Theo báo Chosun Ilbo, điện dùng cho Kaesong ở miền Bắc hoàn toàn được cung cấp từ miền Nam. Một trạm ở tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc truyền tải điện đến một trạm điện 100.000 kW ở Kaesong. Trạm này do Hàn Quốc xây và được dùng để phân phối điện lại cho các doanh nghiệp ở Kaesong.
Trong khi đó, Triều Tiên chịu cảnh thiếu điện triền miên và chỉ ưu tiên cung cấp điện cho các nhà máy ở Bình Nhưỡng, theo Chosun Ilbo. Kaesong lại không nằm trong danh sách ưu tiên này.
|
Chuyên gia Cho Bong-hyun tại Viện nghiên cứu kinh tế IBK của Hàn Quốc phân tích: “Triều Tiên sẽ phải tốn hàng trăm tỉ won (vài trăm triệu USD-NV) để xây một nhà máy điện dành riêng cho khu công nghiệp chung và thậm chí nếu cố gắng sử dụng điện từ một trạm gần đó, họ sẽ phải tốn hàng chục tỉ won vì phải xây thêm cơ sở truyền tải điện”.
Triều Tiên cũng sẽ cần xây dựng một hệ thống cung cấp và thoát nước cho Kaesong, với vốn đầu tư có thể lên tới hàng tỉ won.
Ngoài ra, Triều Tiên sẽ gặp khó khăn trong việc vận hành máy móc ở Kaesong. Chuyên gia Cho nói rõ: “ Từ trước tới nay, kỹ sư Hàn Quốc chịu trách nhiệm bảo trì và sửa chữa máy móc công nghệ cao. Triều Tiên thiếu khả năng giải quyết vấn đề này”.
Một số ý kiến, theo Chosun Ilbo, còn cho rằng các công ty Trung Quốc sẽ nhảy vào, nhưng giáo sư Yun Duk-min tại Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc nhận định: “Điều đó đòi hỏi việc vận chuyển sản phẩm qua Trung Quốc bằng đường bộ và chi phí hậu cần sẽ rất lớn. Ngoài ra, khó có khả năng Trung Quốc sẽ mạo hiểm đối mặt mâu thuẫn ngoại giao với Hàn Quốc”.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm nguyên liệu cũng là một vấn đề đối với Triều Tiên. Chúng có thể được mua từ Trung Quốc, nhưng việc bảo đảm chất lượng có thể khiến Bình Nhưỡng đau đầu, theo Chosun Ilbo.
Thậm chí, nếu vận hành được Kaesong, Triều Tiên sẽ phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm được tạo ra từ khu công nghiệp này.
Tính đến chiều 29.4, chỉ còn có bảy công nhân Hàn Quốc ở lại Kaesong để giải quyết một số vấn đề, trong có có việc Triều Tiên yêu cầu trả lương tháng 3 cho công nhân của họ, theo Yonhap.
Kaesong, nằm ở Triều Tiên và sát giới tuyến hai miền, được xem là biểu tượng hợp tác liên Triều. Khu công nghiệp này đi vào hoạt động từ năm 2004 với sự kết hợp giữa vốn đầu tư và công nghệ Hàn Quốc cùng lao động giá rẻ của Triều Tiên.
Tính đến nay, Seoul đã đầu tư gần 900 triệu USD vào Kaesong còn Bình Nhưỡng thu về một lượng lớn ngoại tệ mỗi năm.
Văn Khoa
>> Triều Tiên quy trách nhiệm cho Hàn Quốc nếu Kaesong đóng cửa vĩnh viễn
>> Hàn Quốc sẽ rút toàn bộ công nhân khỏi Kaesong
>> Doanh nhân Hàn đòi tuyên bố Kaesong là khu thảm họa đặc biệt
>> Triều Tiên cấm doanh nhân Hàn Quốc vào Kaesong
>> Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên đối thoại về khu Kaesong
Bình luận (0)