Trò bịp bùa chú ở miền Tây - Bài cuối: Đến thầy bùa còn không tin

19/11/2008 00:52 GMT+7

Cuộc sống có lắm điều ngẫu nhiên, và đôi khi lại tạo cơ hội cho một số người "chiếm đoạt" nó để củng cố lòng tin người khác, còn bản thân họ thì biết rõ hơn ai hết là có nên tin hay không.

Gặp "đạo sĩ huyền thoại"

Sắp "tẩu hỏa nhập ma" với những thầy bùa miệt xuôi, chán những câu chuyện thần thánh mờ mờ ảo ảo không căn cứ, tôi lên thẳng Núi Cấm (An Giang), nơi có một đạo sĩ mà nhiều người gọi là "đạo sĩ huyền thoại" Nguyễn Văn Y (Ba Lưới). Có nhiều giai thoại về đạo sĩ Thất Sơn này, như chuyện ông trốn nhà lên núi tu luyện và gặp được "chư tiên", chuyện ông khuất phục đôi mãng xà thân dài mấy trượng, chuyện cọp beo gặp ông phải tránh xa...

Giữa lưng chừng đỉnh Cấm Sơn, rẽ theo con đường khúc khuỷu đồi dốc chạy sâu vào rừng, tôi tiếp tục đi theo chỉ dẫn của một người dân "chừng nào hết đi được là tới nhà ổng". Trong căn nhà sàn gỗ nằm bên vách núi, ông Ba Lưới sống ở đó một mình, xung quanh là nhà của các con ông. Năm nay đã 94 tuổi, nhưng mắt ông vẫn đủ sáng để đọc báo, chân vẫn đủ vững để đi đường núi hàng cây số. Hằng ngày, ông vẫn xem mạch, hốt thuốc cho những người ở xa tìm đến. Hôm ấy, ông nói đã "bắt đầu già", không muốn khách khứa tới nhà nhiều. Nhưng từ khắp nơi, thỉnh thoảng vẫn có người lặn lội tìm đến ông để nhờ chữa bệnh. Thường những trường hợp bệnh nhẹ thì ông khuyên nên đi nơi khác, gặp người quá khó khăn thì ông không từ chối chữa trị. Lúc rảnh rỗi, ông vẫn đi bộ đến chùa Phật Lớn trên đỉnh núi, nơi ông đang giữ chức Trưởng ban quản sự chùa. Tuy ông không tham gia nhiều công việc của chùa, nhưng những người ở đây nói đóng góp của ông với nơi thờ tự này có ý nghĩa tinh thần rất lớn.

 

Ông Nguyễn Văn Y

Suốt buổi trò chuyện, ông lão có bộ râu dài óng mắt lim dim, nói giọng như mơ ngủ của người không màng thế sự. Tôi hỏi ông có bị thầy bùa tìm đến làm phiền? Ông lão ngán ngẩm "trước bùa chú chủ yếu ở thôn quê, bây giờ dân thành thị càng ngày càng lậm bùa". Lại có người luyện Thiên linh cái, luyện Ma-la-áp rồi tìm đến ông để "thử". Ông rất phiền. Thường, gặp trường hợp này thì ông đuổi khéo bằng cách chủ động hỏi với giọng của bậc tiền bối: "Ông tổ của ông dâng sắc lệnh ở đâu? Cốt con gì? Năm nào?". Ông bắt ngay "thế kẹt" của những thầy bùa. Là vì khác với đạo giáo, phần lớn các thầy bùa rất lúng túng khi hỏi đến đấng khai sáng. Chính vì thiếu đấng khai sáng nên họ thường lấy triết lý của một tôn giáo nào đó làm chỗ dựa cho mình nhưng khó qua mắt những người hiểu biết. Ông Ba Lưới nói cũng có nhiều người đến xin ông nhận làm đệ tử, ông đều từ chối vì quan niệm của ông "sinh ngưu vô sinh giác, sinh tử bất sinh tâm". Điều này ông đúc kết trong những ngày lang bạt khắp nơi, hốt thuốc chữa bệnh. Trong thời gian này ông đã quen biết rất nhiều lương y, trong đó không ít người ngoài trị bệnh còn hành nghiệp pháp sư. Trong những người bạn của mình, ông Ba Lưới kết thân với hai người ở Cà Mau là ông Ba Phải và Tư Phước. Cả hai ông này đều giỏi về y thuật và những khả năng khác. Ông Tư Phước là người học nghề từ núi Tà Lơn về, sau nhận nhiều đệ tử. Học trò ông Tư Phước cũng có nhiều người giỏi, hốt thuốc trị bệnh có tiếng ở Cà Mau. Nhưng cũng có người lạm dụng lòng tin làm bùa chú để trục lợi. Trước khi trở lại núi, ông Ba Lưới nói với ông Tư Phước rằng trong hàng đệ tử của ông ấy sẽ có người tự tử vì đã sa vào vòng cầu sắc cạnh tài.

Chuyện một thầy thuốc, cũng là pháp sư nổi tiếng ở Cà Mau tự vẫn sau đó đã nảy sinh nhiều đồn đoán một thời. Sống trên núi, ông Ba Lưới nói ông biết chuyện đó, ông biết trước nó sẽ xảy ra vì điều đó là một hệ lụy tất yếu, nhưng ông vẫn cảm thấy buồn...

Khi thầy bùa bảo "đừng tin bùa chú"

 

"Bùa yêu" của một thầy bùa ở huyện Kiên Lương, Kiên Giang

"Thầy" Sáu Ái (Kiên Giang) khi cho bùa, ông nói quyền năng của bùa phép là vô thường. Nói vậy ai hiểu sao cũng được: nó quá lợi hại hoặc nó thường xuyên không có tác dụng. Không biết trước giờ có ai được may mắn nhờ vào sức mạnh bùa chú hay chưa, nhưng hậu quả của sự không tác dụng của nó thì đã lắm người trả giá, nhiều người tin vào bùa phép nhẹ thì mất tiền, nặng thì mất mạng. Cả hai vấn đề, thầy bùa Sáu Ái nói được tất.

Tôi hỏi, nghe nói gần chỗ ông ở, người ta "chơi" bùa dữ lắm thì phải? Ông nói trước người lạ đến xứ này không dám ăn cơm, uống nước, đám tiệc cũng không dám đi vì sợ bị "thư". Ông chỉ, có ông thầy bùa Lỗ Ban bị thư bụng to đùng ra, chết còn mộ ở đây. Bản thân ông trước về đây cũng bị thư bụng to mấy bận, ông lại "xả" ra cho xẹp lại. Ông nói chuyện thư ếm là thủ thuật của bùa Chà, bùa Lỗ Ban "ngán" nhưng bùa Lèo của ông thì không sợ mấy trò đó. Thế nhưng khi tôi tỏ vẻ hoài nghi chuyện bùa chú lừa phỉnh, ông lại nói chuyện ông thầy bùa Lỗ Ban chết có lẽ do uống rượu như hũ chìm, chắc chắn bị xơ gan. Rồi chuyện người dân vùng này hay chướng bụng có lẽ do ăn uống không kỹ mà ra. Để minh họa, ông lôi từ trong thùng rác một nhúm nào vải, chỉ sặc sỡ nhiều màu, nói đó là của một phụ nữ vừa bị chồng bỏ rơi. Một thầy bùa ở xóm trên bán cho chị mảnh vải "bùa yêu" bảo về để dưới đầu nằm, cùng với đeo sợi chỉ đỏ đỏ vàng vàng vào cổ, trước sau gì chồng chị cũng "yêu lại" mà về. Nghe lời, chị cũng về làm theo. Nhưng chờ đợi mỏi mòn mà người chồng vẫn biệt vô âm tín, chị lại đến tìm thầy Sáu Ái. Ông đem sợi chỉ và mảnh vải "bùa yêu" vứt vào thùng rác bảo "đừng có tin vào bùa chú nhảm nhí". Nói vậy, nhưng "thầy" Sáu Ái vẫn vẽ bùa cho người phụ nữ tội nghiệp để "trục" chồng chị ta về (!). Ông không nói kết cuộc người chồng có quay về hay không mà chỉ khoe "chiến tích" là đã từng đổ sạch thuốc của mấy ông thầy bùa Chà ở chợ Hà Tiên, từng đến chọc giận ông thầy bùa Lỗ Ban trên Núi Cấm, hay đá vào mông một ông thầy bùa Miên... mà tới giờ ông vẫn bình yên vô sự. Nói vậy, cũng có thể hiểu rằng chuyện bùa chú đối với ông đích thực chỉ là trò lừa lọc, hù dọa những người yếu bóng vía.

  • Bài 1: Tôi đi xin bùa
  • Bài 2: “Cao nhân” vào tù
  • Tiến Trình

    Top

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.