Triệu phú USD từ Facebook, Google

29/01/2021 06:21 GMT+7

Những cô gái, chàng trai trẻ có thu nhập hàng trăm tỉ đồng trong những năm gần đây từ kinh doanh, sáng tạo trên mạng cho thấy, Việt Nam có thể có một lớp các triệu phú "đô la" ngầm từ thế giới mạng .

Kiếm bạc tỉ dễ hơn

Câu chuyện những người trẻ liên quan đến lĩnh vực công nghệ, chủ yếu viết phần mềm ứng dụng, trò chơi kiếm tiền tỉ nhờ môi trường internet đã có ngày càng nhiều. Cột mốc đáng nhớ nhất có lẽ là từ đầu năm 2014, trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông đã bắt đầu nổi tiếng trên thế giới và khi đó, có nhiều thông tin cho rằng sản phẩm này đã mang về cho tác giả hơn 1 tỉ đồng (khoảng 50.000 USD) mỗi ngày từ quảng cáo, tương đương hơn 300 tỉ đồng/năm. Đầu năm 2017, đại diện của Facebook tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có khoảng 50 người là triệu phú USD nhờ kiếm tiền qua mạng xã hội này.
Vị đại diện đó cũng cho biết các triệu phú đó là những bạn rất trẻ, chỉ khoảng 19 - 20 tuổi và con số này sẽ tăng gấp đôi trong tương lai. Trên thực tế, con số những người kiếm tiền tỉ mỗi tháng thông qua mạng xã hội hay nhờ phát triển các kênh YouTube tại Việt Nam ngày càng phổ biến. Không chỉ riêng việc sáng tạo hay viết phần mềm, nhiều cá nhân cũng bán hàng online với doanh thu hàng trăm tỉ đồng.
Ví dụ vào tháng 7.2020, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã đột kích kho hàng lậu cực lớn tại trung tâm TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai). Chủ hàng đã thuê trên 70 nhân viên để vận hành kho hàng và kinh doanh qua mạng, chủ yếu bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên Facebook.
Mỗi ngày, nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hằng tháng riêng phần bán lẻ là hơn 10 tỉ đồng. Sao kê do phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan điều tra cộng dồn trong vòng chưa đến 2 năm, doanh thu bán hàng của nhóm này là hơn 649 tỉ đồng. Hay vào năm 2017, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện truy thu thuế 9,1 tỉ đồng một cá nhân bán mỹ phẩm qua Facebook với doanh số khủng. Cá nhân này vào năm 2013 mới bắt đầu kinh doanh qua mạng với doanh thu 120 triệu đồng nhưng đến năm 2015 doanh thu đã tăng lên 95 tỉ đồng và 2016 lên đến 344 tỉ đồng...
Một thành viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận xét, số lượng 50 triệu phú USD hay lên đến cả trăm triệu phú USD trong số hàng triệu người đang kinh doanh qua mạng là không phải lớn. Thị trường thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số nói chung đang mở ra cơ hội kiếm tiền rất nhiều cho các bạn trẻ.

Tạo ra môi trường minh bạch, khuyến khích sáng tạo

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng xu hướng kinh tế số có đặc điểm làm cho một cá nhân dễ trở thành một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ môi trường internet, các cá nhân có thể phát triển được trí tuệ, kỹ năng xuyên biên giới nhanh chóng và nổi tiếng thế giới chỉ qua một đêm.
Thậm chí ngay cả những người không có bằng cấp cao nhưng chỉ cần đưa ra những video có nội dung thu hút người xem cũng nhanh chóng nổi tiếng. Từ đó cơ hội có thu nhập tiền tỉ hay triệu phú USD cũng dễ hơn là theo đuổi mô hình kinh doanh truyền thống.
Do đó theo ông Nghĩa, nhà nước cần xem xét để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với chính sách khuyến khích, hỗ trợ cá nhân đổi mới sáng tạo. Trong đó nổi bật là chương trình đào tạo có liên quan đến kinh tế số, nội dung số. Điều đó đồng thời vừa hỗ trợ cá nhân tham gia phát triển trong môi trường mạng vừa kiểm soát được hoạt động này. “Tương lai của kinh tế thế giới là kinh tế số, xoay quanh công nghệ nên việc khuyến khích, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo là cần thiết. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một công xưởng mới, tăng tốc phát triển nhờ những cá nhân lập trình, viết phần mềm cho cả thế giới sử dụng”, ông Huỳnh Phước Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nhận định công nghệ càng phát triển thì cơ hội cho các cá nhân kinh doanh trong môi trường mạng càng gia tăng. Nhưng để khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động, tập trung nghiên cứu sáng tạo để vừa có thu nhập cao cho cá nhân vừa sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp vào ngân sách nhà nước thì vấn đề đầu tiên là họ sẽ quan tâm đến hành lang pháp lý. Chẳng hạn hiện các cá nhân kinh doanh, có thu nhập từ Facebook, Google hầu như được xếp loại như hộ kinh doanh là đúng và đủ hay chưa? Chính phủ đã có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ thông tin nói chung và doanh nghiệp phần mềm nói riêng nhưng với các cá nhân có hoạt động sáng tạo trên môi trường mạng lại chưa có ưu đãi gì. Hoặc quy định về các đối tác cung cấp nền tảng như Facebook, Google như thế nào để bảo vệ được quyền lợi của cá nhân trong nước… Ông Vũ Hoàng Liên nói thêm: “Những giải pháp hỗ trợ không chỉ cần từ Chính phủ mà đôi khi từ cộng đồng, từ các tổ chức kinh tế xã hội khác sẽ có hiệu quả cao hơn trong việc khuyến khích cá nhân sáng tạo. Đó là việc không ăn cắp bản quyền, không bới lông tìm vết khi một người nào đó nổi tiếng, có thu nhập cao nhờ hoạt động trên mạng…”.
Theo ước tính đến giữa năm 2020, Việt Nam có hơn 69 triệu người dùng Facebook, chiếm 70% dân số cả nước. Theo trang Satista.com, Việt Nam có lượng người dùng Facebook nhiều thứ 7 trên thế giới. Facebook cũng là một nền tảng phổ biến để bán hàng online nhiều hơn so với các nước trong khu vực.
Còn theo báo cáo của Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện có khoảng 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng YouTube, trong đó 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi… Số lượng người dùng mạng xã hội, đăng ký kênh trên YouTube tại Việt Nam đã nhảy vọt trong vòng 2 năm qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.