Triều Tiên chuyển mình trong thập niên đầu của lãnh đạo Kim Jong-un

18/12/2021 07:30 GMT+7

10 năm kể từ khi kế nghiệp cha và ông nội, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dẫn dắt CHDCND Triều Tiên chuyển mình đáng kể, ghi dấu ấn đặc biệt trên trường quốc tế, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức chưa lời giải.

Ông Kim Jong-un được cho sinh năm 1984 và là con thứ ba của cố lãnh đạo Kim Jong-il. Tháng 9.2010, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ông Kim Jong-un được phong tướng 4 sao. Chỉ một tháng sau đó, ông ra mắt công chúng khi đứng cạnh cha, vỗ tay và vẫy chào trong một cuộc diễu binh. Hơn một năm sau, ngày 17.12.2011, ông Kim Jong-il từ trần ở tuổi 69 và con trai Kim Jong-un đứng đầu trong danh sách ban lễ tang quốc gia. Truyền thông Triều Tiên khi đó gọi ông Kim Jong-un là “người kế thừa vĩ đại”. Ngày 30.12.2011, ông Kim Jong-un trở thành Tư lệnh tối cao của lực lượng vũ trang Triều Tiên, rồi dần giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong đảng Lao động cầm quyền và Ủy ban Quốc phòng.

Tạo thế và lực bên trong

Chưa tròn 30 tuổi, ông Kim Jong-un trở thành một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới, tại một đất nước cũng đặc biệt bậc nhất. Khi đó, giới quan sát chỉ mới biết về ông là người kế thừa sự nghiệp chính trị của lãnh đạo quá cố cũng là cha ông. Thông tin về nhà lãnh đạo trẻ chủ yếu là đồn đoán dựa trên tin tình báo và những lời kể khó kiểm chứng. Trong suốt 6 năm đầu, ông Kim Jong-un không rời khỏi Triều Tiên hay gặp gỡ bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào. Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, ông dành nhiều thời gian giám sát và tập trung đẩy mạnh chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội vào năm 2019

AFP

Tháng 12.2012, Triều Tiên tuyên bố đã phóng vệ tinh lên quỹ đạo, động thái được nhiều nhà quan sát nhận định là lần phóng tên lửa tầm xa thành công đầu tiên của nước này, còn LHQ xem là hành vi vi phạm lệnh cấm. Tháng 2.2013, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba và là vụ thử đầu tiên dưới thời ông Kim Jong-un. Năm 2016, Triều Tiên lại tiến hành thêm hai vụ thử hạt nhân khác và lần thứ hai phóng thành công vệ tinh. Năm 2017, Triều Tiên phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), trong đó có tên lửa đủ khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Tháng 9 cùng năm, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 và mạnh nhất tính tới thời điểm đó, đồng thời tuyên bố là bom nhiệt hạch.

Những bước tiến trong chương trình vũ khí của Triều Tiên được giới phân tích quốc phòng nhiều nước mô tả là đáng kinh ngạc, bất chấp hàng loạt lệnh cấm vận nghiêm khắc của LHQ. Cùng lúc, những cuộc khẩu chiến và đe dọa liên tục giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump đẩy tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên vào thế “căng như dây đàn”. Nhiều lo ngại về nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự ở khu vực và đã có những kịch bản được đưa ra.

Bước ra thế giới

Giới quan sát cho rằng chính những bước tiến đáng kể trên đã giúp Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un có được một phần lợi thế khi bước vào các cuộc thương thuyết và đối thoại với bên ngoài. Tháng 4.2018, lịch sử chính thức được mở ra với hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức ở Bàn Môn Điếm giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đó cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên đặt chân sang đất Hàn Quốc kể từ khi hai miền chia cắt sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Cuộc gặp với tuyên bố Bàn Môn Điếm cũng chính là bước ngoặt mở đường cho những diễn biến ngoại giao sôi động tiếp đó của Triều Tiên.

Tháng 6.2018, cả thế giới đổ dồn sự chú ý về Singapore - nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên. Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un, đã chính thức bắt tay, trò chuyện và đưa ra nhiều cam kết được kỳ vọng. Hơn nửa năm sau, hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau tại Hà Nội trong hội nghị thượng đỉnh lần hai. Cuộc gặp kết thúc mà không có tuyên bố chung do còn nhiều khác biệt. Thế giới lại chờ đến cuộc mặt đối mặt thứ ba của hai ông vào tháng 6.2019. Tuy nhiên, cuộc gặp thứ ba này không mang lại bất kỳ đột phá nào.

Dẫu đàm phán bế tắc, việc ông Kim Jong-un công du nước ngoài và gặp gỡ lãnh đạo các nước khác được xem như bước ngoặt rất lớn của Triều Tiên và bản thân ông. Bên ngoài đã biết nhiều hơn về ông, về những đòi hỏi, mong muốn và yêu sách của Bình Nhưỡng. Ông Kim Jong-un đã có những chuyến thăm và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam, Nga. Dấu ấn ngoại giao mà ông Kim Jong-un để lại trong thập niên qua tiến xa hơn cả cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Thách thức và kỳ vọng tương lai

Khởi đầu bị đánh giá là non trẻ, nhưng sau 10 năm, ông Kim Jong-un giờ đây đã bồi đắp được kinh nghiệm lãnh đạo không thua kém ai, đồng thời củng cố quyền lực vững chắc tại Triều Tiên. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng ông Kim Jong-un đang đứng trước nhiều thách thức trong những năm cầm quyền tiếp theo để đạt được đa mục tiêu là vừa duy trì vũ khí hạt nhân, vừa phát triển kinh tế và mang lại thịnh vượng cho người dân.

Giáo sư Park Won-gon, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Nữ sinh Ewha (Hàn Quốc), nhận định cách ông Kim Jong-un phát triển nền kinh tế trong những năm tới có thể quyết định sự ổn định lâu dài của chính quyền do ông lãnh đạo. “Chương trình vũ khí hạt nhân, nền kinh tế và sự ổn định của chế độ có mối liên hệ với nhau. Nếu vấn đề hạt nhân không được giải quyết, nền kinh tế sẽ không tốt lên, điều đó có thể khiến xã hội Triều Tiên trở nên không yên ả”, theo AP dẫn lời ông Park.

Thực tế, Triều Tiên gần đây nhiều lần thừa nhận những khó khăn về kinh tế do dịch bệnh, thiên tai và các lệnh trừng phạt quốc tế. Mặc dù chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào nhưng đại dịch như một đòn giáng mạnh lên nền kinh tế của Triều Tiên khi nước này phải đóng cửa biên giới. Phục hồi và phát triển kinh tế chính là bài toán khó mà ông Kim Jong-un phải giải quyết trong những năm tiếp theo.

Cùng lúc đó, quan hệ của Triều Tiên với Hàn Quốc và tương lai cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ đang mịt mờ, chưa lối thoát. Chính quyền Mỹ hiện cho thấy Triều Tiên đang không phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Giới quan sát cho rằng Triều Tiên cũng chưa có dấu hiệu thay đổi lập trường nên ít có khả năng đột phá về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai gần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.