Chiều nay 14.4, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tháng 5 tới.
Báo cáo tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án dự kiến trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư là dự án quan trọng quốc gia do chuyển đổi mục đích sử dụng 75,58 ha đất rừng, trong đó có 59,95 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cần xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng.
Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm đầu giao với QL27C tại Km16+900 thuộc địa phận xã Sông Cầu (H.Khánh Vĩnh); điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT.656 nối vào đường tỉnh ĐT.707, thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Về quy mô, dự án có chiều dài khoảng 56,9 km đường cấp 3 miền núi (mặt đường rộng 6 m, 2 làn, không có dải phân cách, tốc độ thiết kế 60 km/giờ). Trong đó, đoạn nâng cấp mở rộng đường hiện trạng dài 19,74 km, mở mới 37,16 km.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.929,882 tỉ đồng. Trong đó, bao gồm: chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 101,97 tỉ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 1.464,318 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 95,181 tỉ đồng; chi phí dự phòng 249,52 tỉ đồng; chi phí trồng rừng thay thế là 18,893 tỉ đồng.
Về nguồn vốn cho dự án, ngân sách T.Ư 1.000 tỉ đồng, nguồn vốn địa phương 930 tỉ đồng (giai đoạn 2021 - 2025: 121,994 tỉ đồng; giai đoạn 2026 - 2030: 808,006 tỉ đồng). Dự án được thực hiện từ 2022 - 2027.
Ông Dũng cũng cho hay, Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế đặc biệt cho dự án. Cụ thể là giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện dự án theo trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý.
Thời gian thực hiện đến 2027 là chưa phù hợp
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, thường trực ủy ban này cho rằng, thời gian thực hiện dự án đến năm 2027 là chưa phù hợp, có thể rút ngắn nếu dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5 nên đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ để rút ngắn thời gian, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài.
Về nguồn vốn, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường cho rằng khả thi, song thực tế cho thấy, một số địa phương khi trình xin chủ trương dự án thì cam kết bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, sau đó lại báo cáo khó khăn, xin vốn từ T.Ư.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm và chế tài xử lý trong việc bố trí nguồn lực cho dự án ngay trong nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương dự án.
Về hướng tuyến, theo báo cáo tiền khả thi có 3 phương án. Cơ quan thẩm tra đề nghị lựa chọn phương án 2 có tổng chiều dài toàn bộ tuyến là 56,9 km, không cắt qua vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, đoạn đi qua núi và đi qua diện tích rừng tự nhiên khoảng 30,25 km.
Về cơ chế đặc biệt áp dụng cho dự án mà Chính phủ đề xuất, ông Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội tán thành vì dù dự án có diện tích rừng cần chuyển đổi lớn hơn 50 ha nên phải được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, dự án chỉ thuộc nhóm A về đầu tư công, quy mô về vốn đầu tư không lớn, thuộc loại công trình giao thông cấp 3, mức độ thi công không phức tạp. Do đó, nếu áp dụng các quy định đối với dự án có tiêu chí quan trọng quốc gia sẽ mất nhiều thời gian, lãng phí nguồn lực.
Cùng với đó, việc áp dụng cơ chế đặc biệt cũng đã được Quốc hội áp dụng với một số dự án. Tỉnh Khánh Hòa cũng có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô, tiêu chuẩn tương tự hoặc lớn hơn.
Cơ quan thẩm tra đề nghị khi có các nội dung điều chỉnh, thay đổi so với chủ trương đã được Quốc hội thông qua sẽ phải thực hiện lại đầy đủ các quy trình, thủ tục để Quốc hội xem xét, quyết định.
Bình luận (0)