Theo báo cáo, Hội đồng thẩm định liên ngành cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sau khi giải trình, bổ sung đã được UBND TP.HCM hoàn thiện đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của hội đồng.
Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và các tài liệu liên quan đã được giải trình, làm rõ, hoàn thiện theo kết quả thẩm định của hội đồng và đảm bảo đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Kết quả phiếu xin ý kiến thành viên hội đồng về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đến 17.7 có 11/13 thành viên hội đồng đồng ý thông qua (chiếm tỷ lệ 84,6%). Trong đó, có 7 thành viên đồng ý thông qua không có ý kiến khác, 4 thành viên đồng ý thông qua và có ý kiến bổ sung, 2 thành viên thuộc Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT chưa có ý kiến.
Trước đó, theo tờ trình của UBND TP.HCM, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TP. HCM thuộc H.Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối kết nối vào QL22 (tại km53+850) thuộc H.Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tổng chiều dài tuyến thuộc dự án khoảng 51 km, trong đó đoạn qua TP.HCM khoảng 24,7 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3 km.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có quy mô 6 làn xe cao tốc. Giai đoạn 1 của dự án, tuyến đường có quy mô 4 làn xe cao tốc, chiều rộng nền đường 25,5 m; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến.
Tuyến bắt đầu từ đường Vành đai 3 TP.HCM, đi gần song song với đường Xuyên Á (QL22) và cách QL22 về phía bên phải khoảng 2 - 4 km.
Trạm dừng nghỉ hai bên tuyến dự kiến tại khu vực TX.Trảng Bàng, Tây Ninh. Trong dự án xây dựng đường cao tốc chỉ dự kiến vị trí và bố trí chi phí giải phóng mặt bằng. Chi phí xây dựng và vận hành khai thác trạm phục vụ sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 409,3 ha; số hộ bị ảnh hưởng khoảng 566 hộ. Giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 sẽ thực hiện một lần, theo quy mô 6 làn xe cao tốc.
Tổng mức đầu tư sơ bộ 19.617 tỉ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị là 9.273 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác (đã bao gồm chi phí chuẩn bị dự án khoảng 45 tỉ đồng) là 695 tỉ đồng.
Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật (đã bao gồm chi phí dự phòng) là 6.774 tỉ đồng; chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị và trượt giá là 1.594 tỉ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng là 1.281 tỉ đồng.
Trong đó, vốn Nhà nước tham gia 9.674 tỉ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư; vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP là 9.943 tỉ đồng, chiếm 50,69%.
Bình luận (0)