Trong phiên tòa ngày 9.4 do TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án sản xuất, buôn bán xăng giả, Trịnh Sướng khai pha trộn xăng giả theo tỷ lệ 60% dung môi và 40% là xăng nền, hóa chất, phụ màu mua ở chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM). Cơ quan tố tụng sẽ làm rõ lời khai này, nhưng qua đó một lần nữa cho thấy câu chuyện buông lỏng quản lý hóa chất ở chợ Kim Biên chưa bao giờ hết nhức nhối.
Báo chí từng đưa tin vụ việc, để đánh ghen, dằn mặt hay trả thù, người ta ra chợ Kim Biên mua a xít; để thực phẩm bắt mắt, người ta cũng ra chợ Kim Biên mua hương liệu tẩm ướp không rõ nguồn gốc xuất xứ… Ngay cả xăng dầu, vốn là một sản phẩm đặc thù, đại gia Trịnh Sướng cũng có thể tìm mua dung môi về để pha trộn. Đáng chú ý, những hóa chất này được bày bán công khai giữa thanh thiên bạch nhật như thách thức vai trò quản lý của chính quyền địa phương và sở chuyên ngành.
Bao nhiêu vụ tạt a xít khiến nạn nhân tử vong, hoặc sống trong nỗi ám ảnh với gương mặt, thân thể biến dạng? Hằng ngày, biết bao hóa chất độc hại từ ngôi chợ này đi thẳng vào dạ dày người tiêu dùng, âm ỉ tích tụ chờ ngày phát bệnh?... Không phải ngẫu nhiên mà chợ Kim Biên còn được gọi là “chợ tử thần”.
Điều đáng nói, câu chuyện quản lý hóa chất ở “chợ tử thần” được các đại biểu HĐND TP.HCM thảo luận, chuyên gia cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn không có chuyển biến. Phương án di dời chợ Kim Biên khỏi nội thành được UBND TP.HCM có chủ trương từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Cách đây 5 năm, lãnh đạo UBND TP.HCM từng yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự, đối với hành vi kinh doanh hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chỉ có mạnh tay như vậy, may ra cuộc sống người dân mới yên bình. Thế nhưng, sự yên bình đó chỉ đến từ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành.
Khi nào thì Chợ Kim Biên không còn là “chợ tử thần”?
Bình luận (0)