng nhiều hơn, nhanh hơn.

Trong lúc gia đình đang thực hiện ý tưởng của Minh thì anh đã qua đời năm 2001, trong một vụ tai nạn xe. Tuy nhiên ý tưởng của Minh vẫn thành hiện thực. Theo số liệu của Tuần san Người châu Á được công bố, chỉ trong năm 2003, Lee’s Sandwiches nướng khoảng ba triệu ổ bánh mì và dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay. Cũng trong năm 2003, Lee’s Sandwiches bán hơn hai triệu ly cà phê đá. Lee’s Sandwiches trở thành chuỗi nhà hàng phát triển nhanh nhất miền Tây nước Mỹ.

Ở nhiều nơi, Lee’s Sandwiches trở thành điểm giao lưu xã hội, nơi khách hàng có thể đến từ 4h30 sáng nhâm nhi cà phê cho đến nửa khuya. Lee’s Sandwiches trang bị cả hệ thống vi tính để khách hàng có thể vừa nhâm nhi vừa đọc email hoặc lướt web.

Khi có ai đó muốn học hỏi kinh nghiệm làm ăn, gia đình họ Lê không giấu giếm. Vợ chồng anh Chiêu khuyên các doanh nghiệp sắp ra đời: “Hãy đi học để lấy bằng trước đã, học bất cứ ngành gì bạn thích. Nếu muốn kinh doanh và bắt đầu dễ dàng hãy mua franchising”.

Vợ chồng anh thành lập “Quỹ gia đình họ Lê” để nhớ về Minh, con trai cả của anh chị. Đầu năm nay, quỹ đã tặng một triệu USD để xây dựng trường Đại học Cộng đồng Coastline, đại học cộng đồng đầu tiên ở Westminster. Chị Yến nói: “Chúng tôi rất tự hào có thể đóng góp một ít cho cộng đồng. Chúng tôi đã cật lực để hoàn thành giấc mơ Mỹ, và bây giờ chúng tôi muốn trả lại cho cộng đồng”.

Thời báo Los Angeles bình luận việc đóng góp xây dựng Đại học Cộng đồng Coastline của gia đình Lê Chiêu là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành của cộng đồng VN ở quận Cam. Ding-Jo H. Currie, chủ tịch Đại học Coastline ca ngợi gia đình Lê Chiêu hết lời: “Họ là những gương mẫu không chỉ cho sinh viên của trường mà còn cho cả toàn thể dân nhập cư, những ai bắt đầu sinh sống tại đây”.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.