Trịnh Công Sơn 'xuất hiện' trong Đêm văn học ở Thụy Sĩ

26/02/2018 06:52 GMT+7

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông được đưa vào bài viết dự thi sáng tác văn học hằng năm của Trường trung học Kantonsschule Stadelhofen, Zurich, Thụy Sĩ.

Tác giả bài viết đặc biệt này là cô bé gốc Việt 16 tuổi Tereza Liên Hoa Trần, sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ. Trong gia đình, Tereza học tiếng Việt qua người VN duy nhất là cha em, anh Trần Công Minh, một người bạn vong niên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh Minh cho biết nhạc Trịnh không chỉ hiện hữu trong cuộc sống của anh từ thời “còn rong ruổi với anh Sơn ở Sài Gòn”, mà còn không thể thiếu với anh khi định cư ở nước ngoài. Chính vì vậy mà cô con gái Tereza chia sẻ lý do mình “viết về bác Trịnh Công Sơn” khá ngắn gọn: “Chắc là do con được thẩm thấu âm nhạc Trịnh Công Sơn từ hồi rất sớm, ngay khi còn trong bụng mẹ”, trong buổi gặp gỡ gia đình anh Minh nhân dịp về VN cuối tuần qua.
Bằng tiếng Việt chưa rõ lời, Tereza nói rằng em “đặc biệt thích nghe những bài có câu hát như Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi…”. Có lẽ sự quan tâm này lý giải cho quyết định chọn viết bài Từ bỏ mà Tereza tham dự cuộc thi sáng tác năm 2017 của trường em, với chủ đề về Sự can đảm. Bài viết được giữ nguyên nội dung (không hề bị cắt sửa) để in làm tư liệu nội bộ của trường, và được chọn giới thiệu trong Đêm văn học của trường cuối năm ngoái.
“Hiroshima và Nagasaki! Cơn ác mộng kinh hoàng trong trái tim nhân loại... Một vết thương miên viễn giữa linh hồn đất nước Phù Tang.
Nhạc khúc Ngủ đi con đã được lựa chọn để tưởng niệm những nạn nhân chiến tranh nguyên tử. Mà tác giả, là một người VN. Một giáo sư trung học, một nhạc sĩ, nhà thơ, triết gia và nhà báo, họa sĩ…
Tổng thống Obama cũng sử dụng một số ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài diễn thuyết của mình tại VN nhằm xoa dịu vết thương chiến tranh…
Tuy chữ nghĩa tiếng Việt mù mờ, Joan Baez đã “mệnh danh” người nhạc sĩ ấy như một “Bob Dylan của VN”.
Vậy “hiện tượng Việt Nam” này là ai?”.
Trong bài viết súc tích của mình, Tereza đã chọn những tư liệu đắt giá mà em tìm hiểu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để diễn đạt cho sự “từ bỏ”. Chẳng hạn như câu chuyện vào dịp tết, khi trẻ nhỏ thường chỉ thích ăn uống vui chơi thì một cậu bé 9 tuổi đã tự nguyện vào nhà lao Thừa Phủ, Huế, nơi giam giữ tù nhân chính trị, để chăm sóc người cha lâm trọng bệnh. Để rồi nhiều năm sau, “trên chiếc cầu sinh tử, chú bé ngày xưa bỗng vùi đầu vào văn chương và triết học phương Tây, và cây guitar trở thành bạn đồng hành trong cơn cô quạnh… Khát vọng tự do và giấc mộng hòa bình. Đất nước thiêng liêng cùng với tình yêu muôn thuở. Những nụ cười trẻ thơ khi nối vòng tay lớn... Tất cả, đã được viết trên đỉnh cao của ngôn ngữ thi ca mà cái giá phải trả đó là: sự từ bỏ! Từ bỏ tất cả những gì mà hàng triệu triệu người của đời thường mơ ước, từ bỏ sự an nguy của chính bản thân, từ bỏ danh vọng, tiền tài... và hạnh phúc lứa đôi êm ấm”.
Theo cách nhìn của cô bé, “một cây bút, một cuốn sổ ghi nhạc, một cây đàn guitar cũ kỹ, đó là toàn bộ tài sản và cũng là vũ khí duy nhất của kẻ dấn thân”. Tereza đúc kết từ “những điều trông thấy” qua sử sách lẫn hiện thực và dừng bài viết bằng quyết tâm: “Đã đến lúc cháu tập và hát một ca khúc của bác!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.