Triều Tiên đột phá năng lực hạt nhân

05/09/2017 09:30 GMT+7

Cuộc thử nghiệm ngày 3.9 có thể mang lại cho CHDCND Triều Tiên bước tiến chưa từng có trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Trong thông báo chính thức, Triều Tiên khẳng định đã “thành công mỹ mãn” khi thử nghiệm một quả bom nhiệt hạch (bom H) “hoàn hảo”. Bình Nhưỡng lần đầu tiên công bố thử bom H thu nhỏ vào tháng 1.2016 nhưng giới phân tích lúc đó cho rằng chỉ là “vũ khí phân hạch tăng cường”, tức sử dụng một lượng ít nhiên liệu nhiệt hạch để thúc đẩy quá trình phân hạch trong bom nguyên tử (bom A) thông thường. Tuy nhiên, lần thử mới nhất khiến các chuyên gia “đứng ngồi không yên” vì nhiều dấu hiệu cho thấy đây có thể chính là bom H “thứ thiệt” với sức hủy diệt khó tưởng tượng.
Bước tiến đầu đạn
Tờ The New York Times hôm qua dẫn lời ông David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế (Mỹ), tin rằng Triều Tiên đang hoàn thiện bom H chứ không phải bom A. Đối với bom A, sức công phá đến từ phản ứng phân hạch phá vỡ những nguyên tử cỡ lớn, chẳng hạn như plutonium, thành nguyên tử nhỏ hơn, tạo ra năng lượng đáng kể. Ngược lại, bom H sử dụng quá trình kết hợp từ nhiều giai đoạn khác nhau, khởi đầu với việc kích nổ một quả bom nguyên tử. Vụ nổ đầu tiên tạo ra nhiệt độ hàng triệu độ C, cung cấp đủ năng lượng để kết hợp các nguyên tử cỡ nhỏ, chẳng hạn như hydrogen, nhằm tạo ra sức nổ mạnh hơn gấp ngàn lần (phản ứng nhiệt hạch). Vì thế, bom H thường có thiết kế 2 tầng gồm một quả bom A và khoang nhiên liệu cho phản ứng nhiệt hạch. Vài giờ trước vụ thử ngày 3.9, truyền thông Triều Tiên đăng tải hình ảnh lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một thiết bị được cho là bom H. Chuyên gia tên lửa Chang Young-keun tại Đại học Hàng không Hàn Quốc cho rằng thiết bị này có hình dạng gồm 2 phần, đúng như 2 bộ phận của bom nhiệt hạch.
Hơn nữa, ý nghĩa của vụ thử lần 6 không chỉ nằm ở bản thân quả bom mà đáng chú ý hơn là tạo nền tảng để Triều Tiên phát triển đầu đạn đủ nhỏ để trang bị cho tên lửa liên lục địa (ICBM). Hồi tháng 7, nước này phóng thành công 2 ICBM với tầm bắn có thể vươn đến nhiều thành phố lớn ở Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tên lửa Triều Tiên khó có thể đạt tầm bắn tiêu chuẩn nếu không có đầu đạn hạt nhân vừa bảo đảm sức công phá vừa nhẹ hơn các thiết bị nước này hiện có thể sản xuất. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng chưa chứng minh được khả năng chế tạo đầu đạn có thể nguyên vẹn trở lại bầu khí quyển sau khi được phóng. Đến nay, vấn đề này có thể sẽ được giải quyết khi theo chuyên gia Albright, công nghệ nhiệt hạch là chìa khóa để Triều Tiên phát triển đầu đạn nhẹ với sức nổ hủy diệt diện rộng.
Kế hoạch phá hoại bí mật của CIA
Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên thử hạt nhân hôm 3.9, nhiều tờ báo đưa tin về việc Mỹ tăng cường kế hoạch bí mật nhằm phá hoại tên lửa của Bình Nhưỡng bằng cách tuồn vi mạch “độc hại” vào nước này. Tờ Daily Express dẫn nguồn tin giấu tên nói Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cố ý sắp xếp để các vi mạch và một số bộ phận kỹ thuật “được buôn lậu” đến Triều Tiên để sử dụng trong chương trình vũ khí. Những vi mạch này được phía Mỹ cài đặt để khiến tên lửa Triều Tiên bay chệch hướng hoặc phát nổ. Bên cạnh đó, theo tờ The New York Times, trước khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Barack Obama đã chuyển giao cho người kế nhiệm Donald Trump chương trình tấn công mạng Triều Tiên. Chương trình này được cho là bắt đầu từ năm 2013, sau khi Washington nhận ra rằng các hệ thống lá chắn tên lửa không đảm bảo bắn hạ được tên lửa đạn đạo, với xác suất thất bại của các cuộc thử nghiệm lên đến 56%.
Cũng có chuyên gia nghi ngờ Bình Nhưỡng thật sự đạt tới khả năng nói trên. “Chúng ta không có cách nào biết được liệu thiết bị nhiệt hạch của họ có đủ nhỏ để trang bị cho tên lửa không, trừ khi tiến hành thử nghiệm thật sự”, CNN dẫn lời chuyên gia Melissa Hanham thuộc Trung tâm nghiên cứu giải trừ vũ khí James Martin nhận định. Tuy nhiên, nhà quan sát Lee Sung-yoon, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Tufts (Mỹ), cảnh báo: “Trung Quốc từng thử quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1964 và chỉ 3 năm sau đã sở hữu bom nhiệt hạch. Mà đó là chuyện của 50 năm trước, khi công nghệ kém xa so với thời nay”.
Tấn công xung điện từ
Bên cạnh nguy cơ từ sức nổ và phóng xạ, vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên lần đầu tiên mang đến mối đe dọa tấn công bằng sóng điện từ (EMP) đối với Mỹ. Theo tờ The Wall Street Journal, đây chính là mối lo ngại lớn của Washington trong những năm gần đây. Trong trường hợp tấn công EMP, Triều Tiên có thể kích nổ vũ khí nhiệt hạch ở độ cao hàng trăm ki lô mét để tạo ra sóng điện từ với độ bao phủ toàn nước Mỹ, đủ để vô hiệu hóa hệ thống tác chiến và viễn thông điện tử, đánh sập lưới điện và nhiều cơ sở hạ tầng khác. Các chuyên gia cảnh báo cuộc tấn công có thể diễn ra chớp nhoáng và gây thiệt hại “như trong phim viễn tưởng”. Khi đó, các bệnh viện sẽ tê liệt trong khi chính quyền và người dân không thể liên lạc bằng thiết bị viễn thông, gây hoảng loạn trên diện rộng. Tờ Daily Mail dẫn lời cựu Giám đốc CIA James Woolsey cho biết đây chính là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ. “Khi đó, chúng ta sẽ sống trong thế giới không thể gọi thức ăn, không có hệ thống lọc nước, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, thuốc men và hệ thống giao thông bị tê liệt. Tất cả những thứ này đều lệ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào điện”, ông cảnh báo.
Các chuyên gia ước tính vị trí kích nổ càng cao thì phạm vi thiệt hại càng lớn. Chẳng hạn như ở độ cao 30 km giữa lãnh thổ Mỹ, tầm ảnh hưởng sẽ bao phủ bang Kansas, Nebraska, South Dakota và vùng lân cận. Trong khi đó, ở độ cao 400 km thì phạm vi thiệt hại sẽ là cả nước cùng với nhiều khu vực ở Mexico và Canada. Tờ The Wall Street Journal nhận định trong tình huống xấu nhất, Mỹ sẽ mất điện suốt nhiều tháng, dẫn tới tình trạng tử vong hàng loạt do bệnh viện không thể hoạt động, dịch vụ cấp cứu bị ảnh hưởng trong khi hàng triệu người thiếu thốn lương thực, nước uống. Theo chuyên gia Melissa Hanham, về mặt lý thuyết thì viễn cảnh đen tối này hoàn toàn có thể xảy ra. “Triều Tiên ngày càng thể hiện rõ mục đích muốn tiếp tục đe dọa các đô thị lớn ở Mỹ với tên lửa mang đầu đạn hạt nhân”, bà cảnh báo. Hồi năm 1962, Mỹ từng chứng kiến sức ảnh hưởng ghê gớm khi thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương với sóng xung điện từ khiến nhiều bóng đèn trên đảo Honolulu bị đứt mạch dù cách khu vực thử bom đến 1.600 km.
Trước nguy cơ bị tấn công gây thiệt hại trên diện rộng, giới phân tích kêu gọi tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm đánh chặn vũ khí của Triều Tiên trước khi được kích nổ. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Mỹ nên thiết kế các hệ thống điện có thể chịu được sóng xung kích và khẩn cấp trang bị hệ thống dự phòng. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Paul Selva, Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều thách thức nếu muốn tấn công EMP đối với Mỹ. “Trước hết, cần có hệ thống dẫn đường ổn định cho tên lửa. Thứ hai là cần thiết bị giúp đầu đạn hạt nhân duy trì độ cao để không bị đánh chặn trong thời gian đủ phát tán sóng điện từ cũng như chịu được nhiệt độ khủng khiếp khi trở lại bầu khí quyển”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.