Triệu Quang Hà: Từ kỷ lục 3 năm thăng 3 hạng đến doanh nhân thành đạt

05/05/2020 07:20 GMT+7

Trong thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam , Triệu Quang Hà không phải là một chuyên gia săn bàn như Lê Huỳnh Đức hay một nhạc trưởng tài hoa như Nguyễn Hồng Sơn, nhưng anh được nhớ tới như là người kiên trì và bền bỉ nhất trong thế hệ của mình.

Nén đau để lên tuyển

Sinh năm 1975 tại Thanh Hóa, Triệu Quang Hà bén duyên với trái bóng tròn từ khi mới có 8 tuổi. Cha anh là người rất yêu thích môn thể thao vua và CLB Thể Công nên đã chủ động hướng Triệu Quang Hà theo nghiệp quần đùi áo số.“Ông rất kỳ vọng vào mình và luôn động viên mình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp” - Quang Hà chia sẻ

Chính niềm đam mê và khát khao của người cha cùng quyết tâm trở thành cầu thủ bóng đá đã trở thành bệ phóng để chàng trai sinh năm 1975 nỗ lực phấn đấu để lọt vào “mắt xanh” của các tuyển trạch viên Thể Công vào năm 1993, khi anh mới tròn 18 tuổi.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới gia nhập Thể Công, Quang Hà tâm sự: “Lúc vào Thể Công mình còn rất trẻ, vì thế luôn nhìn các anh lớn được gọi vào đội tuyển quốc gia với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Ở Thể Công lúc đó, sự cạnh tranh là rất lớn bởi trong đội hình có rất nhiều ngôi sao. Ước mơ của mình khi đó là phấn đấu trở thành một cầu thủ giỏi và có được chỗ đứng ở đội 1. Chính điều đó đã thôi thúc mình phải rèn luyện nhiều hơn. Có nhiều hôm cả đội tập xong, mình ở lại tự tập thêm nhằm bù đắp vào những khiếm khuyết của mình”.

Triệu Quang Hà áo số 17 cùng tuyển Việt Nam tại Tiger Cup 1998

Quang Minh

Quang Hà (giữa) cùng với Hồng Sơn và Việt Hoàng

Nhờ vậy mà dần dần, Triệu Quang Hà vươn lên và trở thành nhân tố không thể thiếu được bên hành lang cánh phải của đội bóng mặc áo lính. Anh lên công về thủ không biết mệt mỏi, ghi đậm dấu ấn trong lòng người hâm mộ bằng những đường chuyền chính xác từ hành lang cánh phải, góp phần không nhỏ giúp Thể Công giành danh hiệu VĐQG năm 1998.

Kể về Quang Hà, hậu vệ Đức Thắng - người đồng đội một thời ở Thể Công và đội tuyển Việt Nam cho biết: “Những ngày đầu mới lên Thể Công, Quang Hà luôn bị trêu là có những cú tạt “bắn chim”. Thế nhưng sau đó nhờ những nỗ lực tập luyện bền bỉ, chăm chỉ, Quang Hà đã cải thiện được đáng kể độ chính xác của những quả tạt”.

Quang Hà trong trận thắng Malaysia ở Tiger Cup 1998

Quang Minh

Quang Hà (hàng ngồi bìa phải) cùng các cựu tuyển thủ thế hệ vàng

NVCC

Còn tiền đạo Công Tuyền thì nhận xét: “Lúc đầu khi mới từ Quân khu 3 lên, tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong đội hình Thể Công có 1 cầu thủ chỉ cao dong dỏng và khá mỏng người. Thế nhưng sau đó khi tiếp xúc và tập luyện cùng thì mới thấy Triệu Quang Hà quả thực xứng đáng bởi là một cầu thủ có sức khỏe, sức bền rất tốt, một mẫu tiền vệ con thoi lên công về thủ không biết mệt mỏi”.

Quang Hà số 17 đá tiền vệ phải

Phong độ ấn tượng trong màu áo Thể Công giúp Triệu Quang Hà được gọi lên tập trung đội tuyển quốc gia năm 1997. Nhớ về lần đầu tiên đó, cựu tiền vệ mang áo số 17 của đội tuyển Việt Nam cho biết: “ Khi lần đầu tiên được gọi vào đội tuyển quốc gia, cổ chân mình đang bị sưng to. Thế nhưng nếu mình dừng lại, xin nghỉ 2-3 tuần để chữa trị chấn thương thì sẽ mất đi cơ hội. Vì thế mình đã nghiến răng chịu đau, lấy băng quấn chặt cổ chân, ra sân tập luyện và thi đấu. Nếu không nỗ lực và quyết tâm như vậy thì sẽ không thể nào có được một tuyển thủ quốc gia Triệu Quang Hà như ngày hôm nay”.

So với những cầu thủ cùng trang lứa (sinh năm 1974-1975) như Đỗ Khải, Minh Chiến.…Quang Hà bắt đầu xuất hiện trong màu áo đội tuyển Việt Nam chậm hơn 2 năm. Khởi động kiểu "máy dầu", nhưng suốt 5 năm phục vụ trong màu áo đội tuyển Việt Nam, cầu thủ mang áo số 17 này luôn là sự lựa chọn số 1 bên hành lang cánh phải. Cùng với đội tuyển Việt Nam, Quang Hà đã giành được những chiến tích như: HCB Tiger Cup 1998, HCĐ Tiger Cup 2002, HCB SEA Games 1999 và HCĐ SEA Games 1997.

Quang Hà vẫn còn chạy tốt ở tuổi 45

 

Long đong nghiệp cầm quân

Sau khi giã từ sự nghiệp quần đùi áo số, năm 2005 khi đang công tác ở Bộ tư lệnh công binh với vị trí Trưởng phòng công tác thể thao, cuộc gặp gỡ với doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã hướng cuộc đời của Triệu Quang Hà sang hướng khác. Cho đến tận bây giờ, Hà “tía tồ” vẫn cho đó là cuộc găp gỡ đầy duyên số. Chính cuộc gặp gỡ đó đã góp phần tạo nên 1 HLV, 1 doanh nhân, 1 nhà quản lý thể thao Triệu Quang Hà về sau này.

Nhận lời bầu Hiển, cựu tiền vệ của đội tuyển Việt Nam bắt đầu khởi nghiệp cầm quân ở CLB Hà Nội T&T năm 2006. Dưới sự dẫn dắt của Triệu Quang Hà, Hà Nội T&T đã lập nên một kỷ lục mới của bóng đá Việt Nam mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa có đội bóng nào phá vỡ - đó là kỷ lục 3 năm liên tiếp thăng liền 3 hạng. Tiếc rằng mối lương duyên cùng bóng đá Thủ đô của HLV Triệu Quang Hà đã phải dừng lại ở mùa giải 2009 sau khi Hà Nội T&T thi đấu kém thuyết phục và đứng đội sổ trên bảng xếp hạng sau khi kết thúc lượt đi V-League 2009.

Quang Hà cầm quân

Quang Hà nắm đội tuyển U.19 năm 2010

Sau khi chia tay bóng đá Thủ đô, Quang Hà đã nhận lời về dẫn dắt Thanh Hóa - đội bóng đang thi đấu bết bát, đứng trước nguy cơ xuống hạng rất lớn mùa đó, nhưng không thành công. Tháng 9.2009, anh được VFF tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn dắt U.19 Việt Nam tham dự vòng loại giải U.19 châu Á. Tuy nhiên sau thất bại tại vòng chung kết U.19 châu Á 2010, Quang Hà bị VFF sa thải. Một năm sau, Quang Hà trở về quê hương dẫn dắt Thanh Hóa tham dự V-League 2012. Trước thềm V-League 2013 khởi tranh, Triệu Quang Hà bất ngờ quyết định chia tay đội bóng quê hương do không tìm được tiếng nói chung.

Sau 7 năm theo nghiệp cầm quân, Triệu Quang Hà chọn cách dừng lại và rẽ sang một hướng khác. Cuối năm 2013, Hà “tía tồ” đứng ra thành lập Công ty cổ phần đào tạo và phát triển thể thao mang tên anh. Có thể coi Quang Hà là một trong những người tiên phong trong việc mở các lớp bóng đá cộng đồng cho các em nhỏ nhằm tìm kiếm và phát triển các tài năng trẻ.

Quang Hà (thứ 3 từ trái) và lứa học trò tại giải bóng đá cộng đồng

Quang Hà và các cầu thủ nhi

NVCC

“Quan điểm của tôi là phải đào tạo cầu thủ một cách bài bản, có gốc rễ, mà người thầy phải là người từng trực tiếp chơi bóng, phải là tấm gương cả về chuyên môn, về đời sống cho cầu thủ. Đó là cách mà những bậc cha chú đã từng làm để có được các cầu thủ vừa tài năng trên sân đấu, vừa trưởng thành trong cuộc sống. Với cầu thủ trẻ, sự trưởng thành về con người quan trọng không kém, nếu như không muốn nói là quan trọng hơn cả sự trưởng thành về chuyên môn”, Quang Hà thẳng thắn chia sẻ.

Doanh nhân Quang Hà (trái) đi công tác ở Nhật Bản

Là một trong số hiếm hoi những cầu thủ Việt Nam được cho là “tinh quái trường đời” và cực kỳ “nhạy bén thời cuộc”, Quang Hà giờ đây được giới cầu thủ biết đến như là một trong những người giàu có nhất. Cái “giàu có” của anh không toát lên ở phương diện hình thức mà khởi nguồn từ một bộ óc rất giỏi làm kinh tế ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Thế nhưng cho dù ở môi trường hay lĩnh vực nào, Triệu Quang Hà cũng luôn tâm đắc với một câu châm ngôn sống duy nhất, câu châm ngôn đã giúp anh có được mọi thứ như ngày hôm nay “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Gia đình nhỏ của Triệu Quang Hà

NVCC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.