Trình Bộ Chính trị chính sách đặc thù vượt trội cho cán bộ khi sắp xếp bộ máy

21/12/2024 14:59 GMT+7

'Hôm nay, Ban Chỉ đạo của Chính phủ sẽ gửi Bộ Chính trị thông qua chế độ chính sách cho cán bộ, khi sắp xếp bộ máy', nếu được Bộ Chính trị chấp nhận 'đây là chính sách đặc thù vượt trội, mạnh mẽ để đảm bảo đời sống cho người lao động'.

Thông tin này được được Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ diễn ra sáng 21.12.

Trình Bộ Chính trị chính sách đặc thù vượt trội cho cán bộ khi sắp xếp bộ máy- Ảnh 1.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

ẢNH: THU HẰNG

Có đơn vị tinh gọn 40%

Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao, hoan nghênh Bộ Nội vụ trong năm 2024 đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn như: sắp xếp lại đơn vị hành chính; cải cách chính sách tiền lương; xây dựng thể chế; cải cách hành chính, đặc biệt là sắp xếp, tinh gọn bộ máy; vị trí việc làm, giảm biên chế, đổi mới thi tuyển công chức, các vấn đề phức tạp về tôn giáo… Theo Phó thủ tướng thường trực, đây là những vấn đề cấp bách với tính chất nhạy cảm, phức tạp, 'đụng chạm" đến nhiều người.

Về chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp, Phó thủ tướng thường trực cho biết: "Hôm nay, Ban Chỉ đạo của Chính phủ sẽ "nộp bài" gửi Bộ Chính trị thông qua chế độ chính sách cho cán bộ, khi sắp xếp bộ máy. Đến giờ này, chúng tôi rất yên tâm, mặc dù bình diện người bị ảnh hưởng lần này khá đông, hàng trăm nghìn người, nhưng chúng ta mạnh dạn, với một chính sách nếu như đề xuất được Bộ Chính trị chấp nhận đây là chính sách đặc thù vượt trội, mạnh mẽ để đảm bảo đời sống cho người lao động".

Về nhiệm vụ trong năm 2025, Phó thủ tướng thường trực lưu ý, việc tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 phải làm khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

"Tất cả các bộ, các địa phương đều phải tinh gọn bên trong của mình, tối thiểu phải tinh gọn 15 - 20%, cá biệt sẽ có đơn vị tinh gọn 40%. Ví dụ như: Vụ Nghiên cứu về Bắc Âu, Đông Âu, châu Á, châu Mỹ… gộp lại thành Vụ Nghiên cứu về quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động đề xuất phương án tinh gọn bên trong".

Đối với Bộ Nội vụ, cơ quan tham mưu xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị cần hình thành chính sách đủ mạnh, khuyến khích được người lao động; hình thành pháp lý cho bộ máy này hoạt động; xây dựng hướng dẫn các địa phương, các bộ, ngành trong sắp xếp. Những việc này phải làm nhanh khẩn trương, nhưng phải khoa học, bình tĩnh đề phòng rủi ro, bất hợp lý trong việc hợp nhất.

Lựa chọn "tinh hoa" cho bộ máy hành chính

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng gợi mở thêm một vấn đề Bộ Nội vụ cần tiếp tục giải quyết trong năm 2025, đó là thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ được người tài; đánh giá cán bộ để sử dụng cho đúng.

Theo yêu cầu Phó thủ tướng thường trực đặt ra, phải làm sao loại bỏ được người yếu, thu hút được người tài cho nền hành chính công như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.

"Chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy có khoa học, tinh gọn bao nhiêu, có hợp lý bao nhiêu, thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy là do con người quyết định. Nếu 2 phòng nhập lại, nếu để anh dở làm lãnh đạo thì có khi dở cả 2 phòng. Còn nếu 1 dở, 1 giỏi, thì chỉ cần 1 phòng đảm nhận công việc. Do vậy, đánh giá sử dụng đúng cán bộ, Đảng và nhân dân vẫn đang trông chờ vào chúng ta có một cách làm đột phá", Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

Nhắc lại lưu ý của Tổng Bí thư, không để cơ quan nhà nước là nơi trú ngụ của những người lười biếng, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Không để người tài thì xin nghỉ, người dở thì ở lại. Chúng ta kết hợp với tinh gọn, nhưng phải xốc lại đội hình, lựa chọn "tinh hoa" trong bộ máy hành chính theo đúng tinh thần chất lượng cán bộ quyết định hiệu quả của một nền hành chính".

Phó thủ tướng thường trực cũng lưu ý, Bộ Nội vụ phải chuẩn bị sẵn sàng đảm nhận, hoàn thành tốt những nhiệm vụ sau khi hợp nhất với Bộ LĐ-TB-XH.

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn, sắp xếp bộ máy 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề án liên quan trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo T.Ư bảo đảm tiến độ và đúng yêu cầu, chỉ đạo của T.Ư.

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Vũ Hải Nam, Vụ Tổ chức - biên chế (Bộ Nội vụ), Ban Chỉ đạo T.Ư xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình T.Ư báo cáo Quốc hội thông qua vào giữa tháng 2.2025.

Tới đây, các nhiệm vụ Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tham mưu với Ban chỉ đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo 2 nhóm.

Nhóm các bộ, ngành thuộc diện sáp nhập, hợp nhất sẽ tiếp tục tổng hợp sau khi họp. Dự kiến các nhóm này hoàn thành vào 15.2

Các nhóm không thuộc diện sắp xếp hoặc tiếp nhận, chủ động tinh gọn bộ máy, tinh thần là tinh giản biên chế 15 - 20%, hoàn thành trước 15.1.2025.

Tất cả các địa phương có thể kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đi vào hoạt động ngay sau khi có kết luận của T.Ư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.