Trình Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

28/11/2023 11:12 GMT+7

Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Bộ GTVT trình Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án.

Đây là bước đầu tiên cần được thông qua, trước khi trình đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lên các cấp có thẩm quyền, Quốc hội xem xét, thông qua.

Nội dung của đề án được yêu cầu bám sát Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Trình Chính phủ đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Ảnh 1.

Tàu cao tốc Shinkansen tại Nhật Bản có tốc độ chạy 350 km/giờ

T.N

Trước đó, tại Kết luận số 49-KL/TW, Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu phát triển GTVT đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

Về các mục tiêu cụ thể, Bộ Chính trị xác định đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang), phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.

Bộ GTVT cũng đã tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như châu Âu, Trung Quốc để cập nhật, bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan.

Liên quan đến dự án, Bộ GTVT đang xin ý kiến về 3 kịch bản đường sắt Bắc - Nam:

Kịch bản 1, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỉ USD.

Tư vấn đánh giá, ưu điểm của kịch bản này là giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp hơn 2 phương án khác, song không có khả năng tăng công suất nếu nhu cầu vận tải hàng hóa trên tuyến đường sắt hiện hữu quá tải. Kết nối vận tải hàng hóa liên vận quốc tế không thuận lợi vì các nước đều dùng ray 1.435 mm.

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/giờ, chạy tàu hàng tối đa 120 km/giờ. 

Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỉ USD. Ưu điểm là vận chuyển cả hành khách và hàng hóa trên cùng tuyến. Kết nối liên vận quốc tế thuận lợi, song tốc độ lưu thông thấp.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.

Với kịch bản này, đường sắt Bắc - Nam sẽ được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất. Ưu điểm là tàu vận tải riêng hành khách nên tốc độ cao, tiện nghi, an toàn, có khả năng cạnh tranh với phương tiện khác. Ngoài ra, có khả năng vận tải hàng hóa trong trường hợp năng lực của tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu quá tải.

Tuy nhiên, nhược điểm của kịch bản này là chi phí đầu tư cao, chênh lệch tốc độ giữa tàu khách với tàu hàng càng lớn làm giảm năng lực thông qua. Trong văn bản góp ý, Bộ Xây dựng đề xuất lựa chọn phương án 3.

Xem nhanh 12h ngày 28.11: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.