Yonhap dẫn nguồn tin chính phủ Hàn Quốc ngày 23.8 cho biết quân đội Triều Tiên đã đặt mìn gần biên giới liên Triều, cụ thể là tại phần phía bắc của cây cầu Bridge of No Return (tạm dịch: Cầu không trở lại) tại Bàn Môn Điếm. Bàn Môn Điếm là một phần của Vùng phi quân sự (DMZ) chia cắt bán đảo Triều Tiên từ năm 1953.
Nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc đặt mìn sát thương tại khu vực gần biên giới liên Triều có thể là hành động của Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn binh sĩ nước này ở tiền tuyến đào tẩu.
Trong khi đó, một quan chức quân đội Hàn Quốc nhận định rằng hành động đặt mìn của Triều Tiên cho thấy sự hoang mang trong số các binh sĩ tại khu vực tiền tuyến của Triều Tiên. Trước đây, hầu hết lính Triều Tiên đào tẩu đều là từ các khu vực không thuộc tuyến đầu. Theo Yonhap, các binh sĩ ở tiền tuyến của quân đội Triều Tiên thường được lựa chọn cẩn thận về lòng trung thành vì họ thường xuyên phải đối mặt với các hoạt động chiến tranh tâm lý của quân đội Hàn Quốc dọc DMZ.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Triều Tiên đặt mìn tại Bàn Môn Điếm kể từ khi thỏa thuận đình chiến liên Triều được ký kết vào tháng 7.1953. Theo các nguồn tin Hàn Quốc, Triều Tiên được cho đã đặt 4.000 quả mìn gần làng đình chiến và dọc theo DMZ kể từ tháng 4.2016.
Theo AFP, Bộ chỉ huy Liên Hiệp Quốc (UNC) đóng tại Hàn Quốc đã xác nhận thông tin về việc quân đội Triều Tiên đặt mìn tại Bàn Môn Điếm. Trong một tuyên bố ngày 23.8, UNC đã lên án mạnh mẽ hành động của Triều Tiên. Tuyên bố có đoạn: "Sự hiện diện của bất cứ thiết bị hoặc đạn dược nào ở trên hoặc gần cầu Bridge of No Return đều gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an toàn của người dân hai bên". Thêm vào đó, UNC cho biết hàng nghìn du khách, chủ yếu là học sinh thường tới thăm vùng DMZ này.
UNC không hề đề cập đến mục đích của Triều Tiên khi đặt mìn tại khu vực này. Triều Tiên cũng chưa đưa ra bình luận chính thức nào về thông tin trên.
Bình luận (0)