TAND TP.Hà Nội vừa ban hành quyết định đưa ra xét xử vụ án sai phạm liên quan đến dự án Tân Việt Phát 2. Dự kiến, phiên tòa sẽ được mở vào ngày 10.5 tới, kéo dài 5 ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
Theo quyết định, thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã sẽ ngồi ghế chủ tọa. 4 kiểm sát viên được phân công giữ quyền công tố trong quá trình xét xử, bao gồm 1 kiểm sát viên cao cấp và 3 kiểm sát viên trung cấp.
Gần 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai có 7 luật sư, 2 cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải và Nguyễn Văn Phong lần lượt có 2 và 1 luật sư...
Đáng chú ý, để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập đại diện UBND tỉnh Bình Thuận với tư cách tố tụng là nguyên đơn dân sự. Công ty CP Tân Việt Phát được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Hội đồng xét xử (HĐXX) còn triệu tập người định giá, một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác, nhằm làm rõ các tình tiết có trong vụ án.
Vụ án này, các bị cáo hầu tòa đều là các cựu lãnh đạo, cán bộ tại tỉnh Bình Thuận. Ông Nguyễn Văn Phong, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cựu Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận, là người duy nhất bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
11 bị cáo còn lại cùng bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm: Nguyễn Ngọc Hai; Lương Văn Hải; Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận...
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, ông Nguyễn Ngọc Hai với vai trò đứng đầu chính quyền tỉnh, biết rõ các quy định của pháp luật về căn cứ giá đất thời điểm giao đất.
Tuy nhiên, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng một số cựu thuộc cấp vẫn cố tình tham mưu, chỉ đạo và quyết định giao 3 lô đất số 18, 19 và 20 cho Công ty Tân Việt Phát không đúng quy định pháp luật.
Xem nhanh 20h ngày 21.4: Ông Nguyễn Quang Tuấn lãnh án | Lạ kỳ bị hại xin trả tự do cho bị cáo
Hành vi này vi phạm khoản 3 điều 108 và khoản 4 điều 114 luật Đất đai năm 2013, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45,3 tỉ đồng.
Riêng ông Nguyễn Văn Phong bị xác định thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định về giá đất, do đó bị cáo buộc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vẫn theo cơ quan tố tụng, quá trình điều tra, các bị cáo đều thành khẩn khai báo, cùng với gia đình đã nộp một khoản tiền để khắc phục hậu quả. Đây là vụ án đầu tiên trong tổng số các dự án có dấu hiệu sai phạm trong việc giao đất, cho thuê đất tại Bình Thuận bị tố giác sai phạm.
Vì sao xét xử ở Hà Nội?
Thông thường, tội phạm xảy ra ở đâu thì sẽ bị xét xử ở đó. Nhưng ở vụ án này, sai phạm diễn ra ở Bình Thuận, các bị cáo đều là cựu lãnh đạo, cán bộ của địa phương, vậy vì sao lại bị đưa ra xét xử tại Hà Nội?
Từng trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó chánh Tòa hình sự TAND TP.Hà Nội, cho biết trong một số vụ án có tình tiết phức tạp hoặc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, hoặc được dư luận đặc biệt quan tâm, Viện KSND tối cao có thể kiểm sát điều tra rồi ủy quyền cho viện KSND địa phương thực hành kiểm sát, xét xử. Khi viện KSND địa phương được ủy quyền, TAND cùng cấp tại địa phương đó sẽ đưa vụ án ra xét xử theo thẩm quyền.
Đối chiếu vụ án xảy ra tại Bình Thuận, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố, đồng thời ủy quyền cho Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố, từ đó TAND TP.Hà Nội thụ lý xét xử là hoàn toàn đúng quy định.
Bình luận (0)