Trình diễn ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho ngành công nghiệp tại VIMF 2024

20/06/2024 19:59 GMT+7

Cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đã có dịp chứng kiến nhiều công nghệ tiên tiến được trình diễn tại Triển lãm Công nghiệp và Sản xuất Việt Nam (VIMF) 2024, diễn ra tại WTC Expo (Bình Dương) từ ngày 19 - 21.6.2024.

Đây là triển lãm công nghiệp quốc tế được tổ chức nhằm kết nối các nhà cung cấp máy móc, phụ tùng, thiết bị, công nghệ và giải pháp quy trình với các nhà sản xuất trong ngành ô tô, điện tử, máy móc, dệt may, giày da thực phẩm và đồ uống và các ngành công nghệ cao.

Tại VIMF 2024, các tập đoàn công nghệ toàn cầu đã giới thiệu nhiều sản phẩm và giải pháp tiên tiến, hiện đại được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp các doanh nghiệp tại Việt nam có thể tăng tốc hành trình chuyển đổi số, nâng cao lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Trình diễn ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho ngành công nghiệp tại VIMF 2024- Ảnh 1.

Rô bốt ROBITSI - Delta Picker được giới thiệu tại VIMF 2024

Trong số các giải pháp được giới thiệu có ROBITSI – Delta Picker. Được phát triển bởi nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) trong nước là Idea Tech, ROBITSI là rô bốt delta có thể gắp và thả sản phẩm từ băng chuyền này sang băng chuyền khác với tốc độ nhanh và hiệu quả cao. Rô bốt này ứng dụng các công nghệ của Siemens như hệ thống tự động hoá tích hợp hoàn toàn (TIA Portal) tích hợp bộ điều khiển logic khả trình (PLC), bộ điều khiển chuyển động nâng cao, điện toán biên công nghiệp và giải pháp điều khiển rô bốt. Giải pháp này được xây dựng để cách mạng hóa cách các OEM thiết kế quy trình cho máy móc của họ, tối ưu hóa sản xuất và đẩy nhanh thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Đáng chú ý là giải pháp vận hành ảo - kết hợp thế giới thực và thế giới số - dẫn đến việc thử nghiệm vận hành máy diễn ra nhanh hơn, giảm chi phí và giảm rủi ro. Sự kết hợp này cho phép các kỹ sư tạo ra một bản sao số của máy móc vật lý để có thể tiến hành chạy thử nghiệm ảo đồng thời tối ưu hóa hệ thống trước khi triển khai ra thực tế, nhờ đó rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng và tính an toàn.

Bên cạnh đó, giải pháp Industrial Anomaly Detection được hỗ trợ bởi công nghệ AI của Siemens mang lại sự minh bạch về tài sản và dữ liệu được trao đổi trong các mạng truyền thông công nghiệp, đồng thời tăng cường bảo mật bằng cách chủ động xác định các điểm bất thường và mối đe dọa trên hệ thống.

Giám đốc Ban Công Nghiệp Số của công ty Siemens Việt Nam, ông Trần Thế Hiển cho biết, trong ngành thực phẩm và đồ uống, Siemens đang cách mạng hóa hoạt động sản xuất bằng các giải pháp số hóa và tự động hóa. Những đổi mới sáng tạo này đang mở đường cho phát triển bền vững và thành công lớn hơn trong kinh doanh. Chúng cho phép các ngành công nghiệp đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu của từng khách hàng mà không ảnh hưởng đến chất lượng, một yếu tố quan trọng trong một thị trường cạnh tranh như Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.