Triều Tiên muốn gì từ các đợt phóng tên lửa gần đây?

24/10/2021 19:00 GMT+7

Giới quan sát vừa đưa ra một số nhận định về mục đích của Triều Tiên khi cho phóng thử tên lửa dồn dập trong những tuần gần đây.

Một số hình ảnh do KCNA công bố ngày 19.10 về tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm trong một cuộc thử nghiệm gần đây ở Triều Tiên

REuters

Vừa qua, Hãng thông tấn KCNA đưa tin, CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm thành công “dòng mới” của tên lửa đạn đạo khai hỏa từ tàu ngầm (SLBM) vào sáng 19.10, không lâu sau khi tuyên bố đã phóng tên lửa hành trình, tên lửa triển khai từ xe lửa, tên lửa bội siêu thanh và tên lửa phòng không.

Cũng trong vài tuần gần đây, Bình Nhưỡng khẳng định những đợt thử vũ khí của Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng phòng thủ như nhiều nước khác đang làm, cáo buộc Mỹ, Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc áp dụng chính sách thù địch và tiêu chuẩn kép đối với nước này, theo Reuters.

Tăng khả năng tấn công bất ngờ?

Trong khi đó, tờ Nikkei Asia mới đây dẫn lời giới quan sát cho rằng việc Triều Tiên phóng thử tên lửa dồn dập trong những tuần gần đây cho thấy nước này đang xây dựng khả năng tấn công bất ngờ vào các mục tiêu trong khu vực. Họ còn cho rằng những đợt phóng tên lửa mới cho thấy Triều Tiên đang gia tăng khả năng tấn công có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương. “Việc phóng cùng lúc nhiều tên lửa dùng các phương pháp khác nhau sẽ gây ra mối đe dọa”, một người có quan hệ gần gũi với cộng đồng an ninh quốc gia ở Seoul nhận định.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng SLBM được phóng vào sáng 19.10 gần giống với một tên lửa tầm ngắn mang tên “Iskander Triều Tiên” vì nó tương tự như một hệ thống tên lửa Iskander do Nga chế tạo. Tên lửa mới có tầm bắn khoảng 600-700 km, đủ để đặt các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản trong tầm ngắm.

Một người đàn ông tại một nhà ga ở Seoul xem tin Triều Tiên phóng tên lửa ngày 19.10

AFP

Đợt phóng SLBM cho thấy sự tiến bộ trong chương trình phát triển loại tên lửa này của Triều Tiên, vì Bình Nhưỡng tuyên bố SLBM được phóng từ tàu ngầm, chứ không phải là sà lan hay một cơ sở trên bộ. Đây cũng là chỉ dấu cho thấy Bình Nhưỡng sắp triển khai SLBM, theo Yonhap.

Việc đẩy mạnh phát triển SLBM còn gây ra suy đoán rằng Triều Tiên đang tìm cách đạt được khả năng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân. SLBM là vũ khí quan trọng trong khả năng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vì nó có thể hoạt động mà không bị phát hiện, tiến hành các cuộc đáp trả nên giúp một quốc gia sống sót trước cuộc tấn công phủ đầu của kẻ thù.

Chiến lược lớn hơn

Một số nhà quan sát còn cho rằng việc Triều Tiên đang đeo đuổi chương trình SLBM có thể nằm trong chiến lược lớn hơn của nước này là ngăn chặn Mỹ tiếp cận khu vực và thậm chí tách liên minh Hàn-Mỹ, theo Yonhap. Họ cho rằng nếu Triều Tiên phát triển đầy đủ chương trình SLBM và triển khai loại tên lửa này cho các chiến dịch tác chiến, Mỹ có thể lo sợ về cuộc tấn công bằng SLBM nên không sẵn sàng đến hỗ trợ đồng minh là Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra tấn công.

Triều Tiên công bố ảnh tên lửa đạn đạo mới: nhỏ hơn nên tàu ngầm mang được nhiều hơn?

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook ngày 21.10 cho rằng SLBM Triều Tiên vừa thử dường như ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển và có thể bị đánh chặn. Ông Suh đưa ra nhận định này trong lúc bộ của ông cam kết triển khai nhiều thêm khí tài phát hiện tên lửa và củng cố hợp tác với Mỹ để đối phó những hoạt động nghiên cứu tên lửa của Triều Tiên, theo Yonhap.

Một số nhà phân tích thì cho rằng việc Triều Tiên phóng SLBM có thể là một phần nhằm thúc Hàn Quốc và Mỹ đưa ra những đề xuất cụ thể hơn để mở đường cho việc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Hôm 20.10, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã kêu gọi Triều Tiên chấp nhận đề nghị đối thoại và tái khẳng định Washington không có ý thù địch đối với Bình Nhưỡng, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.