Phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho ngày 23.9 tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân, bất chấp sự lên án và các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, theo Reuters ngày 24.9.
Ông Ri cho rằng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là "biện pháp tự vệ chính đáng trước các mối đe dọa hạt nhân liên tục từ phía Mỹ. Reuters dẫn lời ông Ri nhấn mạnh rằng khi vẫn còn một quốc gia có vũ khí hạt nhân đang trong quan hệ thù địch với Triều Tiên thì an ninh quốc gia và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể đươc bảo vệ bằng sự răn đe hạt nhân.
Với lập luận đó, Ngoại trưởng Triều Tiên tuyên bố: "Tiếp tục trang bị hạt nhân là chính sách của đất nước chúng tôi. Triều Tiên sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp nhằm tăng cường lực lượng vũ trang hạt nhân cả về chất lượng và số lượng".
Theo ông Ri, bán đảo Triều Tiên "là điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới, nơi có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân". Ông còn cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc tập trận "chiến tranh hạt nhân" quy mô lớn nhằm "tiêu diệt" giới lãnh đạo Triều Tiên và chiếm đóng thủ đô Bình Nhưỡng, phớt lờ lời kêu gọi của lãnh đạo Kim Jong-un, thay thế hiệp ước đình chiến năm 1953 bằng một hiệp ước hòa bình.
Nhà ngoại giao này còn cho rằng việc Mỹ điều các máy bay ném bom chiến lược B-1 bay lượn trên bán đảo Triều Tiên chính là đe dọa Triều Tiên. Ông Ri cảnh báo: "Chúng tôi không đứng nhìn nữa và Mỹ sẽ phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc ngoài sức tưởng tượng".
Cũng liên quan đến vấn đề Triều Tiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23.9 nói trước Đại hội đồng LHQ rằng Mỹ sai lầm khi dùng vấn đề Triều Tiên làm cớ để quân sự hóa rầm rộ ở Đông Bắc Á, bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
|
Trong khi đó, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, ông Daniel Russel cho biết việc triển khai THAAD không phải vấn đề có thể thương lượng để có thể đạt được sự đồng thuận về lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên. Ông Russel nhấn mạnh Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định việc triển khai đó.
Theo Reuters, kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc, Nga vì vậy đó có thể là một phần nội dung trong các cuộc đàm phán liên quan đến biện pháp trừng phạt mới sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 5 hôm 9.9. Quá trình đàm phán này vẫn đang diễn ra ở bước đầu, tuy nhiên ông Russel tự tin rằng sẽ có một nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc được thông qua.
Bình luận (0)