Trình Thủ tướng đề án phát triển giá trị đa dụng của rừng trong quý 3

29/07/2023 14:38 GMT+7

Xây dựng dự thảo Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái (HST) rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang ở giai đoạn cuối, chuẩn bị lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 3 tới.

Chỉ 100 loài dược liệu được đưa vào kinh doanh

Phát biểu tại Tọa đàm về bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế vùng đệm các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 29.7, tại Nghệ An, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho biết Việt Nam có hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, đa dạng với diện tích 14,74 triệu ha (trong đó, rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha, rừng sản xuất 4,57 triệu ha); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02% và có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Trình Thủ tướng đề án phát triển giá trị đa dụng của rừng trong quý 3 - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm

NT

HST rừng Việt Nam mang lại những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nhờ cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến xuất khẩu gỗ (năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt tới 17 tỉ USD, cả nước hiện có 16.000 cơ sở chế biến gỗ; 300 làng nghề gỗ); cung cấp lâm sản ngoài gỗ, là tiềm năng phát triển du lịch, thu dịch vụ môi trường rừng, hấp thụ và lưu giữ carbon rừng…

Tuy nhiên, ông Bảo cũng đề cập tới khía cạnh việc phát huy các giá trị sinh thái của rừng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung, năng suất, chất lượng gỗ chưa cao; việc tổ chức sản xuất theo chuỗi còn khó khăn; chưa có quy định về sở hữu, đo đếm carbon rừng; mức thu dịch vụ môi trường rừng còn chưa tương xứng với giá trị mang lại…

Xung quanh câu chuyện phát triển kinh tế rừng, ông Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường đại học Lâm nghiệp, cho rằng ở góc độ đa dạng sinh học, thế giới nhìn nhận Việt Nam quá dư thừa đa dạng sinh học của các giống loài. Tuy nhiên, hiện nay dược liệu chỉ xấp xỉ 100 loài đưa vào kinh doanh, biến thành tiền được; hơn 8.000 loài có giá trị khác được đưa vào canh tác dưới tán rừng theo kiểu truyền thống, tuy nhiên để chuyển đổi kinh doanh, biến thành tiền thì chưa làm được.

Ông Điển phân tích, trong kinh tế dưới tán rừng có nhiều thứ, riêng về dược liệu, theo Quyết định 1976 của Chính phủ, Thủ tướng phân công Bộ NN-PTNT chỉ phụ trách vấn đề khoa học công nghệ của giống dược liệu, sau đó hướng dẫn trồng; còn toàn bộ phần phát triển dược liệu, ở cả giai đoạn cây dược liệu là giao cho Bộ Y tế.

"Dược liệu là ngành hàng rất quý. Kiến nghị thời gian tới Bộ NN-PTNT được giao làm toàn bộ từ phần giống đến trồng cây dược liệu, còn phần định hướng dược tính thì giao cho Bộ Y tế. Để tránh tình trạng vênh nhau, gián đoạn chuỗi nên thành lập ban điều phối ngành dược liệu để kết nối giữa các bộ, ngành với nhau", ông Điển nhấn mạnh.

Liên quan tới phát triển dược liệu dưới tán rừng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ thêm: "Tôi ước ao dược liệu phải trở thành một ngành hàng, ngành kinh tế dược liệu. Thủ tướng giao quản lý dược liệu cho Bộ Y tế, có vấn đề hơi lúng túng, nhưng xuất phát từ trách nhiệm với bà con, mình vẫn đề xuất điều chỉnh".

Tập trung phát triển rừng gỗ lớn, dược liệu dưới tán rừng

Về câu chuyện phát triển giá trị đa dụng của HST rừng, theo ông Bảo, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã tiến hành xây dựng dự thảo Đề án phát triển giá trị đa dụng của HST rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện nay đang ở giai đoạn cuối xây dựng đề án, chuẩn bị lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. "Dự thảo đề án sẽ được trình Thủ tướng trong quý 3 để Thủ tướng xem xét, phê duyệt trong năm 2023 làm cơ sở triển khai thực hiện", ông Bảo nói.

Trình Thủ tướng đề án phát triển giá trị đa dụng của rừng trong quý 3 - Ảnh 2.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào Thái tại điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn (Con Cuông, Nghệ An)

NT

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp chia sẻ thêm, đề án hướng tới mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của HST rừng trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống bản địa; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các dịch vụ HST, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc và người làm nghề rừng.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, giải pháp quan trọng được xác định là phát triển, nâng cao chất lượng nguồn cung nguyên liệu gỗ bền vững cho ngành công nghiệp chế biến thông qua quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; tập trung phát triển rừng gỗ lớn; thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn cung nguyên liệu gỗ bền vững cho ngành công nghiệp chế biến.

"Giúp ngành công nghiệp chế biến lâm sản chủ động, nâng cao hơn nữa nguồn nguyên liệu gỗ trong nước (hiện nay chủ động được 75,6%) cả về số lượng, chất lượng và xác định rõ xuất xứ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu, nhất là trong tình hình biến động khó lường của thị trường quốc tế hiện nay; nâng cao thu nhập người dân", ông Bảo nói.

Câu chuyện phát triển đa dạng HST rừng gần như thay đổi toàn bộ cách tiếp cận kinh tế rừng, lâm nghiệp. Cách tiếp cận trong thời gian tới để triển khai tư duy rộng về rừng, phải thay đổi tư duy quản lý sang quản trị.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp thông tin thêm, giải pháp còn là thúc đẩy phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng: phát triển vùng nguyên liệu phù hợp thế mạnh; nâng cao năng suất, chất lượng; hoàn thiện quy trình canh tác, khai thác, thu hái…

Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; phát triển dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon, giúp người dân gắn bó với rừng cũng là các giải pháp quan trọng khác được ông Bảo nhắc tới.

Riêng về vấn đề carbon, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh: "Sẽ hoàn thiện quy định về sở hữu, kỹ thuật về carbon rừng; tìm kiếm đối tác phát triển thương mại carbon rừng. Kết quả giảm phát thải tiềm năng từ carbon rừng của Việt Nam hằng năm có thể đạt khoảng 40 triệu tấn CO2, tương ứng khoảng 4.000 tỉ đồng/năm".

Kết luận tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, câu chuyện phát triển đa dạng HST rừng gần như thay đổi toàn bộ cách tiếp cận kinh tế rừng, lâm nghiệp. Cách tiếp cận trong thời gian tới để triển khai tư duy rộng về rừng, phải thay đổi tư duy quản lý sang quản trị.

"Rào cản pháp lý ít nhiều giới hạn không gian phát triển. Ngày nay, phát triển không chỉ dựa vào đơn ngành, đơn lĩnh vực mà hướng tới tích hợp đa ngành, đa chức năng để đạt tới mục tiêu đa giá trị.

Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục giao Cục Lâm nghiệp và đơn vị liên quan xây dựng, triển khai đề án; bắt đầu hành trình sửa, điều chỉnh, bổ sung các vấn đề rào cản thể chế làm giới hạn giá trị rừng đa dụng", Bộ trưởng Hoan nói.

Theo khảo sát, năm 2022, đã có 3,1 triệu lượt khách đến tham quan tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, mang lại 310 tỉ đồng. Nhiều vườn quốc gia cũng phối hợp với cộng đồng cư dân bản địa sống gần rừng xây dựng các điểm du lịch cộng đồng.

Ví dụ, Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) có 3 điểm du lịch cộng đồng tại vùng đệm, tạo việc làm cho 200 lao động, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng.

Ở Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), cộng đồng dân tộc Mường thu hút 100 - 150 người tham gia làm du lịch sinh thái với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch sinh thái cùng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) lên đến 440 - 520 người, thu nhập bình quân 12-15 triệu đồng/người/tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.