Không bao giờ nghĩ đến chuyện đóng cửa sân khấu
* Xin chào NSƯT Trịnh Kim Chi! Nhìn lại năm 2020, chị cảm thấy mình đã trải qua một năm như thế nào?
- NSƯT Trịnh Kim Chi: Cuộc sống của tôi tạm ổn nhưng sân khấu có chút khó khăn vì dịch covid-19. Tôi hơi tiếc khi có nhiều dự định nhưng không thực hiện được. Mình cảm thấy những gì dự tính không thành được và không như ý muốn nên cũng có chút buồn. Tôi thấy tiếc thời gian cũng như công sức của mọi người. Mỗi khi có dịch, nghệ sĩ gần như thất nghiệp vì không làm gì được. Khi dịch đi qua, mọi người vừa rục rịch chuẩn bị đi diễn thì lại ngưng. Qua mùa dịch đầu tiên, tôi phục hồi lại được và dựng thêm được vở kịch mới. Khi vừa thi ở Hà Nội về, chuẩn bị công diễn cho khán giả thì lần thứ 2 lại xuất hiện dịch. Tôi cứ tính ra mắt vở thì dịch lại tới, nhưng ít ra vẫn may mắn khi dựng được một tác phẩm mới. Tôi hi vọng khi dịch Covid-19 được khống chế, mình sẽ có thời gian để làm lại một số vở và công diễn đến khán giả.
* Gắn bó với sân khấu nhiều năm, Trịnh Kim Chi có trăn trở trước sự thoái trào của tình hình sân khấu hiện tại?
- Tôi thấy những đơn vị sân khấu xã hội hóa cực kỳ khó khăn, nhất là trong giai đoạn này. Sân khấu của tôi ra đời được 5 năm, trong khoảng thời gian đó, cũng có lúc vui, lúc buồn này kia. Với những sân khấu xã hội hóa, chúng tôi tự diễn, tự thu chi và tự bù lỗ… Tôi thương những nhà quản lý các sân khấu đó vì đều là những người trong nghề, không phải là dân kinh doanh nhưng chấp nhận dấn thân vào kinh doanh sân khấu. Họ kinh doanh không phải vì lợi nhuận mà vì đam mê, vì lòng yêu nghề đối với sân khấu. Chắc chắn ai cũng có niềm tin và hi vọng sân khấu sẽ quay trở lại thời hoàng kim. Khi có sân khấu xã hội hóa, ai cũng sẽ tự nghĩ rằng nghĩa vụ của mình là phải làm sao để sân khấu phát triển. Khi đưa những tác phẩm đến với khán giả, khi nghe người ta nói nhiều đến sân khấu xã hội hóa, mình cũng tự hào chứ. Cứ thế, những động lực đó để những người quản lý sân khấu như tôi có niềm tin tiếp tục duy trì sân khấu.
|
* Nhưng khi một mình tự thân vận động sân khấu, chị có thấy thiệt thòi hay tủi thân không?
- Đương nhiên cũng có những lúc mình thấy tủi thân chứ. Ví dụ nếu là đơn vị sân khấu của nhà nước, mình được hỗ trợ và yên tâm hơn để làm nghề. Còn đằng này, mình vừa phải làm nghệ thuật, vừa phải tính toán để duy trì sân khấu. Nếu muốn duy trì thì phải bù lỗ, nhưng bù mãi cũng hết tiền thì sân khấu sẽ đóng cửa. Nhưng không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện sân khấu của mình sẽ đóng cửa. Tôi cứ phải cố gắng hoài như thế, chấp nhận thua lỗ. Dĩ nhiên như mọi năm, mùa lễ tết sân khấu sẽ có nguồn thu, rồi từ đó trang trải những tháng khác. Có những sân khấu mở các lò đào tạo để trang trải, duy trì sân khấu không bị lỗ. Với sân khấu của mình, tôi thường đi bán vé cho các công ty, bán vé theo diện khuyến mãi… để kéo khán giả đến với sân khấu, làm sao trong đêm đó có đủ tiền trang trải điện nước, mặt bằng, tiền diễn viên. Bên cạnh đó, các anh em nghệ sĩ ai cũng hiểu và thông cảm cho các “ông bầu, bà bầu”. Khi tôi mở sân khấu, các diễn viên khi về đầu quân cũng rất ủng hộ, thông cảm cho mình nhiều lắm. Họ biết được ngày hôm đó mình thua hay thắng và chia sẻ với mình. Đó cũng là một trong những động lực để tôi tự tin hơn, cố gắng hơn để duy trì sân khấu.
* Chị có bao giờ phải cần đến sự hỗ trợ về tài chính của ông xã để bù lỗ sân khấu không?
- Cũng đôi khi nhưng tôi nghĩ không nên nhiều quá. Cứ ngửa tay xin chồng bù lỗ hoài thì sẽ rất kỳ. Khi mở sân khấu ra, chính ông xã đã nói tôi cứ suy nghĩ cho thật kỹ, phải chuẩn bị tinh thần trước. Anh ấy định hướng cho tôi biết những năm đầu mình phải chấp nhận lỗ, tính đường thực tế nhất, rồi từng năm sẽ như thế nào. Trước khi mở sân khấu, tôi cũng có bàn với ông xã. Tháng nào lỗ quá, ảnh cũng hỗ trợ giúp. Nhưng tôi không thể cứ dựa vào kinh tế của chồng để bù lỗ cho sân khấu. Tôi cũng phải tìm những đường khác, miễn chu toàn mọi thứ và không phiền nhiều đến người khác. Ở sân khấu của mình, tôi có mở những lớp dạy kỹ thuật biểu diễn, cứ bù qua xớt lại. Nó cũng là nguồn diễn viên cho sân khấu đa dạng, đông đúc hơn. Khi duy trì sân khấu, tôi cũng có đầu ra cho những bạn sinh viên vào học trong các lớp của mình. Tất cả mọi thứ đều phải tính toán.
* Có phải Trịnh Kim Chi duy trì sân khấu nhiều năm để phấn đấu lên danh hiệu NSND?
- Danh hiệu NSND là cái duyên, nhiều người bỏ tiền làm vở này, vở kia nhưng đâu phải lúc nào cũng được. Tôi nghĩ không phải cứ có sân khấu là được trao danh hiệu NSƯT, NSND. Quy trình xét NSƯT, NSND không phải vì huy chương, kinh tế hay vì sân khấu mang tên mình. Họ xét trên nhiều khía cạnh, về nghề, đạo đức, tác phong, sự cống hiến với xã hội… Đừng hiểu lầm ai có sân khấu là sẽ lên được NSƯT hay NSND. Là diễn viên, dĩ nhiên khi tham gia bất cứ tác phẩm nào cũng sẽ cảm thấy vui. Nếu đó là tác phẩm của mình và được công nhận thì người ta sẽ càng vui hơn. Với tôi cũng vậy thôi, khi mang tác phẩm của sân khấu đi thi, được huy chương thì đó là điều hạnh phúc. Đó cũng là một trong những động lực để tôi duy trì sân khấu của mình.
|
* Nhưng bản thân chị có mong ước cống hiến để đạt được danh hiệu NSND không?
- Cái mình muốn đạt tới là tài năng của mình như thế nào thì mới được công nhận. Còn nếu như tài năng của mình không đến đó mà được công nhận thì sẽ bị nhiều người bàn tán. Điều đó không vẻ vang gì để mình bằng mọi giá phải đạt được. Bất cứ một người nghệ sĩ nào được vinh danh thì đều vui cả. Khi được danh hiệu NSƯT, tôi vui lắm chứ, vì những cống hiến của mình được công nhận. Mình cảm thấy được danh hiệu đó là xứng đáng. Danh hiệu là sự khích lệ để mình cống hiến nhiều hơn trong chặng đường hoạt động nghệ thuật. Ví dụ nếu bây giờ tôi được NSND là điều quá hạnh phúc. Nhưng lỡ nếu tôi đã đủ tiêu chuẩn để xét nhưng vẫn không xét được thì tôi cũng không vì chuyện đó mà buồn. Tôi vẫn sẽ cống hiến, vẫn sẽ tiếp tục phục vụ khán giả.
Lúc nào cũng đặt ông xã hơn mình
* Chị cân bằng giữa hoạt động nghệ thuật và gia đình như thế nào?
- Tôi may mắn khi có gia đình rất ủng hộ mính hoạt động nghệ thuật cũng như công tác điều hành sân khấu. Đương nhiên mình cũng không thể ỷ y vào sự thông cảm đó mà vẫn cố gắng chu toàn tất cả mọi thứ. Tôi không bị ông xã cằn nhằn hay giận dỗi gì vấn đề này. Trước kia tôi có thể nhận một lúc 2, 3 phim, chạy đầu này đầu kia. Nhưng khi có gia đình, có con thì mình giảm bớt xuống. Trong một năm tôi chỉ đi 1, 2 phim thôi, thời gian còn lại thì dành cho gia đình. Tôi cũng không nhận những phim đi xa nhiều ngày được mà chỉ nhận phim quay ở Sài Gòn. May mắn là các anh chị đạo diễn cũng hiểu được cuộc sống của mình nên rất thông cảm. Còn khi đã nhận vai, tôi sẽ phải tính toán để chu toàn tất cả mọi thứ. Hoạt động ở sân khấu cũng vậy, tôi đều tranh thủ, sắp xếp thời gian hợp lý nhất để còn dành cho gia đình.
* Chị cảm nhận cuộc sống hôn nhân của mình sau gần 20 năm qua như thế nào?
- Tôi hạnh phúc với cuộc hôn nhân của mình, may mắn khi có ông xã rất thương vợ, thương con. Anh ấy là người của công việc nhưng cũng là người của gia đình. Anh ấy rất chu đáo mọi thứ, biết nghĩ cho vợ con. Chúng tôi có sự tương tác qua lại nên vợ chồng cũng rất hiểu nhau, thông cảm cho nhau. Tôi cảm thấy mình may mắn khi có được người chồng như thế, các con cũng rất ngoan ngoãn. Ông xã tôi là người tinh tế và tâm lý. Mỗi khi đi ngang một shop đồ hiệu, chỉ cần tôi nhìn là anh ấy biết tôi thích gì trong đó. Anh ấy hiểu vợ, có thể đọc được những suy nghĩ, tâm tư của mình. Chỉ cần biểu hiện của tôi thôi anh cũng biết tôi đang vui hay buồn.
|
* Bí quyết nào để ông xã luôn yêu chiều chị dù kết hôn hơn 20 năm qua?
- Tôi lúc nào cũng coi ông xã hơn mình, lúc nào cũng để anh đứng cao hơn, đứng trước. Với tôi, người chồng luôn là trụ cột. Trong cuộc sống, tôi có thể tự quyết định mọi thứ nhưng tôi đều hỏi qua ý kiến của anh ấy. Tôi thích chia sẻ với chồng, hỏi ý kiến trước dù biết trước anh ấy sẽ trả lời đúng ý mình. Dù tôi có tự quyết định thì anh ấy cũng không có ý kiến gì nhưng tôi vẫn xin ý kiến. Đó là cái mình thể hiện sự tôn trọng dành cho ông xã. Tôi dành sự yêu thương, chăm sóc ông xã không kém gì anh ấy dành cho mình. Chúng tôi có sự tin tưởng, yêu thương dành cho nhau nên luôn sống hạnh phúc. Với những gì ông xã đã làm cho mình, tôi đều đáp lại trọn vẹn như thế.
* Dù hạnh phúc như thế những chắc chắn cặp vợ chồng nào cũng sẽ có những lúc mâu thuẫn hay tranh trãi. Chị và ông xã giải quyết những tình huống đó như thế nào?
- Gia đình chúng tôi hầu như không bao giờ cãi nhau lớn tiếng, quát tháo ầm ĩ mà chỉ hơi cáu gắt thôi. Nếu có chuyện gì thì vợ chồng cùng ngồi lại để nói chuyện với nhau. Thường thì tôi sẽ im lặng khi anh ấy giận và anh sẽ im khi tôi nóng tính. Đợi khi nào cả hai nguôi giận, bình tĩnh hơn thì sẽ ngồi lại nói chuyện. Con gái tôi bảo hình như con không bao giờ thấy ba mẹ cãi nhau, bạn con kể ba mẹ bạn cãi nhau hoài. Nhưng tôi bảo ba mẹ cãi nhau đâu thể để con biết được. Mình phải tế nhị, nói chuyện với nhau nhẹ nhàng. Nếu người kia nóng thì mình nhường một tí. Chúng tôi đều nghĩ rằng khi mình hơn vợ hoặc chồng mình thì cũng vậy thôi, đôi co để làm gì. Chính vì thế, chúng tôi không bao giờ cố tranh cãi để thắng đối phương, rồi làm tổn thương nhau.
|
* Con gái có ngoại hình lại học giỏi, chị có muốn tương lai bé sẽ theo nghề của mẹ không?
- Ngay từ đầu tôi không muốn con gái theo nghề. Từng có thời gian bé thích sân khấu, nhưng tôi không khuyến khích. Mỗi khi nói chuyện tôi đều bàn ra, còn nếu bé thích quá thì mình không cấm. Tôi hướng con vào ngành nghề khác chứ không muốn bé đi theo nghệ thuật. Tôi thấy nghề này vất vả quá, dù tôi mê nghề, miệt mài với nó nhưng không muốn con bước vào con đường này. Chắc có lẽ tôi thấy mình quá vất vả. Nghề này tính đào thải cũng lớn lắm, mỗi khi nhận học trò, từ ngày đầu tiên tôi đã làm công tác tư tưởng. Tôi bảo các bạn phải xác định nếu thật sự có đam mê, có năng khiếu và may mắn thì hãy theo nghề. Đừng bỏ ra mấy năm đi học, tốn thời gian, tiền bạc rồi lúc ra lại không có công việc, rồi bỏ nghề. Với học trò tôi đã chia sẻ nhiều như thế nên con gái mình cũng vậy, tôi không muốn bé theo nghề. Khi tôi nói nhiều quá, đến giờ bé cũng thấy có lý nên không muốn nữa. Tôi không hề cấm đâu, khi hè tôi vẫn cho bé lên sân khấu diễn vai quần chúng, nhưng chỉ là dạo chơi thôi. Tôi muốn con có kỹ năng thôi chứ theo nghề thì không muốn.
* Kế hoạch đón tết của chị năm 2021 như thế nào?
- Những ngày gần đây, tôi bận rộn tham gia chương trình từ thiện nên cũng chưa chuẩn bị được gì. Vừa qua, tôi cũng đã cùng các mạnh thường quân tu bổ lại viện dưỡng lão nghệ sĩ để những nghệ sĩ ở đây được đón cái tết ấm áp hơn. Còn về gia đình, tôi cũng cố gắng chu toàn mọi thứ, trang hoàng nhà cửa để đón năm mới. Năm nay tôi cũng đã gói bánh chưng để gửi tặng người thân. Gần 30 năm nay, tôi vẫn duy trì thói quen này để có không khí tết. Vì tình hình dịch như vậy nên mình cũng cố gắng trang hoàng nhà cửa, tạo không khí đầm ấm trong gia đình.
* Chị có gửi lời chúc đến độc giả của Thanh Niên nhân dịp năm mới 2021?
- Trong năm mới, Trịnh Kim Chi cầu chúc cho mọi người có thật nhiều sức khỏe. Mọi người có sức khỏe thì sẽ làm được nhiều việc, dự định trong năm mới. Chúc cho chúng ta sẽ chiến thắng dịch Covid-19 để cuộc sống trở lại bình thường. Chúc mọi người đón năm mới an khang, hạnh phúc.
* Xin cảm ơn NSƯT Trịnh Kim Chi về những chia sẻ!
Bình luận (0)