Dựa theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Bộ dự kiến trình đề xuất này lên Chính phủ trong quý 2/2023 để làm nền tảng cho quan điểm của quốc gia về quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) trước kỳ họp COP10 cuối năm nay - một diễn đàn toàn cầu mà Việt Nam là một trong những nước tham gia tích cực. Đây là những chia sẻ của ông Hoàn trong khuôn khổ tọa đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành" do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 18.4 vừa qua.
Cập nhật tiến độ của đề xuất này, đại diện Bộ Công thương cho biết Bộ đang nỗ lực trao đổi với Bộ Y tế để có sự đồng thuận trong việc đưa định nghĩa, xác định TLTHM có phải là sản phẩm theo định nghĩa của luật hiện hành. Đây cũng là mục tiêu quan trọng để Việt Nam sớm có tiếng nói đồng thuận trước kỳ họp Hội nghị Các bên lần thứ 10 (COP10) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức nhằm mục tiêu thảo luận về Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC). Hiện đã có 193 nước ký kết FCTC và Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia thành viên từ rất sớm.
TLTHM chờ được định danh là "thuốc lá"
Mặc dù có tên gọi là TLTHM, thế nhưng vẫn còn có sự tranh luận giữa các cơ quan ban ngành liên quan trong việc định danh sản phẩm này có phải là thuốc lá khi dùng Luật PCTHTL làm cơ sở pháp lý quyết định cho việc đưa mặt hàng này vào kiểm soát.
Năm 2012, Luật PCTHTL được chính phủ phê duyệt khi chưa xuất hiện các sản phẩm TLTHM bao gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN)... Thế nhưng tại tọa đàm nêu trên, ĐBQH khóa 13 - PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, cũng là một trong những người bấm nút thông qua Luật PCTHTL khẳng định: TLTHM thì cũng là thuốc lá, bởi Luật PCTHTL đã ghi rõ sản phẩm thuốc lá là sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ thuốc lá. Như vậy, rõ ràng những người làm luật đã tiên liệu trước những thay đổi về sản phẩm thuốc lá sẽ phát sinh trong tương lai.
Bà Lan nhấn mạnh, đúng là sau 10 năm Luật này được thông qua, các sản phẩm thuốc lá đã phát triển dưới rất nhiều hình thức, gọi là "TLTHM". Cho nên, nếu nói về căn cứ pháp lý thì Luật PCTHTL đã thể hiện đầy đủ. Vì vậy nếu sản phẩm TLTHM chưa được định danh về mặt văn bản, thì cần mạnh dạn bổ sung vào Luật hiện hành.
Ý kiến này cũng đã từng được ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đề cập. Theo ông Hải, thực chất TLĐT hay TLLN cũng là hình thức khác đưa nicotine vào cơ thể. Do đó, nếu TLĐT hay TLLN được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá thì sẽ phải chịu sự điều chỉnh của Luật PCTHTL. Trên cơ sở đó, ông Hải khẳng định không có rào cản pháp lý đối với việc đưa những sản phẩm này vào quản lý theo luật hiện hành, bao gồm Luật Đầu tư (quy định thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện) và Luật PCTHTL. "So với các nước, luật pháp Việt Nam về thuốc lá đã có đầy đủ. Cơ quan chức năng cần sớm đưa các sản phẩm TLTHM vào quản lý để góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ hiện nay, cũng như có cơ sở để cấm các sản phẩm ma túy 'núp bóng' TLTHM", ông Hải nêu ý kiến.
Ngày càng có nhiều nước dùng TLTHM để cai thuốc lá điếu
Ngày càng có nhiều nước thành viên của WHO sử dụng TLTHM như là công cụ cai thuốc lá điếu theo chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện của quốc gia. Cụ thể tại COP9, phái đoàn chính phủ Anh tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi những người hút thuốc sang các sản phẩm ít gây hại hơn, chẳng hạn như liệu pháp thay thế nicotine (NRT) và TLTHM được hợp pháp hóa dưới luật". Kiên định với kế hoạch dùng TLĐT làm công cụ giảm tác hại thuốc lá, năm 2023 chính phủ nước này đã chi ngân sách quốc gia để cung cấp TLĐT miễn phí nhằm giúp người hút thuốc lá điếu chuyển đổi sang giải pháp giảm tác hại này.
Song song đó, Bộ Y tế New Zealand (NZ) khẳng định: "Chúng tôi ghi nhận TLĐT hiện đang được người dùng sử dụng như một công cụ cai thuốc lá. Điều này cho phép chúng tôi thúc đẩy các hoạt động tiếp theo nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu". Hiện tại, chính phủ nước này dự kiến sẽ cấm thế hệ trẻ sử dụng thuốc lá điếu trọn đời, nhưng vẫn cho phép sử dụng TLTHM. Bộ Y tế NZ nhấn mạnh, TLTHM có khả năng đóng góp vào mục tiêu giúp NZ trở thành quốc gia không khói thuốc năm 2025.
Trở lại với tình hình kiểm soát TLTHM tại Việt Nam cũng như tầm quan trọng của kỳ họp COP10 sắp tới, ông Ngô Khải Hoàn cho biết: "COP10 là sự kiện quan trọng, do đó việc thống nhất ý kiến trước COP10 là cần thiết về tiếng nói chung, sự thống nhất giữa các bên liên quan đến việc xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm TLTHM cụ thể".
Để kiện toàn hình thức và chính sách quản lý đối với TLTHM, năm 2022, Bộ Công thương đã nghiên cứu, phân tích cụ thể, dựa vào khái niệm thuốc lá trong luật PCTHTL hiện hành và các tài liệu của WHO, từ đó đề xuất sửa đổi Nghị định 67 kinh doanh thuốc lá có bao hàm định nghĩa TLTHM là thuốc lá. Vừa qua Bộ Công thương đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của các bộ liên quan, gồm Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính đối với dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 67. Theo kế hoạch, Bộ Công thương sẽ trình đề xuất cuối cùng trong quý 2/2023 để Chính phủ xem xét, ban hành.
Bình luận (0)